24/03/2010 07:12 GMT+7

Loay hoay làm phim lịch sử - Kỳ 2: Vì sao "đẻ" khó?

NGUYỄN HOÀI NAM
NGUYỄN HOÀI NAM

TT - Lịch sử VN có phong phú và hấp dẫn không? Có. Lịch sử VN có khiến người dân VN thấy tự hào về dân tộc mình không? Có. Lịch sử VN có đem lại những bài học sâu sắc cho người VN ngày hôm nay không? Xin thưa rằng có. Có hết!

wB3cz5IG.jpgPhóng to
Nguyễn Ngọc Ngoan (phải, vai Nguyễn Du) và Nhật Kim Anh (vai Cầm) trong phim Long Thành cầm giả ca - Ảnh đoàn làm phim cung cấp

Kỳ 1: Bức tranh mờ ảo

Thế mà dường như chúng ta lại chẳng có gì để nói với nhau về phim truyện lịch sử VN cả.

Áp lực từ... ban bệ

Thực tế những Ðêm hội Long Trì hay Thủ lĩnh áo nâu trước đây chỉ là những sản phẩm nhập môn khá vụng về của phim truyện VN khi khai thác đề tài lịch sử. Chúng ta an ủi nhau rằng phim truyện lịch sử của chúng ta ít và chưa hay, là vì nền điện ảnh của chúng ta non trẻ, kinh nghiệm làm phim lịch sử còn mỏng, thiết bị lạc hậu, tiền đầu tư cho phim lại "còm".

Nhưng ngay cả nhân Ðại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi Nhà nước sẵn sàng đầu tư lớn để có được một tác phẩm "ra tấm ra món", khi nhiều người làm điện ảnh VN rất tự tin vào khả năng của mình, thì bộ phim truyện lịch sử mà người người trông đợi kia rốt cuộc vẫn chỉ là dự án bất thành. Chuyện gì xảy ra, tại sao "đẻ" một phim truyện lịch sử với điện ảnh VN lại khó thế?

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã kể rằng khi Hãng Phim truyện VN làm phim Ðêm hội Long Trì (bộ phim truyện lịch sử đầu tiên của điện ảnh VN) thì chẳng hề được một ban bệ hay hội đồng nào giám sát cả, và vì thế mà bộ phim đã ra đời cho dẫu còn không ít hạt sạn. Nhưng bây giờ, mỗi khi bắt tay thực hiện một dự án phim lịch sử thì các hội đồng trở nên nhiều hơn mức cần thiết.

Trong các hội đồng ấy, tiếng nói của khoa học lịch sử, chứ không phải tiếng nói của sáng tạo nghệ thuật, giữ vai trò đầy quyền uy. Người ta yêu cầu phim lịch sử phải trung thành với thực tế lịch sử ở mức cao nhất: từ thành quách, nhà cửa, xe cộ, trang phục cho đến hành động, tâm lý của các nhân vật đã được sử ghi lại thế nào thì phải thể hiện đúng thế ấy, nếu không phim lịch sử sẽ chỉ là một sự xuyên tạc, thậm chí xúc phạm lịch sử. (Oái oăm là trong một phần sử liệu của ta, những điều đó vốn được ghi lại rất sơ sài, thậm chí không có lấy một chữ). Yêu cầu ấy, có thể nói là áp lực hay sự "hù dọa" cũng được, khiến cả người đầu tư (Nhà nước) và người sản xuất (các nghệ sĩ) đều chột dạ và trở nên... rón rén!

Đầu tư, sản xuất: rón rén

Người đầu tư rón rén vì không khéo số tiền khổng lồ lấy từ tiền thuế của nhân dân sẽ đổ xuống sông xuống bể với một bộ phim không phản ánh đúng thực tế lịch sử. Người sản xuất rón rén vì không biết phải quyết thế nào giữa hai con đường, một bên là việc làm phim để minh họa cho lịch sử, và bên kia là việc sử dụng lịch sử như chất liệu cho sáng tạo nghệ thuật của mình. Hai cái rón rén ấy cộng lại, thêm một vài nguyên nhân khác sẽ thành một ca "đẻ" khó!

Sự rón rén của người sản xuất là khá dễ hiểu. Anh ta sẽ không có cách gì thực hiện cho được một bộ phim lịch sử, chưa vội nói đến chuyện hay dở, nếu không có cái gật đầu đồng ý của người đầu tư. Anh ta phải sửa lên sửa xuống kịch bản văn học và kịch bản đạo diễn là vì thế. Sự rón rén của người đầu tư phức tạp hơn. Một mặt, điều đó bộc lộ tâm lý cầu toàn đến mức thái quá của người đầu tư, nghĩa là chỉ chấp nhận đầu tư làm phim lịch sử khi tin chắc đó sẽ là chính phẩm, chứ không chấp nhận mạo hiểm bỏ tiền cho những bản nháp, bản thử.

Mặt khác, ở đây tồn tại một sự phân vân bất quyết về mục đích công việc: giữa khoa học và nghệ thuật, giữa làm phim lịch sử như làm một pho tượng để "thờ", và làm phim lịch sử như sáng tạo một tác phẩm điện ảnh để công chúng có thể thưởng thức và chia sẻ, chọn đường nào? Phân vân bất quyết mãi với câu hỏi "chọn đường nào?" của người đầu tư có lẽ chính là một trong những lý do khiến dự án phim truyện lịch sử kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đi vào ngõ cụt!

Tư duy vụ việc

Ðến đây chúng ta sẽ tiếp tục chạm mặt với một câu hỏi mới: tại sao lại cứ phải là 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (hoặc một dịp lễ, một ngày kỷ niệm nào đó) mới làm phim lịch sử? Tư duy vụ việc, vâng, đó chính là yếu tố khiến phim truyện lịch sử chưa thể phát triển thành một dòng trong điện ảnh VN. Vì thế các dự án phim lịch sử của chúng ta luôn thực hiện trong thế bị động, gấp gáp, nôn nóng và rồi cuối cùng... không thực hiện được! (Liệu có cần phải kể đến ở đây cả cái tâm thế chỉ chăm chăm nhặt nhạnh những rơi vãi dọc đường của một số người thực hiện dự án?).

Thiết nghĩ, nếu đã đồng ý với nhau rằng lịch sử dân tộc là một nguồn đề tài vô cùng màu mỡ cho nghệ thuật điện ảnh, rằng phim truyện lịch sử là một trong những phương tiện giáo dục truyền thống đầy hiệu quả, Nhà nước nên đẩy mạnh việc đầu tư sản xuất phim lịch sử, coi đó là một chiến lược chứ không vin vào những dịp lễ, những ngày kỷ niệm cụ thể nào cả. Và tất nhiên phải dám chấp nhận những thất bại ban đầu.

Tôn trọng sự tưởng tượng

Có lẽ cũng không nên bỏ qua khả năng đóng góp sức mình vào dòng phim lịch sử của các hãng phim tư nhân. Nhưng ở đây lại nảy sinh một vấn đề: sản xuất phim lịch sử chắc chắn đòi hỏi một sự đầu tư tiền bạc rất lớn, vì thế khi quyết định làm phim lịch sử thì phần chắc là các hãng phim tư nhân sẽ nghiêng về phía làm phim giải trí - để thu hồi vốn - chứ không làm phim “thờ”. Liệu Nhà nước có chấp nhận hướng đi này?

Có lẽ đây là câu chuyện cần phải được giải quyết trước hết trên phương diện nhận thức của những người quản lý: nếu muốn tìm lại diện mạo đích thực của lịch sử, hãy đến với những công trình nghiên cứu sử học khả tín. Còn với phim truyện lịch sử, nên xem đó là một sản phẩm được rút ra từ quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ, trong đó sự tưởng tượng hư cấu trên chất liệu lịch sử cần được đặc biệt tôn trọng.

______________

Kỳ 3: Hướng đi mở cho một dòng phim

NGUYỄN HOÀI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên