Xe
27/10/2020 09:57 GMT+7

Làm quen với kiểm tra khí thải xe máy

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TTO - Tại kỳ họp Quốc hội lần 10, khóa XIV, dự kiến Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi để thay Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Làm quen với kiểm tra khí thải xe máy - Ảnh 1.

Nhiều xe máy cũ xả khói mù mịt vẫn hoạt động trên đường phố Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong dự thảo luật mới bổ sung quy định xe cơ giới phải đáp ứng mức khí thải theo quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Khi luật được thông qua, việc kiểm soát khí thải xe máy tại các đô thị sẽ được tiến hành, đây là việc cần thiết nhằm loại bỏ dần những xe xả khói đen trên phố góp phần bảo vệ môi trường từ hoạt động giao thông.

Môtô, xe máy thuộc diện kiểm tra khí thải

Trong tờ trình dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi nêu rõ: môtô, xe máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải theo quy định về lộ trình của Chính phủ. 

"Đây là những chính sách cụ thể hơn so với Luật giao thông đường bộ 2008 nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường ít phát thải ô nhiễm, giảm thiểu các tác động về môi trường của phương tiện tham gia giao thông" - tờ trình của Chính phủ do bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký trình Quốc hội nêu rõ lý do kiểm soát khí thải định kỳ đối với môtô, xe máy.

Đây là điểm mới vì lâu nay quy định về kiểm soát khí thải môtô, xe máy chỉ thực hiện ở khâu lắp ráp sản xuất trong nước và nhập khẩu mới. Gần nhất là năm 2009, Bộ GTVT đã ban hành quy chuẩn về kiểm soát khí thải QCVN 04:2000/BGTVT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải môtô, xe máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, chưa có quy chuẩn khí thải đối với xe đang tham gia giao thông.

Trước đó, trong quá trình soạn dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, vào năm 2018 Bộ GTVT đã đồng ý với đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về việc thí điểm kiểm soát khí thải môtô, xe máy ở TP.HCM. Bộ đề nghị sở báo cáo UBND TP đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép TP được thí điểm và đã góp ý TP cần có lộ trình thực hiện kiểm soát khí thải, chu kỳ kiểm định, hồ sơ thủ tục và các biện pháp kiểm soát việc thực hiện khí thải...

Một cán bộ của Bộ GTVT cho rằng việc kiểm tra khí thải xe máy không chỉ nhằm kiểm soát chất lượng không khí mà còn cả chất lượng phương tiện. 

"Có thể ban đầu người dân chưa quen việc kiểm soát khí thải xe máy nên Chính phủ sẽ ban hành lộ trình thực thi cũng như chế tài xử lý phù hợp. Trong khi nhiều người dân không quan tâm đến việc bảo dưỡng xe đang hoạt động, khiến phương tiện nhanh xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng không khí" - vị này nói.

TP.HCM thí điểm kiểm tra khí thải xe máy thế nào?

Triển khai thí điểm đề án kiểm soát khí thải để cải thiện môi trường không khí tại TP.HCM (đề án đề xuất với Thủ tướng) giữa tháng 5-2020, Sở GTVT cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học - công nghệ GTVT hợp tác đánh giá hiện trạng xe máy phát thải đang lưu hành trên địa bàn TP. 

Theo đó, các đơn vị này đưa ra chương trình kiểm tra khí thải cho tất cả các loại xe máy chạy từ 5 năm trở lên; phạm vi thực hiện là phường Nguyễn Cư Trinh, Q.1 và phường 10, Q.Phú Nhuận. Theo đó, người dân thuộc 2 phường trên có thể đem xe tới trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa để kiểm định miễn phí. Những xe không đạt được mức phát thải tiêu chuẩn theo quy định sẽ được nhận gói bảo dưỡng hoặc gói sửa chữa miễn phí.

Thực tế không chỉ lo khí thải từ xe máy gây ô nhiễm môi trường, từ những năm 2017, 2018 Sở GTVT TP đã tổ chức kiểm tra khí thải các xe buýt, xe khách và xe tải đang hoạt động, dù những xe này đã được kiểm định định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm đạt yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải. 

Việc kiểm tra đột xuất được thực hiện bằng các thiết bị di động, kiểm tra khí thải ngay tại bến bãi xe nhằm xem xét thực trạng xe có xả khói vượt tiêu chuẩn khí thải gây ô nhiểm môi trường hay không để có những giải pháp cụ thể.

Trở lại đề án thí điểm kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy ở TP với mục tiêu nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, ô nhiễm không khí trong đô thị chủ yếu là do hoạt động của các loại xe cơ giới và sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm 70-90%, chỉ 10-30% là do công nghiệp và sinh hoạt. 

Trong khi đó, trong các loại hình phương tiện giao thông đô thị thì môtô và xe máy vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của đa số người dân và chiếm tỉ trọng gần 90% trên tổng số phương tiện.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành (Hà Nội 5,7 triệu xe, TP HCM 8,3 triệu xe), chiếm 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80-90% khí CO, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới.

Riêng tại TP.HCM, theo một số tài liệu nghiên cứu đánh giá, tính toán thì môtô, xe máy chiếm 95% về số lượng, chỉ tiêu thụ 56% xăng (không tính dầu diesel), nhưng lại thải ra không khí khoảng 94% HC, 87% CO, 57% NOx và 33% bụi PM10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới (chạy bằng xăng và hoặc dầu).

Chỉ số chất lượng không khí AQ1 của TP.HCM năm 2017 là 86, thuộc nhóm chất lượng thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe đối với những người nhạy cảm và chỉ số PM2.5 là 28,3 mg/m3 vượt quá quy chuẩn 25 mg/m3.

Với số lượng xe cộ lớn, tốc độ tăng trưởng cao, qua nhiều năm sử dụng phát sinh chất lượng khí thải kém đang lưu hành đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

Ngoài ra, phương tiện giao thông cũ nát, kém chất lượng cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tiêu cực xã hội - Sở GTVT TP nhận định.

Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy đã có 10 năm trước

qd_ketxe_xemay_duongdienbienphu_2 3(read-only)

Kẹt xe kéo dài trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 17-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP". Theo đó, giai đoạn 2010 - 2013 triển khai đề án tại Hà Nội, TP.HCM. Giai đoạn 2013 - 2015 mở rộng phạm vi thực hiện đề án đến các TP loại 1, loại 2.

Biện pháp chính là thực hiện kiểm tra khí thải tại các cơ sở kiểm định khí thải và tuần tra, kiểm soát trên đường, bảo đảm người sử dụng xe tuân thủ việc kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để môtô, xe máy đạt tiêu chuẩn khí thải khi sử dụng để tham gia giao thông.

Theo Sở GTVT TP.HCM, sở dĩ đề án vẫn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sở GTVT cũng cho biết trong một số chương trình về giảm ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, TP cũng đưa ra một số đề án về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Trong đó có yêu cầu xây dựng lộ trình kiểm soát, quản lý khí thải phương tiện giao thông phù hợp với các mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường. Thế nhưng trong các đề án trên đã chưa đề cập một cách rõ ràng, cụ thể về việc kiểm soát khí thải môtô và xe máy.

Mỗi tuyến metro giúp giảm 39 đến 56 tấn khí thải CO2 mỗi năm Mỗi tuyến metro giúp giảm 39 đến 56 tấn khí thải CO2 mỗi năm

TTO - Theo kết quả khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và các cơ quan liên quan, mỗi tuyến đường sắt đô thị (metro) đi vào hoạt động sẽ giúp giảm thải khí CO2 từ 39 đến 54 tấn mỗi năm.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên