10/11/2019 10:31 GMT+7

Văn hóa ép nhậu cùng sếp sau giờ làm việc đang bị tẩy chay

LINH TÔ
LINH TÔ

TTO - Văn hóa hwaesik (nhậu cùng đồng nghiệp) ở Hàn Quốc đang trải qua một sự thay đổi lớn khi nhân viên ngày càng muốn cân bằng công việc và cuộc sống, kèm theo đó là phong trào #MeToo của phái nữ nhằm chống lại quấy rối tình dục nơi làm việc.

Văn hóa ép nhậu cùng sếp sau giờ làm việc đang bị tẩy chay - Ảnh 1.

Khu phố ẩm thực gần Trường đại học Konkuk ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: David Lee

Những buổi "hwaesik" thường được biết đến là một dịp mà nhân viên nữ hay bị quấy rối tình dục. Trong báo cáo của Đài SBS năm 2017, có người phụ nữ ở độ tuổi 30 nói rằng một trong những cấp trên của cô luôn sắp xếp chỗ ngồi trong những buổi tụ tập của công ty để đảm bảo anh ta được ngồi cạnh phụ nữ. Các nhân viên nữ cũng thường bị ép nhảy múa trong "tăng 2" tại các quán karaoke.

Theo SCMP, tại các nhà hàng thịt nướng hay các quán rượu nhỏ gần trường đại học Konkuk, thủ đô Seoul, không khó để bắt gặp hình ảnh cánh nhân viên văn phòng tụ tập lại cùng nhau nhậu nhẹt sau giờ làm.

Đây là một trong những phần chính của văn hóa hwaesik (nhậu cùng đồng nghiệp), vốn đã "cắm rễ" trong văn hóa làm việc của Hàn Quốc từ những năm 1960.

Từ hwaesik đến #MeToo

Trong những buổi nhậu, nhân viên Hàn Quốc thường chọn món ăn phổ biến nhất nước này là thịt lợn nướng và dùng cùng rượu gạo hoặc rượu soju. Giữa buổi nhậu, các thành viên đổi chỗ cho nhau và tán gẫu. Sau đó, họ chuyển địa điểm tới một quán karaoke để tiếp tục cuộc vui.

Tuy nhiên, chỉ trong năm vừa qua, các địa điểm dành cho những cuộc nhậu nhẹt của dân văn phòng đã giảm sút doanh thu đáng kể. Cụ thể, trong năm 2018, 1.500 quán karaoke đã phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm.

Min Heung Ki, chủ một quán karaoke đã hoạt động được hơn 30 năm trong khu phố ăn của Đại học Konkuk, cho biết: "Hai năm trước, mỗi tối chúng tôi có ít nhất 10 nhóm khách thì bây giờ chỉ còn lại 3 nhóm. Không chỉ có các quán karaoke đóng cửa, nhiều nhà hàng cũng chịu tình trạng tương tự vì không có khách".

Văn hóa ép nhậu cùng sếp sau giờ làm việc đang bị tẩy chay - Ảnh 4.

Ông Min Heung Ki, chủ một quán karaoke trong khu phố ăn của Đại học Konkuk - Ảnh: David Lee

Văn hóa "hwaesik" nổi tiếng của Hàn Quốc đang trải qua một sự thay đổi lớn. Số lượng khách hàng của những điểm ăn nhậu sau giờ làm suy giảm do xu hướng phát triển mới của xã hội. Những người lao động trẻ trong độ tuổi 20-30 thường ít tham gia các cuộc vui sau giờ làm của công ty như tiền bối của họ.

Năm 2018, một khảo sát trên 695 công nhân của trang web làm việc Saramin chỉ ra rằng có 61% công nhân trong độ tuổi 20 và 30 tin rằng "hwaesik" là điều không cần thiết ở công sở. Trong khi đó, chỉ có 32% người ở độ tuổi 40 và 50 có cùng quan điểm này.

Một luật mới đã được thông qua năm 2018, quy định rằng nhân viên không được làm việc quá 52 giờ một tuần. Động thái này của chính phủ nhằm cố gắng cân bằng cuộc sống cho nhân viên ở một quốc gia có thời gian làm việc dài thứ 3 trong số các quốc gia phát triển, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Job Korea, một trang web tìm kiếm việc làm, năm ngoái đã thăm dò 230 nhân viên về việc họ có xem "hwaesik" như là tăng ca bên ngoài hay không, hơn 7 trong 10 người được hỏi đã trả lời "có".

Văn hóa ép nhậu cùng sếp sau giờ làm việc đang bị tẩy chay - Ảnh 5.

Phụ nữ Hàn Quốc tham gia biểu tình tại thủ đô Seoul vào tháng 3-2018 - Ảnh: AP

Ngoài ra, vào năm ngoái, phụ nữ Hàn Quốc đồng loạt đứng lên đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở và vạch mặt một số nhân vật cao cấp đã lạm dụng tình dục. Động thái này đẩy mạnh phong trào #MeToo, tạo thêm sức ép để tẩy chay văn hóa "hwaesik".

Một luật bảo vệ nạn nhân bị quấy rối tình dục đã được ban hành vào tháng 7 năm nay. Trong đó, đảm bảo rằng các công ty sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng và bị phạt nếu phát hiện có phân biệt đối xử và lạm dụng phụ nữ.

Tẩy chay văn hóa "ép nhậu"

Hàn Quốc đang dần thay đổi môi trường làm việc, nhận thức của những người trẻ nước này về văn hóa "hwaesik" cũng biến chuyển theo đó.

Theo một khảo sát của Saramin trong năm nay, 64,5% người được hỏi nghĩ rằng "hwaesik" không phải điều bắt buộc mà nhân viên phải thực hiện. Con số này đã tăng so với 55,1% trong cuộc khảo sát năm ngoái.

Jang Dae-ik, 27 tuổi, giám đốc tài chính của một công ty phân phối dao cạo râu ở Seoul, cho biết công ty của anh hiện đã hỏi ý kiến nhân viên trước 3 tuần, về lịch trình của họ trước khi lên lịch họp.

"Bạn có thể báo với cấp trên nếu bạn không thể tham gia cuộc họp vì một vấn đề khác", anh Jang cho biết. Anh Jang còn nói thêm rằng công ty không thể áp đặt công việc, nhất là khi các nhân viên trong công ty thuộc độ tuổi 20 đến 30.

Điều này trái ngược hoàn toàn với các tập đoàn lớn khác ở Hàn Quốc, nơi những nhân viên mới ở độ tuổi 20 thường phải làm việc với các cố vấn cấp cao ở độ tuổi 50.

Jung Jae-hyun, 26 tuổi, nhân viên của một tập đoàn bán dẫn lớn ở Seoul, cho rằng anh thấy bắt buộc phải tham dự các buổi "hwaesik" mà công ty lên lịch khoảng 3 lần một tháng.

"Ngay cả khi không bị ép buộc để tham dự các buổi nhậu sau giờ làm, tôi vẫn nghĩ là mình nên đi. Tôi nghĩ đây là điều quan trọng trong việc để lại ấn tượng tốt khi là nhân viên mới", anh Jung chia sẻ.

Theo Saramin, 24,7% số người trả lời vào năm 2019 cho biết họ đã trải qua những hậu quả tiêu cực vì không tham gia "hwaesik". Trong đó, bao gồm cảm giác bị xa lánh ở văn phòng và ảnh hưởng cơ hội thăng tiến. Đa số tất cả những người được hỏi đều ủng hộ những thay đổi trong văn hóa hwaesik.

Văn hóa ép nhậu cùng sếp sau giờ làm việc đang bị tẩy chay - Ảnh 6.

Một nhà hàng thịt nướng ế khách ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: David Lee

Quản lý của Yuk Il Gwan, một nhà hàng thịt nướng nổi tiếng tại khu phố ăn của Đại học Konkuk, cho biết ông đã nhận thấy một sự thay đổi đặc biệt trong cách các tiền bối ứng xử với đồng nghiệp trẻ trong 2 năm qua.

"Sự thay đổi lớn nhất mà tôi quan sát được chính là hiện nay cấp trên không còn ép rượu nhân viên cấp dưới như ngày trước nữa", Yuk cho biết.

Nếu trong quá khứ, công nhân thường xem nơi làm việc là một cộng đồng có giá trị và đồng nghiệp là những người đồng hành thân thiết thì hiện nay họ chỉ xem đó là nơi kiếm tiền. Người Hàn ngày nay thích tách biệt giữa đời sống riêng tư và đời sống xã hội.

Kim Byung Gwan, giáo sư xã hội học tại Đại học Ajou

"Mặc áo mới" cho văn hóa hwaesik

Khảo sát mới nhất của Saramin cho thấy chỉ có 20% số người được hỏi cho biết họ thích những cuộc gặp gỡ có nhậu nhẹt. Số khác quan tâm nhiều hơn đến việc ăn trưa với đồng nghiệp, thử nhà hàng mới, xem phim hoặc tham dự triển lãm nghệ thuật.

"Khoảng 2 tuần một lần, quản lý của chúng tôi sẽ mời nhân viên đi ăn trưa món mỳ Ý hoặc đồ ăn Thái", cô Kim Ji Ye, 32 tuổi, nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu chính phủ Seoul, chia sẻ.

Common Ground, một trung tâm mua sắm xây dựng từ các thùng container chỉ cách phố ăn Đại học Konkuk hai dãy nhà, đang ngày càng thu hút nhiều nhân viên văn phòng ở mọi lứa tuổi đến chụp ảnh cùng đồng nghiệp.

Văn hóa ép nhậu cùng sếp sau giờ làm việc đang bị tẩy chay - Ảnh 8.

Khu trung tâm mua sắm Common Ground xây dựng từ thùng container ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: David Lee

"Hai năm trước, chúng tôi sẽ không thấy nhiều nhân viên văn phòng đến nhà máy bia của mình. Nhưng ngày càng có nhiều nhân viên dẫn cấp trên của họ đến những nơi nổi tiếng với thanh niên hơn là các quán nhậu truyền thống", Yoon Young Min, 29 tuổi, quản lý nhà máy bia nổi tiếng nhất tại khu Common Ground, cho biết.

Nhiều công ty đã cấm triệt để văn hóa "hwaesik". Yoon cho biết, các buổi ăn tối tại E-land, một tập đoàn lớn mà anh từng làm việc, là những buổi hẹn bình thường từ khi "hwaesik" bị cấm.

Kim Byung Gwan, giáo sư xã hội học tại Đại học Ajou, cho biết độ phổ biến của "hwaesik" đã tăng lên trong những năm 1960 và 1970, khi nền kinh tế của Hàn Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm, và các cuộc họp mặt được tổ chức để giúp người lao động tăng cường tinh thần và thúc đẩy ý thức cộng đồng.

"Khi đất nước còn nghèo, nhân viên thường tham dự các buổi nhậu chỉ để được ăn. Hiện nay, khi Hàn Quốc đã phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nền kinh tế lớn thứ 11 toàn cầu. Hwaesik từ đó cũng mất đi giá trị", giáo sư Kim nói.

Tổng thống Hàn làm đám tang cho mẹ: cấm cấp dưới chia buồn, gửi hoa viếng Tổng thống Hàn làm đám tang cho mẹ: cấm cấp dưới chia buồn, gửi hoa viếng

TTO - Ông Moon Jae In đã cấm các quan chức bỏ thời gian gọi điện chia buồn hay gửi hoa viếng đến đám tang của mẹ mình, nhấn mạnh ông muốn họ tập trung cho các vấn đề của đất nước và người dân như mọi khi.

LINH TÔ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên