25/07/2020 14:56 GMT+7

Làm người khác phải mất hẳn sự nghiệp, sự tai hại của văn hóa 'xóa sổ'

NGUYỄN VŨ
NGUYỄN VŨ

TTO - Văn hóa "xóa sổ" là cách dịch tạm thời cụm từ "cancel culture".

Làm người khác phải mất hẳn sự nghiệp, sự tai hại của văn hóa xóa sổ - Ảnh 1.

Minh họa của Wall Street Journal

Nghĩa bình thường của "cancel" là hủy bỏ (như hủy bỏ đăng ký với Netflix, hủy bỏ một đơn hàng mua qua mạng…), nay "cancel" còn được dùng để "tẩy chay", "vứt bỏ", "xóa sổ" một con người. 

Hiện tượng này đang lan truyền tai hại như một virus và sẽ còn tiếp diễn như một đặc điểm của thế giới nửa thực nửa ảo hiện nay.

Năm ngoái, năm kia người bị "xóa sổ" thường là các nhân vật nổi tiếng trong ngành giải trí như diễn viên hài hay người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. 

Năm nay, đặc biệt sau phong trào chống phân biệt chủng tộc dâng cao bắt đầu từ Mỹ và lan sang các lục địa khác, bị "xóa sổ" lại là các nhà báo, nhà văn và nhiều nhất là các giáo sư, nhà nghiên cứu. Giới trí thức nói chung đang kháng cự nhưng chưa biết có thành công hay không.

Chuyển hướng đáng lo của văn hóa 'xóa sổ'

Văn hóa "xóa sổ" nổi lên từ phong trào #MeToo, là phong trào phụ nữ đứng lên tố cáo, lên án những kẻ từng quấy rối tình dục họ trong quá khứ. 

Những nhân vật bị tố cáo, thường là nhân vật nổi tiếng, sau đó bị tẩy chay; các nơi từng tuyển dụng, thuê mướn sẽ hủy hợp đồng, gạt bỏ anh ta sang một bên. 

Sau chuyện quấy rối tình dục, các hành vi khác cũng dẫn tới chuyện "xóa sổ" như thói trọng nam khinh nữ, phản ứng hôn nhân đồng giới, chê trách những người chuyển giới và mấy tháng gần đây là thái độ phân biệt chủng tộc.

Một người bị tấn công, ném đá trên mạng xã hội, kể cả bị đám đông lăng mạ, hạ nhục cũng chưa gọi là bị "xóa sổ". Họ chỉ bị "xóa sổ" chừng nào việc tấn công đó dẫn tới chuyện sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng, tên tuổi bị xóa nhòa, hợp đồng việc làm bị hủy bỏ. 

Trong hai năm qua, báo chí đưa tin nhiều vụ "xóa sổ" đình đám. Kevin Hart là một diễn viên hài nổi tiếng được mời làm người điều khiển chương trình trao giải Oscar năm 2019. 

Đùng cái, bỗng liên tiếp xuất hiện các cuộc "đào mộ quá khứ" anh ta, lôi ra chuyện nhiều lần anh này kể chuyện cười chọc quê dân đồng tính từ hồi những năm 2011, 2012. Kevin Hart vì thế mà mất luôn hợp đồng Oscar. 

Hàng loạt nhân vật bị "xóa sổ" kiểu đó, từ ca sĩ Taylor Swift đến đạo diễn Woody Allen; từ nhà văn JK Rowling đến cả những nhân vật đã khuất như Michael Jackson...

Nay văn hóa "xóa sổ" chuyển hướng. Không còn chuyện người hâm mộ hay người theo dõi tẩy chay, quay lưng. Không còn chỉ là những phát ngôn gây tranh cãi nhưng thường là vô thưởng vô phạt. 

Nay chuyện "xóa sổ" nhắm đến giới trí thức, đặc biệt là các giáo sư đang dạy ở các trường đại học; người kêu gọi "xóa sổ" thường là đồng nghiệp, người cùng ngành, nhiều lúc chính là sinh viên đang học với họ.

Một giáo sư ở California bị điều tra và buộc phải xin lỗi sau khi đọc lá thư của Martin Luther King - "Letter from Birmingham Jail" - chỉ vì trong thư này có dùng từ "Negro", một từ để gọi người da đen mang tính miệt thị. Nên nhớ đây là nguyên văn bức thư của nhà đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nổi tiếng!

Một giáo sư khác ở Michigan bị sa thải vì chia sẻ một nghiên cứu cho rằng không hề có thiên kiến màu da trong các trường hợp cảnh sát Mỹ bắn thường dân. Không thể kể hết các trường hợp tương tự diễn ra từ đầu năm đến giờ. 

Gần đây nhất là vụ giáo sư Steven Pinker, một nhà giáo nổi tiếng của Đại học Harvard, tác giả nhiều cuốn sách bán chạy, cuốn mới nhất (The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined) được Bill Gates chọn làm cuốn sách ông ưa thích nhất. 

Hơn 550 học giả khác cùng ký tên vào một lá thư đòi tước danh hiệu "nhà nghiên cứu xuất sắc" của ông trong Hiệp hội Ngôn ngữ học Mỹ với cáo buộc giáo sư Pinker làm "giảm nhẹ các bất công" do phân biệt chủng tộc gây ra. Điều khó hiểu là cáo buộc của các học giả này không dựa vào các công trình của Pinker mà nhắm vào 6 mẩu tweet ông viết từ năm 2014.

Sau giáo sư đại học, nhóm người bị "xóa sổ" nổi bật là các nhà báo. Một số vụ tiêu biểu có thể kể như tổng biên tập Adam Rapoport của tờ Bon Appétit mất chức vì tấm ảnh chụp ông hóa trang bôi mặt màu nâu trong dịp lễ Halloween vào năm 2003. 

Trưởng ban chuyên mục Ý kiến của tờ New York Times cũng mất việc làm sau khi cho đăng bài ý kiến của một thượng nghị sĩ đòi Chính phủ Mỹ đem quân đội vào trấn áp những kẻ hôi của, phá phách nấp sau các cuộc biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát.

Khi văn hóa "cancel" đi quá xa

Tình hình "căng" đến nỗi 153 nhân vật nổi tiếng cùng ký vào một bức thư ngỏ đăng trên tạp chí Harper’s, cảnh báo về một bầu không khí không khoan dung, không còn tranh luận lành mạnh đang ngự trị.

Bức thư không nêu trường hợp cụ thể mà khái quát: "Biên tập viên bị sa thải vì cho đăng các bài gây tranh cãi; sách bị thu hồi vì bị cho là không chân thật; nhà báo bị cấm viết một số đề tài; giáo sư bị điều tra vì trích dẫn tác phẩm văn chương trong lớp; nhà nghiên cứu bị đuổi việc vì lưu truyền một nghiên cứu học thuật đã được bình duyệt; người đứng đầu các tổ chức bị gạt sang bên đôi lúc chỉ vì những sai sót do vụng về".

Bức thư vẽ nên bức tranh đáng sợ về văn hóa "cancel" đang làm tắc nghẽn dòng chảy thông tin và ý tưởng, không dung thứ các quan điểm trái chiều, cùng trào lưu hùa nhau bêu xấu... Đáng ngại hơn cả là các tổ chức, kể cả doanh nghiệp trong nỗ lực kiểm soát tình hình đã đưa ra những hình phạt vội vàng nhằm xoa dịu đám đông cuồng nộ. 

Các tác giả bức thư mong muốn có một nền văn hóa sẵn sàng chấp nhận mọi thử nghiệm, chịu rủi ro và thậm chí cả sai lầm, miễn sao họ được quyền bất đồng ý kiến mà không phải nhận chịu hậu quả xấu về nghề nghiệp.

Bức thư ngắn, lời lẽ chừng mực nhưng ngay sau đó cũng bị cộng đồng mạng săm soi phê phán. Song các luận điểm phê phán lại nhắm tới các cá nhân ký tên vào bức thư chứ không đề cập đến nội dung thư. 

Những nhân vật ký tên có thể kể đến Noam Chomsky, Francis Fukuyama, Salman Rushdie. Cũng có những người từng bị "cancel", từng bị mất việc như tổng biên tập Ian Buruma, luật sư Ronald S. Sullivan Jr. và gần đây nhất là nhà văn nữ J.K. Rowling. Nhiều người săm soi đếm xem trong 153 nhân vật này bao nhiêu người có tài sản trên 1 triệu đôla bởi phần lớn trong danh sách là người giàu. 

Có người khăng khăng cho rằng lá thư là minh họa rõ nhất cho nghịch lý: chỉ những ai không bị "cancel" mới lên tiếng về văn hóa "cancel", ý nói đây toàn là những tên tuổi lớn có sẵn diễn đàn, khó ai "xóa sổ" cho được! Cũng có người mỉa mai chính một số nhân vật ký tên đã từng đòi "xóa sổ" người khác.

Điều đáng buồn là có ít nhất hai nhân vật đồng ý ký tên vào bức thư ngỏ nay đòi rút. Nhà văn, nhà báo Jennifer Finney Boylan nói bà không biết ai là người đồng ký tên cho đến khi bức thư được xuất bản. Khi biết rồi thì bà tỏ vẻ hối tiếc đã ký cùng với những nhân vật này. Sử gia Kerri Greenidge thẳng thừng đòi Harper’s cải chính rút tên bà ra.

Trong cuộc tranh luận về văn hóa "xóa sổ", thật khó minh định ai đúng ai sai. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, các ý kiến phản đối những nhân vật từng bị "xóa sổ" có thể là xác đáng; vấn đề nằm ở chỗ cách thức họ đòi "xóa sổ" một con người bất kể các nguyên tắc về quyền tự do ngôn luận. 

Thứ nhất, người đòi "xóa sổ" một nhân vật nào đó thường thể hiện sự "độc quyền chân lý", cứ nghĩ họ biết ai nên nói điều gì và không được nói điều gì. 

Thứ hai, thay vì tranh luận ngay và chính xác vào nội dung họ nghĩ người đáng bị xóa sổ đang nói sai, họ lại tấn công cá nhân và thường gây sức ép để cơ quan hay công ty người đó đang làm việc phải sa thải, chấm dứt hợp tác hay ít nhất cũng là bịt miệng không cho họ nói nữa.

Lấy ví dụ bức thư ngỏ, những bài viết phản đối bức thư đa phần không đi vào nội dung thư để tranh luận mà lại tấn công các cá nhân ký tên. Đây là điểm mấu chốt. Phản đối hay đồng tình một bức thư ngỏ là phản đối hay đồng ý với ý kiến bức thư nêu lên. 

Người ký tên thường có một bề dày hoạt động rất đa dạng, có lúc trùng khớp với những người ký tên khác nhưng chắc chắn cũng có lúc ngược lại. Không thể dùng lịch sử của một người ký tên để bác bỏ toàn bộ lá thư. Càng không thể vin vào một hành động cụ thể để "xóa sổ" hoàn toàn một con người có lịch sử cá nhân đa dạng.

Ảnh hưởng của nền văn hóa "xóa sổ" mới này là rất rõ. Môi trường học thuật ở các trường đại học nay bị co hẹp lại; giáo sư ăn nói phải dè chừng vì sợ sinh viên đòi "xóa sổ". Giới nghệ sĩ lên nhận giải thưởng nay tốt nhất là nói về quyền của động vật cho lành. Giới nhà báo nay có trong đầu danh mục các đề tài cấm kỵ, không nên bàn đến.

Bởi thế nên câu chuyện văn hóa "xóa sổ" vẫn sẽ còn tiếp diễn như một đặc điểm của đời sống nửa thực nửa ảo, nửa ngoài đời nửa trên mạng hiện nay.

Trong lá thư tuyên bố từ chức gửi cho chủ bút tờ The New York Times, nhà báo Bari Weiss than thở rằng hiện nay ở tờ báo này, việc tò mò tìm hiểu các đề tài nhạy cảm là chuyện cấm kỵ, thay vì viết những điều chỏi tai độc giả, tốt nhất là "cứ viết thêm một bài thứ 4.000 lập luận Donald Trump là mối nguy cho nước Mỹ và cho thế giới"; biên tập viên và phóng viên tránh xa loại bài được xem có nguy cơ bị phản ứng trong nội bộ hay trên mạng xã hội và tự kiểm duyệt đã trở thành chuyện bình thường.

Bari Weiss cũng là người ký tên vào bức thư ngỏ trên tạp chí Harper’s. Sau khi bức thư được công khai, Bari Weiss cũng bị lôi ra cho "ăn đòn" với những người tố cáo chính cô từng là người đòi "xóa sổ" các giáo sư mà cô xem là có quan điểm chống lại Israel lúc cô còn học ở Đại học Columbia.

Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình! Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!

TTO - Trước thông tin áo dài Việt Nam lên sàn diễn Trung Quốc, Tuổi Trẻ Online đã nhận được sự chia sẻ của nhà thiết kế Sĩ Hoàng về vấn đề này.

NGUYỄN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên