02/01/2017 20:22 GMT+7

Làm dâu về nhà chồng đón tết, sao lại phải lăn tăn?

VÕ HẢI NAM
VÕ HẢI NAM

TTO - Sau khi đăng tâm sự của một bạn đọc về việc chồng buộc vợ phải ở bên nhà chồng trong đêm giao thừa và trọn ngày mùng 1 Tết để giữ truyền thống gia đình, Tuổi Trẻ Online đã nhận được rất nhiều ý kiến.

Nhiều ý kiến phản đối cách nghĩ này. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến "trao đổi lại" với tác giả. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài viết của bạn Võ Hải Nam: 

Tôi đọc đi đọc lại bài viết Dâu con phải đón giao thừa ở nhà chồng, truyền thống hay hủ tục?. Và tôi cũng đọc các ý kiến của nhiều bạn bình luận lên án cậu em trai của tác giả bài viết. Tôi rất đồng ý rằng con nào thì cũng bố mẹ dứt ruột sinh ra. Ngày lễ, ngày Tết chắc chắn là bố mẹ muốn có tất cả con cái ở bên cạnh. 

Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại bởi cuộc sống còn rất nhiều thứ. Ai cũng biết ngày Tết gia đình nào cũng bận rộn với việc cúng kiến tổ tiên mỗi ngày. Tiếp khách họ hàng hai bên nội, ngoại của chồng. Nếu là con dâu ở trong nhà hay ở xa nhà mà không có mặt những ngày cuối năm và đầu năm (29, 30, mùng 1) thì không đúng. 

Vì vậy, là phụ nữ khi lấy chồng thì cũng phải có trách nhiệm đối với nhà chồng, phải ưu tiên thời gian cho nhà chồng, nhất là ngày Tết.

Dù ở thế kỷ nào, mình là người Việt Nam, phong tục ngàn đời thì không thể thay đổi. Chưa kể việc lo cho gia đình nhà chồng còn nói lên cái "hạnh" của người phụ nữ nữa.

Trở lại trường hợp trong bài viết, cô vợ không thể đem lý do là “mấy năm không về nhà cha mẹ ruột đón giao thừa, nên năm nay phải về”. Nếu giả sử cô ấy lấy chồng nước ngoài thì sao?

Theo tôi, chỉ trừ trường hợp nhà mẹ ruột có chuyện gì đó cần thiết phải có mặt con cái trong đêm giao thừa thì chấp nhận được. Đằng này chỉ mỗi lý do là buồn, thui thủi một mình mà nằng nặc đòi về, tôi cho là không hợp lý.

Bản thân tôi không quá cổ lổ sĩ đâu. Nhưng đối với phụ nữ cần phải giữ "tam tòng tứ đức". 

Từ ngàn xưa, quan niệm “tam tòng, tứ đức” đã được quy định rõ, vai trò làm mẹ, làm vợ vẫn mãi là nét đẹp trong mọi xã hội cũng như trong nền tảng đạo đức văn hóa phương Đông.

Theo truyền thống, người con trai trưởng (miền Bắc) và con trai út (miền Nam) sẽ là người kế tục sự nghiệp của cha ông để lại, được thừa hưởng phần tài sản gọi là hương hỏa. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm duy trì và tiếp nối tập tục thờ cúng tổ tiên của dòng họ, nhất là trong ngày Tết.

Do đó, nếu là người biết điều, cô vợ phải cùng với chồng có bổn phận phục tùng, chấp hành những quy định truyền thống của gia đình chồng, đó là chuyện đương nhiên không có gì phản lăn tăn.

"Thuyền theo lái, gái theo chồng" - người con trai ở với cha mẹ ruột có trách nhiệm thờ cúng cha mẹ và tổ tiên, con gái đi lấy chồng thì phải theo chồng, có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên nhà chồng, vậy thôi.

Còn đằng này nếu chiều theo ý chị năm nào giao thừa và mùng 1 Tết - ngày trọng đại trong năm - chị cứ khăn gói về nhà cha mẹ ruột, vô hình trung chị bị tách ly với gia đình chồng, từ đó chị sẽ lạc lõng và cô đơn biết bao nhiêu!

Theo tôi, cần phải rõ ràng cụ thể trách nhiệm dâu con trong gia đình, đó mới là giềng mối của xã hội. 

Đã đến lúc bỏ những hủ tục để làm theo những điều văn minh tiến bộ - tôi đồng ý. Nhưng cần phải cụ thể rõ ràng, chứ không phải nói suông là bất chấp đạo lý truyền thống của dân tộc. Chúng ta hòa nhập chứ không thể hòa tan!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Câu chuyện đón Tết ở nhà nội hay nhà ngoại tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi trên diễn đàn tâm sự của Tuổi Trẻ Online. Chuyên mục tâm sự của trang bạn đọc chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gửi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

 

VÕ HẢI NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên