Xe
09/09/2020 21:54 GMT+7

Lái xe sẽ không được cộng dồn điểm tích lũy sang năm sau

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm áp dụng cho năm kế tiếp. Trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng tích lũy điểm sang năm sau.

Lái xe sẽ không được cộng dồn điểm tích lũy sang năm sau - Ảnh 1.

CSGT kiểm tra vi phạm - Ảnh: MINH HẢI

Vừa qua, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Công an về quy định giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm. Điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thì bằng lái sẽ được phục hồi điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế muốn được cấp bằng lái mới thì phải thi sát hạch lại.

Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, phó cục trưởng Cục Cục Cảnh sát giao thông, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe không bị trừ hết điểm thì cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. 

Trong một năm mà tài xế không vi phạm thì sẽ không được cộng dồn điểm sang năm sau, tài xế bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại giấy phép lái xe.

Đại tá Bình lấy ví dụ trong năm 2020, tài xế không vi phạm, không bị trừ điểm nào thì năm 2021  vẫn chỉ được cấp 12 điểm chứ không được cộng dồn điểm của năm 2020 thành 24 điểm. Điều này sẽ tránh được việc nhiều người có giấy phép lái xe nhưng không lái xe, nếu cộng dồn điểm sang năm sau thì người đó vẫn không có kỹ năng thực tế.

"Chúng tôi đang đề nghị theo hướng nếu lái xe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì sẽ mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự với giá thấp hơn. Lái xe bị trừ điểm nhiều, tức là có nguy cơ mất an toàn cao hơn, thì sẽ phải mua bảo hiểm với giá cao hơn", đại tá Bình cho hay.

Theo phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, hệ thống tính điểm được nhiều nước trên thế giới áp dụng rất lâu, ở Việt Nam cũng đã có lịch sử bấm lỗ giấy phép lái xe. Nhưng hiện nay, ở Việt Nam đang rất thiếu sự liên kết giữa đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe và quản lý quá trình của người điều khiển phương tiện.

"Đây là vấn đề cần phải thay đổi, nhằm cung cấp cho người tham gia giao thông đủ kỹ năng cần thiết để tham gia giao thông. Nhưng nếu họ không thực hiện đúng thì phải xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu bị trừ điểm thì phải biết mình còn bao nhiêu điểm để chấp hành tốt hơn".

Theo đại tá Bình, đây là cơ sở để cung cấp thông tin khi có hệ thống bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Từ đó sẽ tạo thành hệ thống đồng bộ từ phòng ngừa, quá trình thực hiện, giảm thiểu rủi ro và gắn trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức... Mục tiêu sẽ giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Việc trừ điểm sẽ được áp dụng đối với cả giấy phép lái xe ôtô và môtô, xe gắn máy. Các phương tiện giao thông có động cơ đều là nguồn nguy hiểm cao độ nên đều phải được quản lý.

"Trên thực tế, người điều khiển xe máy vi phạm rất nhiều lỗi như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu... gây ra rất nhiều vụ tai nạn đau lòng. Chính vì vậy, việc trừ điểm đối với giấy phép lái xe  môtô, xe máy là rất cần thiết. Nếu bị trừ hết điểm thì người vi phạm không được phép điều khiển phương tiện nữa", phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho hay.

Sát hạch cấp bằng lái xe: Vẫn còn Sát hạch cấp bằng lái xe: Vẫn còn 'dễ dãi' đầu ra

TTO - 'Ai' cấp bằng rồi cũng phải vì mục tiêu an toàn giao thông trên hết. Làm thế nào dẹp được nạn 'cò chạy bằng' và các kiểu dễ dãi, tư lợi trong việc cấp giấy phép lái xe?

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên