04/12/2019 14:40 GMT+7

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ?

THU DUNG - MAI HƯƠNG
THU DUNG - MAI HƯƠNG

TTO - Thời gian qua, rất nhiều trường hợp tài xế và hành khách gặp tai nạn, rủi ro khi đi lại bằng xe công nghệ. Các sự cố đau lòng liên tục xảy ra đòi hỏi nhà quản lý sớm có giải pháp để tài xế, hành khách yên tâm.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 1.

Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "An toàn người lái - thoải mái người đi" thu hút nhiều đơn vị tham gia bàn bạc - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước thực tế đó, ngày 4-12, báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "An toàn người lái - thoải mái người đi" với sự tham gia của Ban An toàn giao thông TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CA TP.HCM.

Các đơn vị, tài xế, hành khách cùng thảo luận, bàn bạc giải pháp để đảm bảo an toàn cho tài xế, hành khách đi xe công nghệ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ.

Rủi ro cho tài xế, hành khách ngày càng cao

Mở đầu tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định hiện nay dịch vụ xe công nghệ phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn ở Việt Nam, số lượng xe tăng nhanh qua thời gian thí điểm.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 2.

Ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu mở đầu tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước đây, nước ta chỉ có xe ôm nhưng đến nay rất nhiều ứng dụng xe công nghệ đã ra đời và phát triển trong 2 - 3 năm trở lại đây. Các ứng dụng Grab, Be, Go - Việt ... trở thành phương tiện được nhiều người dân lựa chọn. Kéo theo đó, tài xế và hành khách xe công nghệ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Trong đó vấn đề an toàn cho tài xế, hành khách xe công nghệ là quan trọng nhất.

Trao đổi tại tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM - cho biết, tất cả các loại hình xe công nghệ hiện nay gọi chính xác là xe hợp đồng điện tử được Bộ GTVT cho thí điểm từ 2016.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 3.

Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT TP.HCM đưa ra ý kiến trong tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trên địa bàn TP có 8 đơn vị đăng ký và được chấp thuận thí điểm, tính đến tháng 11- 2019, Sở GTVT thống kê có 5 đơn vị chính thức thí điểm.

Số lượng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ Grab có hơn 28.000 xe, Công ty vận tải Vận Thông có 2.200 xe, Be có 4.000 … Còn số lượng xe 2 bánh tổng cộng khoảng 200.000 xe, trong đó Grab hơn 80.000 xe, Go - Việt hơn 80.000 xe, Be Group là hơn 5000 xe.

Từ năm 2016 đến nay, có thể thấy số lượng xe công nghệ tăng rất nhanh, trong khi đó số lượng taxi truyền thống giảm từ 13.000 xe xuống còn hơn 8.000 xe.

Cũng theo ông Hải, lượng xe công nghệ trong TP gia tăng lớn, tạo áp lực lên hạ tầng. Số lượng xe lớn dẫn tới tình trạng cạnh tranh giữa các hãng khiến tình hình giao thông ngày càng phức tạp. An toàn của tài xế, hành khách càng bị đe dọa nhiều hơn.

Tham dự tọa đàm, anh Phạm Trần Viết Khánh - một tài xế xe công nghệ - chia sẻ tài xế xe công nghệ hiện cũng được các hãng tạo điều kiện. Thế nhưng các hãng cần thêm chính sách hỗ trợ để tài xế, hành khách được đảm bảo an toàn hơn.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 4.

Anh Phạm Trần Viết Khánh - một tài xế xe công nghệ chia sẻ về chính sách của các hãng xe công nghệ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Cùng bàn luận về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng Ban An toàn giao thông TP.HCM - cho biết TP sớm nhận định sự phát triển ồ ạt của các loại hình xe công nghệ sẽ dẫn tới nhiều rủi ro cho hành khách, tài xế.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng Ban An toàn giao thông TP.HCM yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý dịch vụ xe công nghệ - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Loại hình này hiện cũng tồn tại nhiều điểm hạn chế, tài xế, hành khách không được bất cứ sự bảo vệ nào. Vừa qua, có nhiều vụ cướp đã xảy với cả tài xế lẫn hành khách xe công nghệ rất nguy hiểm. 

Lực lượng tài xế xe công nghệ chủ yếu là sinh viên, người lao động có nhu cầu chạy xe công nghệ để lo cho gia đình. Cho nên các cơ quan nhà nước chúng ta phải có tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng để … họ tự bảo vệ được mình và hành khách đi trên xe", ông Tường nói.

Ông Tường cũng chỉ ra các hạn chế về phía tài xế như cách ăn mặc của tài xế vẫn lôi thôi, nhếch nhác. Khi di chuyển, tài xế liên tục bấm điện thoại, nghe nhạc gây nguy hiểm, phiền toái cho khách và người đi đường ", ông Tường nói.

Nhà nước phải có chính sách để bảo vệ

Trước những hạn chế đó, ông Tường đưa ra ý kiến, các hãng xe công nghệ khi tuyển tài xế phải tổ chức bồi dưỡng kỹ năng võ thuật, kỹ năng xử lý tình huống... Thậm chí, cơ quan công an vào cuộc huấn luyện để tài xế tự đảm bảo an toàn cho mình và an toàn cho hành khách. Đồng thời các hãng tạo điều kiện khi gặp đối tượng khách có khả năng gây nguy hiểm, tài xế có thể từ chối nhận cuốc.

Tại buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Đức Chánh đề xuất Chính phủ sớm đặt ra hành lang pháp lý đối với các hãng xe công nghệ. Hiện các hãng này hoạt động thí điểm, nhà nước chưa ban hành nghị định điều chỉnh, quản lý rõ ràng nên không đảm bảo được quyền lợi cho tài xế, hành khách. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, doanh nghiệp và tài xế sẽ xác định được quan hệ giữa hai bên. Tùy vào mối quan hệ, chính sách doanh nghiệp, việc thu thuế thu nhập cá nhân, các vấn đề mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 6.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư thành phố nêu ra vấn đề về hành lang pháp lý đối với các vấn đề về xe công nghệ hiện nay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đến dự buổi tọa đàm, ông Fujishima - Đại diện ALSOK - một đơn vị của Nhật Bản chuyên dịch vụ bảo vệ con người đưa ra đề xuất các hãng xe nên tăng cường ứng dụng thiết bị khoa học công nghệ, các phần mềm quản lý bảo vệ tài xế, hành khách từ xa.

Làm sao giảm rủi ro cho tài xế, hành khách xe công nghệ? - Ảnh 7.

Ông Fujishima - Đại diện ALSOK - một đơn vị của Nhật Bản chuyên dịch vụ bảo vệ con người đưa ra đề xuất các hãng xe - Ảnh: DUYÊN PHAN

Căn cứ vào thông tin thiết bị, cảnh sát hoặc lực lượng bảo vệ dễ dàng tìm được tài xế, hành khách trong ứng dụng. Bên cạnh đó, người lái xe phải biết tự bảo vệ bản thân, phải tự vệ, chống chọi khi xảy ra sự cố bị tấn công.

Trung tá Nguyễn Trọng Sơn - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt CA TP.HCM cho biết, tình trạng xe công nghệ bùng phát quá nhanh không chỉ gây ùn tắc, nhiều hệ lụy khiến lực lượng luôn phải siết chặt hơn nữa quá trình kiểm soát, xử lý.

Trước hết, để khắc phục những vấn đề này, ông Sơn yêu cầu tài xế phải chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, phục vụ khách văn minh. Hạn chế việc tài xế điều khiển cứ dán mắt vào điện thoại. Như vậy, khi xảy ra sự cố giao thông không phản ứng kịp, dễ tai nạn.

Trong tháng 11 qua, lực lượng CSGT TP ra quân 15 ngày kiểm soát xe công nghệ, tiến hành kiểm tra hơn 800 trường hợp, xử phạt 242 trường hợp vi phạm đi ngược chiều, chạy sai làn đường, vi phạm tốc độ...

Về phía các hãng, ông Sơn yêu cầu các hãng xe công nghệ khi tuyển dụng tài xế phải kiểm tra lý lịch, đào tạo ứng xử, có chính sách chế tài tài xế vi phạm luật lệ phù hợp để răn đe. Song song đó, các hãng cũng nên có chính sách hỗ trợ bảo hiểm phù hợp đối với tài xế, cho họ thêm ưu đãi để họ có tâm lý thoải mái khi làm việc. Nhờ đó, họ đi lại an toàn hơn, phục vụ khách tốt hơn".

THU DUNG - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên