20/09/2014 06:03 GMT+7

​Làm mới sân khấu từ Vòng phấn Kavkaz

Đ.TRIẾT
Đ.TRIẾT

TT - Nghệ sĩ đang diễn, ca sĩ kể chuyện hô dừng. Âm nhạc đang sống động, ca sĩ kể chuyện đánh tách ngón tay - ngắt.

Không dễ thưởng thức nhưng Vòng phấn Kavkaz đã đem lại cho khán giả thủ đô nhiều sự hứng khởi vì những yếu tố mới lạ - Ảnh: Đ.Triết
Không dễ thưởng thức nhưng Vòng phấn Kavkaz đã đem lại cho khán giả thủ đô nhiều sự hứng khởi vì những yếu tố mới lạ - Ảnh: Đ.Triết

Rồi thì anh ta phụ trách luôn cả tiếng ồn, chuyển cảnh... Đấy là những gì rất lạ của kịch gián cách diễn ra trong vở Vòng phấn Kavkaz.

Khán giả có quyền lựa chọn. Nhưng để tạo cơ hội cho họ được lựa chọn thì chúng ta phải mạnh dạn thay đổi chính mình
Đạo diễn DOMINIK GUNTHER

Vòng phấn Kavkaz (tác giả: Bertolt Brecht, đạo diễn: Dominik Gunther) kể về tình mẫu tử cảm động của người mẹ bất đắc dĩ là cô hầu tên Grusche. Vừa mới chớm nở tình yêu với chàng kỵ binh Simon nhưng Grusche bất ngờ trở thành mẹ khi phải nuôi đứa con trai mà bà tổng trấn phó mặc vào tay cô trong lúc chạy loạn.

Để nuôi con, Grusche đã phải trải qua bao sóng gió, khổ đau - kể cả việc buộc phải kết hôn với một tên nông dân bịp bợm. Tình yêu con đến hồn nhiên của Grusche còn phải tiếp tục gặp thử thách trước phiên tòa đặc biệt khi bà tổng trấn xuất hiện và đòi lại con...

Vì những gì rất mới từ thiết kế sân khấu cho đến phong cách biểu diễn của nghệ sĩ, khán giả ban đầu có phần “ngơ ngác” trước anh ca sĩ dẫn chuyện có quyền điều khiển mọi hoạt động của vở diễn, làm ồn sân khấu, trò chuyện và yêu cầu khán giả vỗ tay.

Sân khấu cũng chỉ sần sùi, thô mộc với tấm bao bố, cành cây cùng những thùng gỗ, tấm gỗ mà tùy theo từng phân cảnh, chi tiết kịch, khán giả cần tưởng tượng nó là nhà của lão nông dân, cửa hàng bán sữa, quán trọ hay nơi xử của quan tòa...

Còn nghệ sĩ thì vẫn thăng hoa trong cảm xúc nhưng rất “gọn gàng” và tỉnh táo để chủ động “ngắt” theo chi tiết kịch được chuyển động liên tục.

NSND Lê Khanh - trợ lý vở kịch và tham gia ba vai - lý giải: gần như là một sự thay đổi lớn khi kịch không còn là sự logic đến tuyệt đối để gây ra ảo giác cho khán giả nữa mà là một cuộc chơi giữa khán giả với nghệ thuật. Các diễn viên hóa thân vào vai diễn theo chiều sâu của từng chi tiết kịch nhưng vẫn giữ một khoảng cách để lưu ý khán giả rằng chúng ta đang xem kịch, cần tỉnh táo suy nghĩ về các tình huống kịch.

“Khi hợp tác với Viện Goethe, chúng tôi thấy đây là sự giao lưu cần thiết để làm mới sân khấu Việt hôm nay. Vì nhu cầu thưởng thức của khán giả thời nay đã khác xa so với thời mấy chục năm về trước” - NSND Lê Khanh nói thêm.

Còn nghệ sĩ trẻ Thu Quỳnh (vai cô ầu Grusche) chia sẻ: “Mình đã được “chạm” vào kịch gián cách mà trước kia mới chỉ học trong sách vở nhà trường. Một cuộc “chạm” đầy thú vị để cùng các bạn diễn được học hỏi nhiều hơn về kỹ thuật và sự đa phong cách trong biểu diễn”.

Sau bốn đêm diễn miễn phí (từ ngày 16 đến 19-9) đông đúc khán giả tại Nhà hát Tuổi Trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội), Vòng phấn Kavkaz sẽ được Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục biểu diễn (có bán vé) vào các ngày chủ nhật của tuần thứ hai và tuần thứ tư trong tháng.

Tạo cơ hội lựa chọn cho khán giả

Ở sân khấu phía Bắc, kịch Bertolt Brecht từng được dàn dựng hai lần: vở Người tốt Tứ Xuyên trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, vở Vòng phấn Kavkaz trên sân khấu Nhà hát Chèo VN và đều theo phương pháp truyền thống - hiện thực tâm lý.

Dịp này, Vòng phấn Kavkaz mới được dàn dựng theo phương pháp kịch gián cách của Bertolt Brecht, dưới bàn tay của đạo diễn người Đức Dominik Gunther.

“Các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ đều rất cởi mở đón nhận, thử thách cái mới với một năng lượng cao trong quá trình luyện tập. Còn khán giả, họ có quyền lựa chọn. Nhưng để tạo cơ hội cho họ được lựa chọn thì chúng ta phải mạnh dạn thay đổi chính mình” - đạo diễn Dominik Gunther nói.

 

Đ.TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên