Công trình khối nhà cơ quan - trung tâm hành chính tỉnh Long An vẫn xây dựng bình thường sau khi Thủ tướng chỉ đạo dừng - Ảnh: Vân Trường |
Hai tỉnh này cũng chính thức đề nghị Chính phủ hủy bỏ lệnh tạm dừng, đồng thời cho ứng tiền để tiếp tục xây dựng TTHC.
Đang làm nên không thể dừng
TTHC - chính trị tỉnh Long An (gọi chung là TTHC) nằm cặp đường tránh quốc lộ 1 (thuộc P.6, TP Tân An). Một tòa nhà lớn quy mô năm tầng đã xây cơ bản xong phần thô, thông tin bản vẽ phối cảnh đặt trước công trình cho biết đây là khối cơ quan 4, quy hoạch bố trí làm trụ sở của các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh.
Ngay bên cạnh là dự án đường song hành với tuyến tránh quốc lộ 1 cũng đang được gấp rút thi công, con đường này nhằm phục vụ ba khối nhà gồm: khối cơ quan 3, khối cơ quan 4 và kho lưu trữ.
Tại TTHC tỉnh Long An còn có một tòa nhà khác đang xây dựng là kho lưu trữ chuyên dụng. Công trình này có tổng vốn đầu tư 109 tỉ đồng, khởi công tháng 3-2015.
“Vì sao Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng các TTHC mà tỉnh Long An vẫn làm?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hùng - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An - cho biết dự án đầu tư khối cơ quan 4 khởi công vào cuối tháng 4-2015, vốn đầu tư hơn 217 tỉ đồng, thời gian kết thúc dự kiến 2018.
Đầu năm 2015, UBND tỉnh phân bổ 50 tỉ đồng từ nguồn tạm ứng Kho bạc Nhà nước để thi công khối nhà. Khi có chủ trương tạm dừng xây dựng các TTHC thì công trình đã xây được bốn tầng (1 trệt, 3 lầu), chỉ còn một tầng nữa là xong phần thô.
Nếu dừng thi công thì sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh nên tỉnh cho tiếp tục thi công cầm chừng.
Theo ông Hùng, cuối tháng 5-2016 khối lượng thi công công trình đạt khoảng 60 tỉ đồng. Tháng 4-2017 nhà thầu sẽ bàn giao phần thô tòa nhà cho tỉnh hoàn thiện. Khi đó tỉnh phải quyết toán cho nhà thầu chi phí còn lại khoảng 90 tỉ đồng.
Còn công trình đường song hành có vốn đầu tư hơn 10 tỉ đồng sẽ hoàn thành trong năm nay.
Ông Hùng cho biết thêm hồi tháng 3-2016, Ban quản lý dự án xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) có đề nghị UBND tỉnh Long An xem xét bố trí 140 tỉ đồng để thanh toán cho các hạng mục công trình tại TTHC nhưng hiện tỉnh chưa bố trí được nguồn.
Đến nay tỉnh Long An đã chi 310 tỉ đồng giải phóng mặt bằng và san nền khu TTHC. Hạng mục hạ tầng đang triển khai thi công có tổng vốn đầu tư được phê duyệt lên tới 316 tỉ đồng.
Khối nhà cơ quan 4 đang thi công có tổng vốn đầu tư 217 tỉ đồng. Khối nhà cơ quan 3 được phê duyệt kinh phí đầu tư 224 tỉ đồng, có thể sẽ đấu thầu thi công vào quý 3-2016.
Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, UBND tỉnh Long An kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục của dự án TTHC tỉnh.
UBND tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2019 hoàn thành các dự án trong TTHC. Theo kế hoạch phân kỳ đầu tư, từ năm 2016-2019 tỉnh cần tới 1.150 tỉ đồng để đầu tư xây dựng các công trình trong TTHC.
Về nguồn vốn đầu tư, tỉnh Long An dự kiến số tiền thu được từ bán trụ sở cơ quan cũ là 541 tỉ đồng; tiền thu từ bán đất công, khu - cụm công nghiệp, dân cư được 500 tỉ đồng; còn thiếu thì kêu gọi đầu tư.
Do chưa bán trụ sở, tỉnh đề nghị Bộ Tài chính cho tạm ứng vốn ngân sách trung ương, khi nào bán được đất trụ sở cũ thì tỉnh sẽ hoàn trả tiền.
Tỉnh đề nghị ứng 300 tỉ đồng trong giai đoạn 2014-2016 và được giải quyết 50 tỉ đồng để xây dựng khối nhà cơ quan 4.
Ông Đỗ Hữu Lâm - chủ tịch UBND tỉnh Long An - cho biết nguồn vốn xây dựng TTHC tỉnh tự cân đối, xây dựng từng dự án thành phần chứ không thi công đồng loạt để tránh gây nợ đọng.
Công nhân lát gạch vỉa hè hoàn thiện hạ tầng trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: Vân Trường |
Đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí
TTHC tỉnh Vĩnh Long nằm trên đường Võ Văn Kiệt, P.9, TP Vĩnh Long cũng rất nhộn nhịp. Do chưa làm xong hạ tầng nên tỉnh chưa xây dựng các tòa nhà làm việc.
Ở phía bên kia đường Võ Văn Kiệt (thuộc dự án khu TTHC) đang có ba công trình bề thế xây dựng là Kho bạc Nhà nước, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, dự kiến tổng mức đầu tư TTHC tỉnh Vĩnh Long khoảng 1.900 tỉ đồng.
Điểm nhấn của TTHC này là khối nhà làm việc của UBND tỉnh và một số sở. Khối nhà này cao tới 15 tầng, nằm trên khu đất rộng 3,6ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 545 tỉ đồng. Toàn bộ khu TTHC tỉnh Vĩnh Long có tổng diện tích lên đến 60ha.
Trong đó phần dành cho dự án TTHC chỉ có 12ha; 9ha dùng để bán đấu giá tạo vốn đầu tư (khu dân cư); 7ha dành cho các cơ quan trung ương, HĐND...; còn lại là đường giao thông và các công trình công cộng.
Ông Nguyễn Văn Quang, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết dự án đầu tư xây dựng TTHC được Thủ tướng Chính phủ đồng ý từ tháng 7-2006. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng TTHC khoảng 220 tỉ đồng, trích từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Cuối năm 2015, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tạm dừng thì hạng mục xây dựng hạ tầng TTHC tỉnh Vĩnh Long đã đạt 70% khối lượng, nên không thể dừng lại mà phải tiếp tục làm cho xong để tránh thất thoát, lãng phí.
Hiện hạng mục hạ tầng sắp hoàn thành, sẵn sàng xây dựng các tòa nhà nếu trung ương hỗ trợ vốn.
Ông Nguyễn Văn Quang còn nói nhu cầu vốn đầu tư xây dựng TTHC là quá lớn so với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Cho nên theo ông Quang, tỉnh sẽ đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, cái nào cấp bách thì làm trước nhưng cũng phải xin ứng vốn trung ương. Khi nào bán được trụ sở cũ thì hoàn trả lại sau.
Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng đầu tháng 5-2016, tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh 500 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách giai đoạn 2016-2020 để xây dựng trung tâm hội nghị và nhà khách tỉnh Vĩnh Long. Đây là hạng mục cấp bách nhất cần phải đầu tư xây dựng trước.
“Nếu Chính phủ không cấp vốn hoặc không cho ứng vốn thì sao?”. Ông Nguyễn Văn Quang trả lời là tỉnh đã làm việc với các bộ ngành và hi vọng trung ương sẽ ghi vốn giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng khối trung tâm hội nghị và nhà khách.
Còn trong trường hợp trung ương không hỗ trợ thì tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư. Năm 2011, UBND tỉnh có quyết định công bố 18 dự án kêu gọi đầu tư hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có TTHC.
Tiền Giang vẫn xây quảng trường ngàn tỉ Tỉnh Tiền Giang tạm dừng triển khai dự án TTHC theo chỉ đạo của Thủ tướng nhưng tiếp tục xây dựng quảng trường. Công trình này được phê duyệt năm 2012 với quy mô lên đến 44ha. Tổng kinh phí khái toán cho công trình lên đến hơn 2.000 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2015, tỉnh đã chi hơn 420 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 (32ha) và 38 tỉ đồng để bơm cát san nền toàn khu. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, lãnh đạo UBND tỉnh cho đấu thầu, triển khai hạng mục tiếp theo với vốn đầu tư 111 tỉ đồng. Ngày 18-12-2015, tức sau khi Thủ tướng có văn bản chỉ đạo dừng các TTHC chưa đầy một tháng, Ban quản lý dự án tỉnh Tiền Giang ký hợp đồng với nhà thầu thi công gói thầu hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải và thiết bị, hệ thống điện. |
Không có việc lấy tiền từ ngân sách trung ương Ngày 29-5, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Việt Hùng - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Xây dựng - cho biết theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành khác rà soát việc xây dựng TTHC tại các tỉnh. “Trước đây Thủ tướng có văn bản tạm dừng việc xây dựng TTHC, tới đây sẽ tiếp tục có cơ chế sau khi rà soát và có báo cáo chi tiết việc xây dựng TTHC tại các địa phương” - ông Hùng thông tin. Theo ông Hùng, việc rà soát đang được tiến hành tại các địa phương, trong đó chú trọng tới các vấn đề như nhu cầu thực tế, chủ trương đầu tư, nguồn vốn sử dụng, hiệu quả đầu tư xây dựng, hiệu quả khai thác... đối với cụ thể từng công trình. “Việc quyết định tiếp tục xây dựng như thế nào sẽ do Thủ tướng quyết định, tuy nhiên chắc chắn không có việc vốn sẽ lấy từ ngân sách trung ương” - ông Hùng cho hay. Liên quan tới việc tỉnh Long An và Vĩnh Long tiếp tục xây dựng TTHC tại địa phương, ông Hùng nói thông tin này ông chưa nắm rõ. “Có thể tỉnh này trên cơ sở tự cân đối nguồn vốn và hiệu quả đầu tư xây dựng cũng như nguồn lực về đất đai, tài chính, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách... nên họ tiếp tục xây dựng TTHC đang xây dựng dở trước đó” - ông Hùng lý giải. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận