TT - "Nhà báo hỏi về đời tư thì tôi sẵn sàng. Nhưng hỏi về phim thì chịu thôi. Tôi mà trả lời là vi phạm hợp đồng" - đạo diễn Tất Bình, một trong những đạo diễn được xem là thân thiện với báo chí, đã rất e dè khi được hỏi về dự án phim mới nhất của ông: bộ phim lịch sử Huyền sử thiên đô.
Phóng toMột cảnh trong phim truyền hình Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long được quay ở Trung Quốc. Nếu như VN có được phim trường đúng chuẩn thì việc làm phim xưa, phim lịch sử sẽ không phải mượn bối cảnh và dĩ nhiên kinh phí làm phim sẽ giảm đáng kể - Ảnh: Truongthanh media
Dự kiến bấm máy vào đầu tháng 5 nhưng cho đến giờ mọi thông tin về bộ phim truyền hình Huyền sử thiên đô vẫn trong vòng bí mật. Nhà đầu tư sản xuất của bộ phim là Công ty Sao Thế Giới khá kín tiếng với báo chí về bộ phim, chỉ trả lời qua email bằng văn bản.
Các hãng tư nhân chưa mặn mà
400 triệu đồng/tập phim vẫn không đủ Bà Nguyễn Trúc Mai - giám đốc sản xuất Hãng phim M&T Pictures - cho rằng: "Chi phí cho một tập phim lịch sử là 400 triệu đồng thật ra cũng không đủ. Làm phim xưa, phim lịch sử mang rất nhiều rủi ro, áp lực. Làm phim dở dở ương ương thì chẳng ai coi. Mà chúng tôi phải cam kết với nhà đài là đảm bảo rating, tức chỉ số người xem truyền hình. Ấy là chưa kể đến chuyện phim lịch sử khó đưa quảng cáo lồng vào phim được (ngày xưa làm gì có xe máy, dầu ăn, tivi...) nên cũng mất một nguồn thu. Bỏ ra vài chục tỉ đồng mà không biết số tiền ấy thu lại như thế nào thì phiêu lưu quá". |
Huyền sử thiên đô được thực hiện nhân kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội, đề cập quá trình dời đô của vua Lý Công Uẩn. Một số người trong cuộc lý giải sở dĩ Huyền sử thiên đô kín kẽ như vậy bởi đây là bộ phim lịch sử đầu tiên của Sao Thế Giới. Ðề tài về lịch sử lại dễ gây tranh cãi, cách làm phim mới mẻ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn nên nhà sản xuất e dè sợ "nói trước bước không qua".
Trước đó, đầu năm 2010 bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long do Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất đã được khởi quay. Bối cảnh chính của phim quay chủ yếu tại trường quay Hoành Ðiếm (Chiết Giang, Trung Quốc), đạo diễn phim cũng là người Trung Quốc khiến ngay từ khi bấm máy, trên một số diễn đàn mạng đã xuất hiện khá nhiều nghi ngại quanh việc làm phim.
Ông Nguyễn Anh Xuân - trưởng phòng khai thác phim truyện đài truyền hình TP.HCM (HTV) - cho biết: "Hiện nay ban giám đốc HTV rất quan tâm và khuyến khích các hãng phim tư nhân sản xuất các bộ phim đề tài xưa, lịch sử. Nếu như HTV mua thể loại phim tâm lý xã hội với giá khoảng 180 triệu đồng/tập thì phim lịch sử là 400 triệu đồng/tập. Chúng tôi cũng ưu tiên giờ đẹp để phát sóng loại phim này...".
Tuy nhiên, theo ông Xuân, dù có những chính sách ưu ái như vậy nhưng đến nay các hãng phim tư nhân vẫn không tỏ ra mặn mà. Bản thân HTV cũng đã có vài dự án về phim lịch sử, phim xưa nhưng đến nay dự án vẫn còn là dự án.
Như vậy trong suốt năm năm kể từ khi các hãng phim tư nhân phát triển rầm rộ, chỉ có hai bộ phim truyền hình đề tài lịch sử được khởi động mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Cả hai bộ phim này dự định sẽ phát sóng trên đài truyền hình VN (VTV).
Giới làm phim hiện nay mặc định chỉ có những hãng phim nhà nước mới đủ sức đầu tư về loại phim xưa, cổ trang, lịch sử… Còn các hãng phim tư nhân vẫn xem đề tài này là một miếng bánh khó nuốt.
Cần phim trường và những quy chuẩn chung
Bộ phim Tại tôi đang phát sóng trên HTV9 do TFS sản xuất thu hút khá nhiều người xem. Không phải là phim lịch sử, phim chỉ mới đề cập thời cận hiện đại mà tìm bối cảnh đã hết sức khó khăn. Sân trước nhà, sân sau của căn nhà - bối cảnh chính phải quay ở Bến Tre; phòng khách, phòng ngủ quay tại Bình Dương; đường phố Sài Gòn quay ở Ðà Lạt… Mỗi khi quay phải né những bảng hiệu, xe gắn máy... rất cực.
Ðạo diễn Võ Việt Hùng cho biết: "Hiện nay chúng ta sản xuất phim về đề tài xưa, lịch sử còn tủn mủn, chắp vá, chưa có kế hoạch tổng thể để tạo nên bối cảnh chung. Nếu như chúng ta xây dựng được phim trường đúng nghĩa, nơi các đoàn phim có thể thỏa sức sáng tạo và tận dụng được những bối cảnh, trang phục của các phim trước cho phim sau thì chi phí sản xuất phim sẽ giảm, đồng thời những người thực hiện cũng bớt vất vả như hiện nay".
Nhìn vấn đề xa hơn, giám đốc một hãng phim tư nhân nhận định: "Trong thời gian qua, các hãng phim tư nhân loay hoay không biết làm phim đề tài lịch sử như thế nào bởi vì không xác định làm được gì và muốn làm cái gì ở trong đó. Theo tôi, để tất cả các hãng phim không kể tư nhân hay nhà nước tham gia sản xuất phim lịch sử thì cần phải xây dựng những quy chuẩn chung về bối cảnh, trang phục... của những thời kỳ nhất định để tránh những tranh cãi không đáng có. Mặt khác, cần nhanh chóng xây dựng phim trường thì mới có thể nghĩ đến việc duy trì lâu dài được thể loại phim này".
NSƯT Lý Huỳnh: "Tôi sẽ tiếp tục làm phim về những anh hùng" Ngay từ đầu khi bắt tay làm Tây Sơn hào kiệt (bộ phim có đề tài lịch sử thứ năm mà tôi làm sau Lửa cháy thành Ðại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Thanh gươm để lại, Sơn thần thủy quái), tôi đã lường trước được những khó khăn và áp lực. Có thể nói ở VN làm phim về lịch sử là khó nhất. Khó trong việc tái hiện không khí lịch sử khi chúng ta không có một phim trường chuyên dụng, khó trong việc chuyển tải câu chuyện lịch sử một cách trọn vẹn, khó trong việc chuẩn bị phục trang, đạo cụ, khó trong việc dung hòa giữa yếu tố lịch sử giáo khoa và tính hấp dẫn của một bộ phim để kéo khán giả tới rạp... Vì vậy giới làm phim VN rất ít người dám làm phim lịch sử, ngay cả những phim do Nhà nước tài trợ cũng phải đợi mãi, tranh luận mãi mà vẫn chưa thành hình. Tôi không thể chờ tài trợ nên quyết định tự bỏ tiền tỉ để làm phim. Sợ bị "soi" nên ngay từ đầu tôi đã phải né từ "lịch sử", tôi làm phim dã sử võ thuật để có thể phát triển, hư cấu, sáng tạo trong một giới hạn nào đó nhằm tăng tính hấp dẫn cho một bộ phim nhựa chiếu rạp bán vé. Chúng tôi "đóng đô" ở Bình Ðịnh để tìm bối cảnh, huy động hàng trăm võ sư Bình Ðịnh để luyện bài "Hùng kê quyền", chọn hàng ngàn diễn viên quần chúng vào những cảnh đánh trận, đến Bảo tàng Quang Trung lấy mẫu và may mới hàng ngàn bộ trang phục thời Tây Sơn, làm 10 khẩu súng thần công, dựng một chiếc cầu phao thật bắc qua sông, lên Buôn Ðôn chọn voi, vào trường đua tập cưỡi ngựa, mất nhiều tháng trời dựng phim, làm kỹ xảo, hiệu ứng khói lửa... Chỉ tính riêng việc di chuyển, lo cơm nước cho đoàn phim với hàng trăm con người qua các tỉnh khác nhau đã ngốn rất nhiều kinh phí và công sức. Có thể nói tôi đã làm bộ phim này bằng cả tấm lòng, bằng tối đa sức lực, tiền của và trí tuệ của mình. Tuy nhiên vẫn không thể nào tránh được những sơ suất, lực không phải lúc nào cũng tòng tâm. Khán giả nhìn thấy những chỗ nào chưa hay, chưa thuyết phục thì hãy chân thành góp ý để tôi rút kinh nghiệm cho những bộ phim tiếp theo của mình. Tôi là con nhà võ nên rất say mê hình tượng người anh hùng trực tiếp ra chiến trận như Trần Hưng Ðạo, Bùi Thị Xuân, Lý Thường Kiệt. Tôi sẽ tiếp tục làm phim về họ. Nếu vẫn không có ai tài trợ thì tôi sẽ tiếp tục bỏ tiền túi ra làm và làm hết lòng. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Bức tranh mờ ảo Kỳ 2: Vì sao “đẻ” khó? Kỳ 3: Hướng đi mở cho một dòng phim Kỳ cuối: Tập làm người đại lượngLịch sử đâu có lỗi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận