Phóng to |
Kỳ 1: Bức tranh mờ ảo Kỳ 2: Vì sao “đẻ” khó? Kỳ 3: Hướng đi mở cho một dòng phim
Phát sóng Vó ngựa trời Nam Cuộc đời văn võ song toàn của một vị tướng sẽ được tái hiện qua bộ phim truyền hình dài 37 tập Vó ngựa trời Nam - phát sóng trên HTV7 lúc 20g45 từ thứ năm đến chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ 27-3. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho biết ông viết kịch bản bộ phim dựa theo hai tác phẩm Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ và Thi tướng chiến khu xanh (tác giả Nguyên Hùng). Dù là phim đề tài lịch sử, người thật việc thật nhưng Vó ngựa trời Nam không phải phim minh họa nhân vật mà có thêm bớt một vài chi tiết để bộ phim mềm mại, nhiều cảm xúc đời thường hơn. Hãng phim TFS mất ba năm để chuẩn bị bộ phim, phần ghi hình thực hiện trong 18 tháng. H.LÊ |
Bài viết không có ý định lật lại những nguyên nhân chủ quan (từ phía những người trực tiếp liên quan đến các dự án làm phim lịch sử), bởi báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực xung quanh những sự việc lùm xùm của chuyện làm phim.
Chúng tôi muốn nói đến những nguyên nhân khách quan - những cái khó - khiến phim lịch sử Việt Nam mãi vẫn chưa thành hình hài trong khi phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc lớn mạnh và phong phú vô biên, đủ sức chinh phục khán giả nước họ và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam hết năm này sang năm khác.
Cái khó đầu tiên là việc lưu giữ và lưu trữ những di tích và hiện vật lịch sử, văn hóa của chúng ta thật nghèo nàn, mà không có chất liệu lịch sử và hiện vật lịch sử thì rất khó cho việc thực hiện phim.
Các nhà làm phim - từ người viết kịch bản, đạo diễn, quay phim, dàn dựng, hóa trang, phục trang... - không thể mô tả cung điện, đền đài, trang phục, thậm chí từ trâm cài đầu, mũ, đôi hài... bằng lời, mà phải đưa đến cho người xem hình ảnh thị giác bằng những bối cảnh, hiện vật cụ thể.
Trong khi đó những di sản vật thể trong truyền thống lịch sử và văn hóa ở Trung Quốc, Hàn Quốc được lưu giữ khá hoàn hảo, tạo tiền đề cho việc làm phim lịch sử.
Cái khó thứ hai là chúng ta thiếu những pho tiểu thuyết lịch sử đồ sộ như Trung Quốc.
Các “chủ đầu tư” phim lịch sử như TP Hà Nội, Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch đã tổ chức những cuộc thi viết kịch bản phim lịch sử và thấy rằng việc “đào xới” tư liệu lịch sử của các nhà sáng tác gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn sử liệu quá hạn chế.
Cái khó thứ ba là làm phim lịch sử đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn, trong khi kinh phí làm phim ở Việt Nam rất khó khăn, rất nhỏ bé.
Cái khó thứ tư là chúng ta không có trường quay đúng nghĩa, kể cả trường quay Cổ Loa cũng mới được từng bước đưa vào sử dụng, tạo một số bối cảnh cho phim Trần Thủ Độ. Bởi vậy, các nhà làm phim gặp khó khăn trong việc xây dựng bối cảnh gắn với di tích lịch sử, vì rất khó phục chế những di tích có sẵn sao cho đúng như thời điểm lịch sử của phim.
Hơn nữa, kinh phí làm phim đã không nhiều nhặn gì mà mỗi lần làm phim là phải tốn kém tạo dựng bối cảnh mới, xong phim thì bối cảnh hầu như cũng bỏ đi, thật là lãng phí!
Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, người ta chủ yếu quay phim lịch sử trong trường quay, sau khi quay phim những trường quay nội, trường quay ngoại đều trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Cái khó thứ năm rất đặc trưng Việt Nam là sức ép quá lớn của dư luận xã hội đè lên vai các nhà làm phim.
Nhà làm phim bị “soi” mọi khía cạnh, mọi lúc mọi nơi. Kịch bản trung thành với lịch sử đến đâu? Bối cảnh, phục trang (từ những thứ lớn như thành quách, ngựa xe đến những món nhỏ như cái yếm, đôi hài) đúng sai thế nào, xứng tầm ra sao?
Khổ nỗi sử liệu thì hạn chế, tư liệu lịch sử nghèo nàn, có tranh cãi mấy cũng thật ít căn cứ để phân xử!
Rồi cả đến những việc “bếp núc” như chuyện bỏ dở vai diễn, thay diễn viên... đáng ra là chuyện giải quyết nội bộ trong đoàn làm phim và sẽ rất êm ả gọn gàng nếu hợp đồng giữa các bên chặt chẽ. Nhưng tất cả đều trở thành những câu chuyện ầm ĩ, rối tung trước dư luận.
Những sự kiện lớn mới đủ sức tồn tại qua năm tháng và làm nên lịch sử, bởi vậy bản thân lịch sử chứa trong lòng nó sự đại lượng. Cho nên những người làm phim lịch sử cũng phải tập làm người đại lượng, dư luận xã hội nhìn vào phim lịch sử cũng cần đại lượng.
Nhà đầu tư làm phim lịch sử ngoài sự đại lượng còn cần sáng suốt và quyết đoán, không nên quá dè chừng hay chạy theo dư luận.
Điều quan trọng là các nhà sáng tác, nhà đạo diễn làm sao thể hiện được “hồn cốt” của lịch sử vào phim, đồng thời qua đó gửi được một thông điệp hữu ích tới người xem hôm nay.
Nếu chưa làm được những bộ phim lịch sử hoành tráng như các nền điện ảnh bạn thì có thể khắc họa những lát cắt nổi bật của lịch sử, “tỉa tót” nét đặc sắc hoặc đi sâu vào một góc độ nào đó của những nhân vật lịch sử thì vẫn có thể có tác phẩm điện ảnh hay, có tính khái quát lịch sử, có sức thuyết phục và lay động người xem.
Chỉ như vậy mới mong thoát khỏi tình trạng loay hoay mãi mà vẫn không khơi được dòng phim lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận