Câu chuyện được bà Phạm Thùy Dương - phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội - nêu ra tại hội nghị giao ban công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 31-7 tại Hà Nội.
Bà Thùy Dương cho biết những năm qua Nhà xuất bản Hà Nội đã thực hiện dự án Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến do TP Hà Nội đầu tư.
Tủ sách gồm nhiều cuốn sách rất có giá trị, nhiều bạn đọc có nhu cầu tìm mua nhưng nhà xuất bản không được đưa ra rộng rãi bạn đọc. Bởi sách từ dự án đầu tư công là tài sản công, muốn đưa ra khai thác rất khó.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn nói vướng mắc này hiện đang gây lãng phí nguồn lực rất lớn.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục Xuất bản, In và Phát hành - giải đáp sách Nhà nước đặt hàng sẽ gửi đến đúng đối tượng, muốn biến thành sản phẩm thương mại bán rộng rãi ra xã hội bị vướng nhiều quy định về quản lý tài sản công.
Ông cho biết tới đây sửa các thông tư về xuất bản sẽ cố gắng đưa vào quy định để khai thác tốt hơn sách Nhà nước đặt hàng, để có thể đem ra khai thác phục vụ nhu cầu của cộng đồng.
Tuy nhiên, việc tính toán chia sẻ nguồn lực lại cho Nhà nước thế nào khi khai thác thương mại các sách này thì Bộ Tài chính phải có quy định mới có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tại hội nghị cũng rất quan tâm câu chuyện này và nhìn ra bất cập.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói sách Nhà nước đặt hàng sau khi giải ngân, gửi sách đến một số cơ quan theo đúng quy định nhưng "không biết người ta có đọc không", trong khi người thực sự cần thì không có sách.
Ông Lâm cho biết tới đây sẽ sửa đổi chính sách về đặt hàng sách, chế độ nhuận bút hay bản quyền. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang lập đề nghị xây dựng, sửa đổi Luật Xuất bản.
Hy vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay trong ngành xuất bản, trong đó có việc giảm các thủ tục hành chính, ví dụ như có thể xem xét bỏ quy định nộp lưu chiểu sách trước 10 ngày trước khi phát hành, hay thay thế quy định đăng ký xuất bản bằng thông báo xuất bản...
Về việc Hội Xuất bản Việt Nam không trụ sở, không kinh phí hoạt động, rất khó khăn, kiến nghị nhiều năm vẫn chưa giải quyết, ông Lâm nói vừa rồi Ban Bí thư có nghe báo cáo về đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Ông hy vọng sẽ sớm có chỉ thị của Ban Bí thư để tháo gỡ bất hợp lý của Hội Xuất bản Việt Nam hiện nay.
Về tình hình xuất bản sáu tháng đầu năm, ông Lâm chỉ ra khó khăn khi số bản sách tăng 31% nhưng doanh thu chỉ tăng 14% và đang giảm trong mấy tháng gần đây.
Ông khuyến khích các nhà xuất bản mạnh dạn mở rộng làm sách tinh gọn vì ông cho rằng xu hướng đọc sách tinh gọn sẽ phát triển, "sách dày bày trên cao, không đọc".
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nói những kiến nghị tại hội nghị sẽ được tiếp thu, giao cho Vụ Báo chí - Xuất bản, Cục Xuất Bản - In và Phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam tổng hợp đưa vào báo cáo dịp tổng kết 20 năm thực hiện chỉ thị 42 về nâng cao chất lượng toàn diện ngành xuất bản, đưa vào kiến nghị gửi Ban Bí thư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận