25/03/2010 06:03 GMT+7

Hướng đi mở cho một dòng phim

NGA LINH thực hiện
NGA LINH thực hiện

TT - “Dù VN chưa hề có dòng phim lịch sử, nhưng chúng ta đang nắm trong tay một khối lượng kịch bản nhiều chưa từng có” - đạo diễn Đêm hội Long Trì (được coi là bộ phim truyện nhựa đầu tiên về đề tài lịch sử VN), NSND Hải Ninh khẳng định.

Kỳ 2: Vì sao “đẻ” khó? Kỳ 1: Bức tranh mờ ảo

“Thực tế về khâu kịch bản, chúng ta đã chuẩn bị xong từ sáu năm nay!” - là chủ tịch hội đồng tư vấn, trưởng ban giám khảo cuộc thi sáng tác kịch bản phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, đạo diễn Hải Ninh vẫn lưu giữ tinh tươm chồng kịch bản dày đã dự thi và đoạt giải. “Số lượng quá đủ để chúng ta khai thác dần đấy!” - ông nói.

KgE6lLTA.jpgPhóng to

Diễn viên Lý Hùng vai hoàng đế Quang Trung trong Tây Sơn hào kiệt - Ảnh do đoàn phim cung cấp

42 kịch bản - tài sản dùng dần

cfI4DEKD.jpgPhóng to
ĐD-NSND Hải Ninh - Ảnh: N.Linh
* Thưa ông, chúng ta đang có những gì từ cuộc thi được đầu tư, chuẩn bị rất sớm của ban chỉ đạo quốc gia?

- Tôi vẫn lưu giữ toàn bộ 42 kịch bản của các tác giả không chuyên và sáu nhà văn, biên kịch có tiếng (Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Xuân Khánh, Đinh Thiên Phúc). Có nhiều kịch bản dài 2-14 tập, có tác giả (Lê Khôi, Đà Nẵng) viết trọn bốn kịch bản có độ dài 36 tập về cả ba triều đại Trần - Hồ - Lê. Triều đại nhà Lý có tới tám kịch bản, trong đó có bốn kịch bản viết về Lý Công Uẩn ở các thời kỳ khác nhau.

Có nhiều tác giả cùng viết về Lý Thường Kiệt hoặc những người anh hùng đã trở thành thần tượng của lịch sử dân tộc: Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản... Cũng có những tác giả đào sâu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, về người anh hùng áo vải Lê Lợi và nhà chiến lược Nguyễn Trãi. Tiếp theo các triều đại Lý - Trần là những kịch bản về Nguyễn Huệ Quang Trung tiêu diệt 20 vạn quân Tôn Sĩ Nghị, giải phóng kinh thành Thăng Long.

Về các danh nhân có những nhân tài kiệt xuất, những sĩ phu Bắc Hà: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Cao Bá Quát...

So với những kịch bản dự thi tự do thì sáu kịch bản đầu tư trực tiếp cho các tác giả đều đủ chất lượng để sử dụng ngay!

* Nhưng nhìn vào số phim truyện lịch sử dự tính thực hiện chào mừng đại lễ lại thấy thiếu vắng bóng dáng của nhiều kịch bản đã được chọn (đoạt giải). Chúng ta có bỏ sót điều gì trong sáu năm qua không, thưa ông?

- Nhiều kịch bản đã bị xếp xó, ngay cả kịch bản đoạt giải nhất là Hội thề của Nguyễn Quang Thân! Tác giả đã chọn viết về một cuộc đấu tranh chống quân xâm lược độc đáo. Khi đó Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã dùng chiến lược quân sự “Đại nghĩa thắng hung tàn” bằng hình thức “hội thề”, buộc địch đầu hàng và rút quân về nước mà không đổ một giọt máu.

Một điều thú vị nữa là tính khả thi cao, truyện phim đều dựa trên những di tích lịch sử có thật trên đất Thăng Long xưa như hoàng thành, tổng hành dinh của Lê Lợi ở Bồ Đề (Gia Lâm), Đông Bộ đầu trên dòng sông Hồng lịch sử, huyền thoại vua Lê trên hồ Hoàn Kiếm. Nhưng cuối cùng sự việc không thuận chiều vì Hội thề được đánh giá là có những yếu tố nhạy cảm về thời cuộc.

Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là nhà tổ chức cuộc thi, được giành quyền sở hữu đối với những kịch bản đoạt giải nên có quyền quyết định có trực tiếp đầu tư hoặc kêu gọi vốn đầu tư sản xuất phim từ những kịch bản này hay không.

Dù vậy, với số lượng kịch bản đa dạng chúng ta có vô vàn hướng đi. Chào mừng 1.000 năm Thăng Long là chúng ta có quyền làm tất cả những đề tài trong 1.000 năm ấy. Cái nào hay, hoàn chỉnh ta làm trước, nghẽn ở Lý Thái Tổ thì ta chuyển sang Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo.

Chưa bao giờ điện ảnh VN ở trong giai đoạn được Nhà nước quan tâm đến dòng phim lịch sử nhiều như hiện nay! Các nhà làm phim không mất những đầu tư ban đầu, giảm được giá thành, được thừa hưởng những vật liệu của phim trước, tay nghề các bộ môn được nâng cao, rút được kinh nghiệm!

Có nhiều cách làm phim lịch sử

* Phim lịch sử VN vẫn là “ca đẻ khó” nếu so với điện ảnh khu vực và thế giới, ý kiến của ông để tiếp sức “ca đẻ” này là gì?

- Dòng phim này có nhiều đặc thù riêng, đặc biệt là phim ở thời kỳ cổ đại và trung đại, chúng ta phải tái tạo toàn bộ thời kỳ ấy, phải đụng chạm đến vua chúa, quân sĩ, thành quách, lâu đài, phục trang... Nằm trong một không gian chung là phương Đông, nhưng chúng ta không nên để hơi hướng phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản gây áp lực lên “những tác phẩm con đẻ” của VN.

Điện ảnh VN chưa có công nghệ, cơ sở sản xuất và đội ngũ chuyên nghiệp về thể loại phim này, không có thì ta phải học hành, luyện tập cách làm chứ! Tôi biết Lý Huỳnh làm Tây Sơn hào kiệt mất ba năm, cả nhà đạo diễn này phải đi học toàn bộ: thiết kễ mẫu về kiến trúc, phục trang, đạo cụ của triều đại; xây dựng trường quay, phòng hòa âm, in tráng và máy móc kỹ thuật hiện đại.

Lý Hùng muốn đóng vai Quang Trung phải đến Bình Định nghiên cứu các sử liệu ở bảo tàng, thư viện, khảo sát thực địa, thâm nhập thực tế tất cả di tích lịch sử. Giai đoạn sản xuất phim từ chọn voi chọn ngựa, huy động lực lượng quần chúng... đều phải chuẩn bị từ sáu tháng đến một năm. Đó là một cách xây dựng đội ngũ có nghề để làm loại hình nghệ thuật này!

* Có người trong nghề, có nghề (và tiền nhà nước) trong tay nhưng đâu là cách sử dụng đúng, theo ông?

- Tôi tổng hợp có ba cách. Thứ nhất, nếu một ngày điện ảnh VN hùng cường, có tất cả những điều kiện để làm phim lịch sử thì ta làm những gì trọn bộ, xuyên suốt (phim Xích Bích của Trung Quốc là một ví dụ).

Cách thứ hai: trong tình hình thực tế của điện ảnh VN chưa cho phép làm những phim quá đồ sộ và phức tạp, phim có thể phản ánh lịch sử qua nhân vật, tái hiện những cảnh trận mạc xung đột kịch tính qua đối thoại. Hoặc chỉ trong cung đình, qua quan hệ của nịnh thần - trung thần mà nói chuyện lịch sử, Đêm hội Long Trì đã làm theo cách đó.

Cách thứ ba: phối hợp giữa nội cung và ngoại cung, đây là cách làm năng động mà nhiều nước bạn đều đang sử dụng.

Nhưng chẳng bao lâu nữa đại lễ tới rồi, nếu làm không kịp thì sau này chúng ta phải đeo đuổi tiếp! Cả một trí lực quốc gia đang tập trung cho dòng phim này.

Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử, phim truyện truyền hình nhiều tập và phim hoạt hình nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long do UBND TP Hà Nội và Ban chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, đầu tư từ năm 2002-2004.

Giải thưởng thể loại phim truyện nhựa chuyên nghiệp có: giải nhất: Hội thề (Nguyễn Quang Thân); giải nhì: Thái tổ Lý Công Uẩn (Nguyễn Thiên Phúc), Lý Thường Kiệt (Nguyễn Quang Lập), Hồ Quý Ly (Lê Khôi); giải ba: Càn khôn một gánh (Chu Lai), Trần Thủ Độ và người tình (Nguyễn Mạnh Tuấn), Bão táp cung đình (Hoàng Quốc Hải), Chuyện về đứa con của Rồng (Đoàn Triệu Long).

Ban chỉ đạo quốc gia sau đó đã xét duyệt chọn Thái tổ Lý Công Uẩn làm phim nhựa, Trần Thủ Độ và người tình làm phim truyền hình nhiều tập, Chuyện về đứa con của Rồng chuyển thể thành phim hoạt hình. Kịch bản giải nhất Hội thề “bị loại” khỏi dự án làm phim, nhưng đến năm 2009 nhà văn Nguyễn Quang Thân cho ra mắt cuốn tiểu thuyết cùng tên (NXB Phụ Nữ) dài gần 400 trang.

Kỳ cuối: Tập làm người đại lượng

NGA LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên