Đó là một trong những thách thức được đặt ra tại hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng mới đây. Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024.
Những thách thức trong đào tạo nhân lực
Tại hội nghị, ông Huỳnh Công Pháp, hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng), cho biết năm ngoái cả nước chỉ 300 chỉ tiêu đào tạo vi mạch, năm nay đã có 25 cơ sở giáo dục tuyển sinh vi mạch với khoảng 3.000 chỉ tiêu.
Điều này cho thấy con số mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2030 là rất khả thi. Đặc biệt chất lượng đầu vào ngành vi mạch và các ngành gần khá tốt khi điểm tuyển sinh rất cao.
Vấn đề đặt ra là những sinh viên giỏi đoạt các giải cao ở các cuộc thi lớn được học bổng thường tìm đến những nước phát triển để lĩnh hội tri thức rồi quen với môi trường đó, và rất khó trở về.
"Vì vậy để các em trăn trở và tâm huyết với quê hương và ở lại thì cần tạo môi trường tốt ở Đà Nẵng, các chính sách giữ chân các em", ông Pháp nói.
Ông Pháp cho rằng để đào tạo sinh viên giỏi, cần có các giảng viên nước ngoài nhưng với học phí hiện tại, nhà trường không thể trả nổi lương cho giảng viên là chuyên gia nước ngoài đến trường đại học giảng dạy. Cạnh đó, vé máy bay, chỗ ở… cũng cần chính sách của thành phố.
Ông Vũ Duy Việt, giám đốc bộ phận nghiên cứu phát triển Infineon Technologies AG tại Việt Nam, cho rằng ngoài đạo tạo từ trường đại học, các công ty châu Âu, Đức quan trọng sự cân bằng của đội ngũ.
"Không thể thuyết phục họ nếu đội ngũ toàn kỹ sư mới ra trường. Vì vậy cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước tạo động lực cho những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực về Đà Nẵng để xây dựng nòng cốt ban đầu, tạo lòng tin cho lãnh đạo cấp cao của các công ty công nghệ lớn", ông Việt nói.
Nhiều chính sách
Ông Hồ Kỳ Minh, phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
"Thành phố xác định nguồn nhân lực là "lõi hạt nhân" tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn", ông Minh nói
Đối với người theo học và chuyên gia trong ngành vi mạch bán dẫn, thành phố thực hiện hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn; hưởng chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú…
Song song với việc tổ chức tuyển sinh mới đào tạo bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ các ngành công nghiệp bán dẫn, đưa STEM vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông thì trong ngắn hạn, Đà Nẵng chú trọng đào tạo lại, đào tạo chuyển tiếp đối với lực lượng kỹ sư đã tốt nghiệp, các giảng viên chuyên ngành gần sang vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và các ngành gần, đẩy mạnh quan hệ hợp tác, kết nối giữa các trường đại học trên địa bàn thành phố với các trường đại học ở các nước có thế mạnh đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.
Cạnh đó, thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình liên minh đào tạo hợp tác giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận