Học sinh một số trường THPT tại TP.HCM hiện đã làm bài kiểm tra trên máy tính - Ảnh: M.G.
Đây là ứng dụng trường học thông minh 789 do Huỳnh Quốc Thắng, cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), khởi xướng xây dựng và phát triển từ năm 2014.
Ban đầu chỉ có vài giáo viên bộ môn và kỹ thuật viên, đến nay số lượng giáo viên tham gia ứng dụng đã trên 10.000 người, hơn 200 trường THPT trên cả nước sử dụng các chức năng của 789.
160.000 câu hỏi trắc nghiệm
Cùng với những định hướng và thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia, ứng dụng đã dần phát triển thành một giải pháp công nghệ giáo dục. Hiện ngân hàng đề của ứng dụng đã có hơn 160.000 câu hỏi trắc nghiệm cho các môn.
Ngoài những câu hỏi ban đầu được cập nhật, giáo viên tham gia cũng đã đóng góp lượng lớn câu hỏi cho ngân hàng đề. Hệ thống có ban duyệt đề kiểm tra và thẩm định nội dung trước khi đưa vào kho đề chung để mọi người sử dụng.
Theo đó, giáo viên có thể đưa ra ma trận để ứng dụng chọn ra đề phù hợp hoặc tự ra đề và đưa vào hệ thống để học sinh làm bài. Với việc làm bài kiểm tra trên máy tính và điện thoại, ngay khi kết thúc làm bài hệ thống sẽ tự động chấm điểm, học sinh sẽ biết được điểm số của mình.
Toàn bộ điểm được lưu vào hệ thống cũng như gửi kết quả qua email đến từng phụ huynh của học sinh. Khi sử dụng, chi phí mỗi học sinh phải đóng khoảng 50.000 đồng/môn/năm học.
Bên cạnh đó, giáo viên có thể giao bài tập về nhà cho học sinh và theo dõi tiến độ cũng như kết quả của từng học sinh, đảm bảo nắm được các em có học ở nhà hay không.
"Giải pháp này giúp giải phóng sức lao động của giáo viên rất nhiều từ khâu ra đề, chấm bài, lên điểm, nhập điểm. Khi giáo viên được giải phóng sức lao động khỏi những công việc như vậy, họ có thể đầu tư sâu hơn cho bài giảng của mình hoặc nghỉ ngơi tái tạo sức lao động để giảng dạy tốt hơn. Học sinh cũng có kho đề để luyện tập, biết được ngay kết quả sau khi làm sẽ tạo động lực học tập tốt hơn" - ông Thắng cho biết.
Phù hợp hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá
Đây là năm đầu tiên Trường THPT Trần Hữu Trang (TP.HCM) tổ chức cho học sinh kiểm tra toàn bộ các môn trên điện thoại. Đề thi được các tổ bộ môn soạn và đưa vào ứng dụng để học sinh làm bài.
Một học sinh cho biết việc làm bài kiểm tra trên điện thoại lúc đầu có hơi bất tiện nhưng sau khi làm bài đã biết ngay kết quả khiến học sinh cảm thấy hứng thú hơn so với việc chờ đợi trước đây. Hơn nữa, dự kiến sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính nên đây cũng là bước đi để học sinh làm quen.
Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã cho học sinh làm bài trên điện thoại và máy tính được 2 năm. Ông Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng nhà trường - cho biết năm trước áp dụng cho học sinh lớp 12, năm nay mở rộng cho học sinh lớp 11 để các em quen dần với hình thức này khi Bộ GD-ĐT dự kiến tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính.
"Thầy cô đỡ mất sức cho việc chuẩn bị đề, chấm thi, vào điểm, trường đỡ chi phí giấy thi. Học sinh giờ em nào cũng có điện thoại thông minh và đây là cách đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, biến điện thoại thành công cụ học tập mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ là nghe gọi và chơi game như trước.
Thầy cô và học sinh đều cảm thấy nhẹ nhàng hơn với cách kiểm tra trên máy tính hoặc điện thoại này. Phụ huynh cũng có thể theo dõi kết quả và giám sát việc học tập của con em mình. Hiện trường mới triển khai ở các môn toán - lý - hóa, sắp tới sẽ tiếp tục với các môn còn lại. TP.HCM nên thí điểm thi học kỳ trên máy tính và điện thoại ở các trường" - ông Phú nói thêm.
Tuy mới áp dụng năm đầu tiên nhưng ông Bùi Gia Nội - hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ) - cho biết trường đã áp dụng việc kiểm tra đánh giá toàn bộ các môn trên máy tính.
Đánh giá về ứng dụng này, ông Nội nhận xét kết quả kiểm tra khách quan, thể hiện đúng năng lực học sinh bởi mỗi em làm một đề khác nhau, không thể nhìn bài nhau được. Từ phổ điểm, giáo viên có thể biết được học sinh đang yếu phần nào để có giải pháp bồi dưỡng thêm, giúp các em hoàn thiện kiến thức của mình.
Chấm điểm bằng điện thoại
Nếu làm bài trắc nghiệm trên giấy, ứng dụng chấm điểm bằng điện thoại chỉ mất 0,2 giây để chấm một bài thi. Một lớp 40 học sinh mất khoảng hơn 1 phút để hoàn tất chấm điểm trong khi nếu chấm tay sẽ mất khoảng 30 phút.
Theo ông Huỳnh Quốc Thắng, nhóm đã xây dựng công cụ nhận dạng điểm ảnh bằng trí tuệ nhân tạo, có thể nhận diện điểm ảnh bằng điện thoại để chấm bài. Giáo viên chỉ cần sử dụng điện thoại có chức năng chụp ảnh để chấm bài với xác suất chính xác gần như tuyệt đối.
Hiện nay việc chấm bài thi trắc nghiệm thường phải trải qua nhiều công đoạn như scan phiếu trả lời, chỉnh sửa sai sót, sau đó mới chấm. Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp máy chấm không nhận dạng được ảnh scan, thí sinh tô mờ cũng không được chấm.
Giáo viên được giảm tải
Ở góc độ người giảng dạy, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) - cho biết để soạn một đề kiểm tra, giáo viên phải mất nhiều ngày, nếu tập trung hoàn toàn có thể mất khoảng một ngày để hoàn thiện một đề kiểm tra nhưng khi sử dụng ngân hàng đề của ứng dụng, giáo viên chỉ đưa ra các yêu cầu và ma trận đề thi, ứng dụng sẽ cung cấp đề thi theo yêu cầu. Nếu không vừa ý, giáo viên có thể sửa và cập nhật lại đề kiểm tra theo ý mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận