Ảnh: AFP
Trong câu chuyện của tác giả Nikhil Sonnad đăng tải trên trang tin QZ, có thể mỗi người sẽ nhận ra một điểm tương đồng nào đó với tình huống của mình chăng?
Chúng tôi giữ nguyên đại từ nhân xưng "tôi" của tác giả trong bài viết bởi xem đây như một ý kiến cá nhân mang tính tham khảo của riêng anh mà không hẳn đã nhận được đồng tình của tất cả.
Cơn nghiện vô thức
Năm nay, tôi đã mắc nghiện và xóa bỏ các ứng dụng sau: Twitter, Hacker News, Reddit, Press (một công cụ đọc tin RSS) và Instagram.
Lý do của tôi nghe có vẻ quá quen thuộc. Tôi thường bị nghiện một cách vô thức với một ứng dụng, bất cứ lúc nào đầu óc rảnh rang một chút thì tôi lại ngó vào nó, ngay cả khi chỉ là 30 giây trong thời gian đi tiểu!
Tình trạng không ngó vào điện thoại không chịu nổi này khiến tôi cảm thấy khó chịu. Thế nên tôi quyết định gỡ bỏ ứng dụng này. Tuy nhiên sau mỗi lần gỡ bỏ thì sự việc lại lặp lại với một ứng dụng khác. Và cái vòng luẩn quẩn cứ tái diễn.
Quá trình xóa - nghiện - xóa không dứt khiến tôi nhận ra sự hiện diện liên tục của điện thoại đã khiến não của tôi dần quen với việc không còn tập trung suy nghĩ về vấn đề nào nữa, tức là liên tục ở tình trạng phân tán.
Bạn có thể nhận thấy là những ứng dụng này không hề được thiết kế với mục tiêu gây nghiện, kiểu như ứng dụng game Candy Crush vốn thường sử dụng hình ảnh những chiếc kẹo hấp dẫn để lôi cuốn người dùng.
Mỗi ứng dụng tôi đã xóa đều có những chức năng hấp dẫn, thú vị và thực sự hữu ích. Chẳng hạn bạn có thể học hỏi được rất nhiều từ một ứng dụng tin tức, hay có những trải nghiệm tuyệt vời khi ngắm nhìn những hình ảnh gần gũi trong Instagram.
Dù vậy thì nội dung chưa phải là vấn đề quan trọng. Mặc dù những ứng dụng này khác biệt ở cách thể hiện của chúng, song lại có 2 điểm chung lớn nhất: Chúng thường xuyên cập nhận nội dung và hối thúc bạn dành cho chúng một sự chú ý tuyệt đối duy nhất.
Theo đó có thể nói chúng là những sự phân tán "đã được làm sẵn". Thế nên không quan trọng gì trong việc đó là một tin tức nóng hổi, hay là một bức ảnh em bé, nó đơn giản chỉ là "có một chỗ" để bộ não chúng ta "nương náu" lúc rảnh rỗi mà thôi.
Trong khi đó, những thông tin mà tôi lưu lại để đọc sau thì cứ mãi mãi ở nguyên đó, không bao giờ được đụng tới. Việc đọc một bài báo thực sự đòi hỏi tập trung và chú ý nhiều hơn, và đương nhiên mất sức nhiều hơn so với việc chỉ xem lướt một thứ vô thưởng vô phạt nào đó.
Những ý tưởng về tình trạng nghiện smartphone một cách vô lý càng hiện ra rõ ràng hơn với tôi trong ba ngày tôi bị hỏng điện thoại.
Giữa cái vòng luẩn quẩn của xóa - nghiện - xóa, cái điện thoại "lăn ra chết" và tôi phải chờ mua một cái mới trong 3 ngày.
Những ngày không điện thoại quả thực là một vấn đề với nhiều người chúng ta hiện nay. Sự thiếu thốn đó tác động tới tôi ở mức độ mệt mỏi hơn nhiều so với tôi tưởng.
Suốt cả ngày tôi cứ không ngừng thò tay vào túi tìm điện thoại bất cứ lúc nào "sểnh" ra một chút thời gian. Tôi có thể cảm nhận rất rõ tâm trí mình đang muốn tìm kiếm một thứ gì đó, nhưng không rõ cụ thể đó là cái gì.
Việc "ở không" quả là đáng sợ và vô dụng. Hơn tất thảy, tôi cảm thấy đơn độc. Không có ai để nhắn tin, không có cách nào để biết được chuyện gì đang xảy ra xung quanh và trên thế giới, tâm trí tôi trở nên "bơ vơ" không nơi nương náu.
Và rồi khi chiếc điện thoại mới mang tới, tôi cảm giác như mình vừa được trở lại với nền văn minh sau một tháng ở ẩn trong rừng vậy.
Sự thỏa mãn rỗng tuyếch
Trên thực tế, không phải vì chuyện bỏ lỡ các tin tức, cũng không phải vì sức hút của các nội dung hấp dẫn của các ứng dụng, cái thôi thúc tôi phải mở ngay điện thoại chỉ là bởi tôi cảm thấy muốn trốn tránh sự tẻ nhạt, nhàm chán.
Bởi lẽ, cũng giống như tất cả những người khác, tôi thực sự lười biếng. Nếu mục đích của tôi là tìm kiếm thông tin, kiến thức cho bản thân, việc tiêu tốn thời gian cho những nội dung phân tán trên điện thoại là cách dễ dàng nhất khiến tôi cảm thấy mình đã hoàn thành mục tiêu đó.
Điều đó cũng giống hệt như khi tôi lấp đầy cái dạ dày của mình bằng những thức ăn nhanh và rồi cho rằng mình đã xong bữa tối. Đó là cách rẻ nhất, nhanh nhất để tạo cảm giác thỏa mãn là ta đã "hoàn thành" một nhiệm vụ.
Đương nhiên cảm giác thỏa mãn này là "rỗng tuyếch", chưa nói cảm giác thỏa mãn của việc ăn tối bằng khoai tây chiên sẽ mau chóng gây ra đau dạ dày và cảm giác tự chán ghét bản thân. Việc đọc 15 tít bài trong chưa tới một phút cũng sẽ khiến bạn chẳng nhớ được gì trong số ấy cả.
Cách tốt nhất để ăn ít thức ăn nhanh hơn không phải là cố gắng dùng ý chí để giới hạn nhu cầu ăn uống này của bản thân, mà là không đụng chút nào tới nó nữa.
Cũng như thế, việc ăn một viên kẹo sô-cô-la thậm chí còn gây hiệu quả tiêu cực nhiều hơn là không ăn gì. Và đây chính là điều mà tôi nhận ra trong mối quan hệ giữa chiếc điện thoại và bộ não của tôi.
Lẽ đương nhiên việc hoàn toàn bỏ sử dụng smartphone là điều không tưởng trong thời nay. Vì rốt cuộc bạn vẫn phải duy trì những ứng dụng hữu ích cho công việc và duy trì liên lạc với bạn bè, gia đình, kiểu như nhắn tin hay email.
Tuy nhiên việc xóa bỏ những ứng dụng chỉ thuần túy giải trí, giết thời gian cũng có tác dụng giống như việc bạn loại bỏ triệt để những thức ăn nhanh trong tủ bếp nhà mình.
Cùng với đó, bước tiếp theo của tôi sẽ là bắt đầu chuẩn bị nhiều hơn những "bữa ăn bổ dưỡng" cho bộ não. Điều này sẽ bắt đầu với việc tách rời điện thoại trong một số công việc hàng ngày như khi ăn trưa hay giặt giũ, tản bộ ngoài trời….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận