09/12/2015 06:00 GMT+7

Làm sao để xe buýt là lựa chọn tốt nhất?

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Nhiều nguyên nhân làm người dân xa lánh xe buýt và xem nó như một sự lựa chọn “chẳng đặng đừng”. Trong khi đó, ở nước ngoài, xe buýt lại là phương tiện thuộc hàng top ưu tiên sử dụng của người dân.

Hệ thống máy lạnh trên một xe buýt tuyến 152 bị hư hỏng - Ảnh: Hữu Khoa

Vậy, làm sao để người người chọn xe buýt là phương tiện di chuyển chính, thay vì chỉ là sự thay thế không mong muốn?

Miễn cưỡng mới phải đi 

Đó là chia sẻ của nhiều sinh viên nhà xa trường phải sử dụng xe buýt làm phương tiện chính để đi lại.

Bạn N., sinh viên Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM bức xúc khi kể về việc mình bị tài xế xe buýt xỉ vả chỉ vì mình là… sinh viên:

“Hôm đó, tôi đi xe buýt số 8 từ làng ĐH về trung tâm thành phố. Người lơ xe khi thu tiền vé của các sinh viên đã tỏ thái độ khó chịu rồi. Do tôi ngồi gần tài xế nên còn nghe rõ những lời nguyền rủa lẩm bẩm của ông ấy nữa. Nào là “sinh viên có làm gì cho đất nước đâu mà được trợ vé”, nào là “toàn là một lũ hỗn hào, chỉ biết ăn bám”… Thật là vô lý. Việc trợ vé cho sinh viên có ảnh hưởng gì đến thu nhập của họ đâu mà lại chửi như thế?”, N. bức xúc kể.

Một ý kiến được nhiều bạn đọc đồng tình cho rằng do khách quan mà xe buýt chạy chậm thì còn chấp nhận được, chứ “nhân viên thô lỗ, mất lịch sự, tài xế chạy ẩu bỏ tuyến, ngừng xe giữa đường rồi hối thúc hành khách xuống đường” thì không thể chấp nhận.

Nhiều bạn đọc đề xuất nên cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào xe buýt để tăng tính cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng.

Bạn đọc cũng cho rằng nạn trộm cướp, móc túi và các tệ nạn khác trên xe buýt là những vấn đề nan giải mà cơ quan chức năng chưa bao giờ giải quyết được.

“Có lần tôi đi xe buýt bị sàm sỡ. Tôi la lên nhưng người lơ xe chỉ nhìn mà không có hành động gì để bảo vệ hành khách hết. Tôi cũng nhiều lần nghe kể chuyện các bạn nữ bị sàm sỡ trên xe buýt mà chẳng ai ra tay giúp đỡ”, chị Trần Nguyễn Hoàng My (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể.

Nan giải nâng cao chất lượng xe buýt

Trạm xe buýt trước khu du lịch Suối Tiên dù có rất nhiều người đi nhưng không có nhà chờ, buôn bán lấn chiếm rất nhếch nhác - Ảnh: Hữu Khoa

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người từng có kinh nghiệm sống tại Mỹ, cho rằng người VN ít dùng xe buýt vì nó không thuận tiện chứ không phải họ không cần xe buýt.

PGS.TS - chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thụ cho rằng người dân ai cũng muốn đi nhanh, an toàn, thuận lợi và ít tốn kém mà nhu cầu đầu tiên là đi nhanh. Trong khi đó, xe buýt hiện nay ở đô thị VN thường chậm do tốc độ thấp, đường phố lại thường xuyên tắc nghẽn do kẹt xe, nhất là vào giờ cao điểm.

“Chính điều này làm cho người dân không mặn mà và không muốn sử dụng xe buýt”, ông Thụ nhận xét.

Trong khi đó, việc mua một chiếc xe máy đối với người dân là chuyện bình thường, đi bằng xe máy lại nhanh và chủ động hơn.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị, không phải cứ ca ngợi, quảng bá lợi ích của phương tiện công cộng nhiều là người dân sẽ đi mà nó còn phải đáp ứng được những tiêu chí về sự thuận lợi.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng vấn đề quan trọng là hạ tầng của chúng ta còn quá yếu kém, thiếu đồng bộ và thiếu hiệu quả.

Nếu chỉ tập trung xây đường cao tốc, xây sân bay, xây các tuyến đường bên ngoài mà không tập trung nâng cấp hạ tầng trong đô thị thì không bao giờ có hệ thống xe buýt hiệu quả.

Tiếp theo là vấn đề về tiện nghi và phục vụ. Các thiết bị trên xe buýt còn quá lạc hậu. Người phục vụ lại hay mắng chửi, thậm chí hành hung cả hành khách.

 Văn hóa xe buýt hiện nay đang xuống cấp trầm trọng, hỏi sao người dân không muốn đi xe buýt.

“Nguyên nhân khách quan là vì chúng ta chưa có đủ vốn và năng lực để cải tạo hệ thống xe buýt, chủ quan là tầm nhìn chiến lược và chính sách của chúng ta vẫn còn hạn chế”, TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.

Cần quản lý có hệ thống

Làm sao để buýt là chọn lựa tối ưu của người dùng?

Mạng lưới xe buýt hiện nay chủ yếu là mạng lưới hướng tâm, tức là các tuyến xe buýt dẫn từ vùng ven ra và vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên để hệ thống xe buýt hiệu quả thì còn cần mạng lưới bàn cờ kết hợp với các tuyến hướng tâm theo dạng xương cá để trung chuyển người dân đến những địa điểm cụ thể. Hiện giờ VN đang thiếu mạng lưới trung chuyển đó.

KTS Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra điểm yếu về hệ thống tuyến xe buýt hiện nay.

Những tuyến đường nhỏ nên sử dụng hệ thống xe buýt nhỏ, tránh trường hợp chiếm nhiều lối đi. Nếu nhu cầu người đi nhiều thì có thể bố trí nhiều xe.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, ở nước ngoài các loại hình giao thông công cộng đều được quản lý chung bởi một hệ thống. Thành phố ta cần một hệ thống quản lý như vậy bao gồm tất cả những loại hình chuyên chở công cộng như xe buýt, tuyến metro, xe ôm, taxi...

Như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo ra mạng kết nối. Hành khách khi xuống xe buýt sẽ có ngay một phương tiện giao thông khác chuyển tiếp.

Ngoài ra, còn cần cung cấp cho người dân thông tin đầy đủ và chính xác hơn về các tuyến xe buýt.

Bản đồ xe buýt hiện nay chỉ có tính chất tham khảo. Hành khách cần phải biết rõ tuyến xe buýt mình đang đi có mấy trạm dừng, trạm dừng nằm ở đâu, chuyển tiếp ở chỗ nào,…

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để tạo được mạng lưới xe buýt hiệu quả chúng ta cần gắn kết các tuyến huyết mạch giao thông xe buýt và metro với quy hoạch nhà cao tầng dân cư và dịch vụ thương mại dọc theo tuyến.

Khi đó ít nhất người dân ở những khu vực này sẽ có thói quen sử dụng phương tiện công cộng hằng ngày vì quá tiện lợi và rẻ tiền, từ đó nhân rộng mô hình ra phát triển các tuyến khác, dần dần giảm áp lực lên các tuyến giao thông trong thành phố.

“Đến lúc giải quyết được vấn đề xe buýt rồi thì mới bàn được đến chuyện hạn chế xe cá nhân vào trung tâm”, KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định.

Không thể viện cớ đắt

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, hệ thống xe công cộng yếu kém thì số lượng phương tiện cá nhân tăng là điều tất yếu chứ không thể đổ lỗi cho người dân.

“Các đô thị hiện nay chỉ còn cách khuyến khích người dân đi xe buýt để giảm ùn tắc bởi người đi xe buýt chỉ chiếm 1/5 diện tích so với người đi xe máy. Nhưng không phải cứ phát triển giao thông công cộng cho thật nhiều là người dân sẽ đi. Phải điều hành, phải tối ưu hóa, hợp lý hóa thì mới thu hút được người dân”, TS Nguyễn Xuân Thủy nêu nhận xét.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, mỗi năm Hà Nội và TP.HCM hao tốn hàng tỉ đôla do việc ùn tắc và mất an toàn giao thông.

Rõ ràng khi phát triển giao thông công cộng thì cũng tạo ra động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy không thể vì quá đắt mà không làm.

“Ở một số nước tuyến tàu điện ngầm lỗ vốn nhưng họ vẫn buộc phải xây”, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích thêm.

4 tiêu chí của xe buýt các nước

Đó là nhanh, an toàn, tiện nghi và độ tin cậy cao. Khi nào VN chúng ta bảo đảm được các tiêu chí này thì xe buýt mới trở thành lựa chọn ưu tiên của người dân. 

Ngoài ra, mục tiêu của xe buýt là phải đáp ứng được vấn đề đi lại cho người đi làm, đối tượng phục vụ chính phải là người đi làm, không thể chỉ chuyên chở khách vãng lai như hiện nay.

Rất hiếm có thành phố nào trên thế giới với số dân đông như Hà Nội hay TP.HCM mà chỉ có xe buýt mà thôi. Xuống xe buýt rồi, không có phương tiện kết nối, người dân đi làm bằng gì đây?

TS Nguyễn Xuân Thủy 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> KTS Ngô Viết Nam Sơn

>> TS Nguyễn Xuân Thủy

 

 

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục