Xe tập lái chạy trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 3-9, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết đề xuất cấp điểm bằng lái xe được Chính phủ đồng ý trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật cuối tháng 8. Trước đó, đề xuất này được đưa ra dự thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để lấy ý kiến và đa số người dân, chuyên gia đều đồng tình.
Một năm không vi phạm được phục hồi điểm
Theo dự thảo, Bộ Công an đề xuất mỗi bằng lái có 12 điểm. Điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ của lái xe sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.
Đáng chú ý theo quy định này, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thì bằng lái sẽ được phục hồi điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế muốn được cấp bằng lái mới thì phải thi sát hạch lại.
Bộ Công an cho rằng việc cấp số điểm cụ thể cho bằng lái sẽ là biện pháp theo dõi quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp bằng lái. Thực tế hiện nay sau khi được cấp bằng lái, tài xế gần như không bị ai quản lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, giám sát…
Cũng theo dự thảo này, Bộ Công an đề xuất việc cấp bằng lái từ khâu sát hạch, theo dõi việc chấp hành pháp luật sau khi được cấp bằng lái (trừ điểm) và thi sát hạch lại (nếu bị trừ hết điểm) đều sẽ do bộ này quản lý.
Dự thảo cũng đưa ra 28 nhóm hành vi mà tài xế sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm bằng lái. Trong đó có các lỗi như chạy quá tốc độ 10-20 km/h, chở quá số người vượt trên 50 - 100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về an toàn giao thông trên cao tốc…
Trong trường hợp bị trừ hết điểm, bằng lái sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng. Nếu trong một năm tài xế không bị trừ hết điểm,cơ quan chức năng sẽ cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp, hoặc trong một năm mà tài xế không vi phạm thì được cộng điểm.
Biện pháp trừ điểm bằng lái được nhiều người kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Biện pháp quản lý văn minh
Trả lời thắc mắc về việc quy định này sẽ áp dụng đối với bằng lái ôtô hay xe máy, đại tá Nguyễn Văn Trung - cục trưởng Cục CSGT- cho biết hiện trong dự thảo mới đề xuất chung áp dụng bằng lái, sau này khi Chính phủ có nghị định sẽ đưa ra cụ thể áp dụng với loại nào.
Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, phó cục trưởng Cục CSGT, quy định cấp điểm cho bằng lái sẽ là "biện pháp quản lý văn minh và toàn diện". Quy định này giúp cơ quan nhà nước có thể theo dõi quá trình chấp hành luật của tài xế sau vi phạm, đồng thời khi được thực thi nó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.
Đại tá Bình cho rằng hiện nay chúng ta đang quản lý người điều khiển phương tiện giao thông theo từng hành vi đơn lẻ. Trong khi đó, tất cả các nước văn minh trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đã có hệ thống trừ điểm.
"Khi tài xế vi phạm bị xử phạt, cơ quan quản lý sẽ trừ điểm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi. Khi tài xế bị trừ hết điểm thì giấy phép lái xe đó hết tác dụng, họ sẽ bị thu hồi bằng lái và người muốn được cấp lại giấy phép sẽ phải thi lại hoặc thậm chí có nước còn bắt học lại luật. Việc này nhằm gắn với trách nhiệm của tài xế và hạn chế tái phạm", ông Bình nói.
Giải thích về số điểm 12 được cấp cho bằng lái, lãnh đạo Cục CSGT cho biết con số này tương ứng với 12 tháng dựa theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng. Số điểm này không thể hiện trực tiếp trên bằng lái mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu.
"Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm", ông Bình phân tích.
Kỳ vọng giảm tai nạn giao thông
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, đánh giá quy định này đã được nhiều nước áp dụng, nếu được tham khảo, xây dựng phù hợp với tình hình Việt Nam và thực hiện nghiêm chỉnh thì có thể góp phần mang lại chuyển biến về trật tự an toàn giao thông.
"Quy định này chủ yếu phục vụ việc quản lý an toàn giao thông, có tác dụng nâng cao ý thức chấp hành Luật an toàn giao thông đối với người sử dụng bằng lái và điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Quy định này sẽ theo dõi một cách có hệ thống tình hình về chấp hành quy định pháp luật khi người lái xe điều khiển phương tiện, từ đó sẽ giúp tài xế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và giảm tai nạn giao thông", ông Quyền nhận định.
Cũng theo ông Quyền, trên cơ sở quy định này, những đơn vị, cơ quan có liên quan có thể sử dụng những dữ liệu được lưu trữ để tạo ra những cơ chế khuyến khích người dân chấp hành tốt luật giao thông.
Ngoài ra, nếu quy định này đưa vào thực hiện thì người điều khiển phương tiện phải nâng cao ý thức trách nhiệm hơn, thường xuyên theo dõi các thông tin trên cơ sở dữ liệu, phải luôn luôn chú ý, chấp hành nghiêm chỉnh luật khi điều khiển xe trên đường.
"Bước đầu thực hiện có thể người dân chưa quen và thấy bất tiện, nhưng khi đã đi vào nề nếp thì đây là một quy định rất tốt", ông Quyền nói.
Làm hồ sơ đổi GPLX tại 252 Lý Chính Thắng (Phòng quản lý sát hạch và cấp GPLX - Sở GTVT TP.HCM) - Ảnh: VĂN BÌNH
Làm sao để giảm tiêu cực, nhũng nhiễu khi trừ điểm?
Trong quá trình dự thảo luật này được trình Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long có ý kiến đồng ý với việc quy định cấp điểm cho bằng lái. Đồng thời, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ tiêu chí, căn cứ để xác định điểm bằng lái, căn cứ quy đổi lỗi vi phạm để trừ điểm, đồng thời không quy định việc cộng điểm bằng lái.
Ủy ban Dân tộc thì đề nghị Bộ Công an cân nhắc, bỏ nội dung quy định cấp điểm bằng lái vì hoàn toàn không phù hợp với tình hình giao thông và cơ sở hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Cơ quan này đặt ra vấn đề phát sinh tiêu cực, một số cán bộ sẽ lợi dụng quy định này để nhũng nhiễu người dân.
Tuy nhiên, Bộ Công an khẳng định sẽ xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ, dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.
Các nước trừ điểm bằng lái xe ra sao?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai hệ thống điểm cho người lái xe để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông, nếu bị trừ hết số điểm trên bằng lái, tài xế sẽ phải thi lấy bằng lại từ đầu.
* Mỹ
Mỹ áp dụng hệ thống tính điểm bằng lái nhưng mỗi bang lại có quy định khác nhau về việc trừ điểm, từ đó đình chỉ bằng lái theo thời hạn hoặc tước bằng lái vĩnh viễn. Tuy nhiên, trừ điểm không phải là tất cả.
Ở bang California, khi tài xế vi phạm luật giao thông, tòa án có thể cho tài xế cơ hội theo học tại trường dạy về vi phạm giao thông và có thể theo học trực tuyến, có thể được xóa bỏ các vi phạm trong hồ sơ bằng lái sau khi học. Ở bang Massachusetts, hệ thống điểm bằng lái gắn liền với bảo hiểm, người không vi phạm luật giao thông sẽ có mức phí bảo hiểm thấp hơn người vi phạm.
* Vương quốc Anh
Vương quốc Anh tính điểm theo thang 12 điểm. Tài xế sẽ bị cấm lái xe nếu rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau: bị kết án vi phạm luật giao thông nghiêm trọng hoặc bị 12 điểm phạt trong vòng 3 năm. Sau đó, tài xế sẽ nhận được trát hầu tòa và tòa án sẽ quyết định tài xế bị cấm lái xe trong bao lâu. Nếu bị cấm từ 56 ngày trở lên, tài xế phải thi lại bằng lái.
* Trung Quốc
Trung Quốc cũng áp dụng hệ thống 12 điểm và sẽ được làm mới lại vào ngày 1-1 hằng năm. Nếu người vi phạm mất 12 điểm trong 1 năm thì bị treo bằng. Để lấy lại giấy phép, tài xế sẽ phải trải qua khóa học 2 tuần ở trung tâm, nộp phạt và thi lấy bằng. Đậu kỳ thi thì được trả bằng, không đậu thì thi lại. Trong trường hợp không tham gia khóa học hay kỳ thi, bằng lái xe sẽ bị hủy bỏ.
Tuy vậy, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải, có tình trạng người vi phạm có thể thoát việc bị phạt bằng cách trả tiền mặt. Hơn nữa, có tình trạng mua bán thì sẽ xuất hiện "cò". Những người này chuyên mua điểm bằng lái từ người thừa hay muốn bán lấy tiền để bán cho người cần nộp phạt nhằm ăn chênh lệch.
Mặc dù có quy định rõ ràng rằng người lái xe phải có mặt trực tiếp để xử lý vi phạm giao thông, nhưng người lái xe không nhất thiết là chủ phương tiện. Nếu camera giao thông bị mờ, không cho ảnh rõ nét của tài xế (và nhiều ảnh được chụp từ phía sau xe) và không có cảnh sát ở đó thì bất kỳ ai cũng có thể đóng giả tài xế và nộp phạt hoặc bị trừ điểm.
Luật sư Cheng Qianping tại Công ty luật Yingke ở Thượng Hải cho rằng với những người mua bán điểm, có thể đánh vào hồ sơ tín dụng cá nhân, dẫn đến khó khăn khi muốn đi du lịch nước ngoài hoặc vay tiền.
MINH KHÔI
Dự thi sát hạch cấp giấy phép lái xe môtô hạng A2 (phần thi lý thuyết) tại Trường trung cấp giao thông Tiến Bộ, Q.Tân Phú, TP.HCM trưa 8-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Tài xế Trần Phúc Lộc (quận 12, TP.HCM):
Không nên lỗi gì cũng trừ
Nếu chúng ta triển khai đến nơi đến chốn và hiệu quả thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Thế nhưng mỗi bằng lái chỉ có tổng số điểm là 12, nếu vi phạm nào cũng bị trừ điểm thì tài xế ôtô, xe tải... phải đi thi lại liên tục. Điều này dẫn tới bất cập, tốn kém tiền bạc, công sức, thời gian của nhiều người. Cứ tính bình quân muốn nộp hồ sơ thi lại bằng lái đã mất 6 tháng.
Tôi đề xuất lập ra danh sách các lỗi vi phạm, chỉ những lỗi nghiêm trọng do cố ý và có tái phạm nhiều lần thì trừ điểm. Những lỗi như uống rượu say lái xe, chạy ngược chiều, cự cãi với lực lượng CSGT... thì không thể không trừ. Còn lại các lỗi nhỏ như lấn tuyến, không bật xinhan... có thể tiếp tục áp dụng các hình thức xử phạt như trước nay. Nước ta triển khai được như vậy mới hiệu quả, thuyết phục và bảo đảm được quyền lợi cho tài xế.
* Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):
Ủng hộ làm mạnh tay để răn đe
Đề xuất trừ điểm trên bằng lái xe này là một giải pháp xử lý vi phạm giao thông rất văn minh và cần thiết. Chúng ta dùng pháp luật xử phạt để răn đe, giáo dục tài xế nhằm nâng cao an toàn giao thông. Đồng thời triệt tiêu tâm lý chủ quan, vô tư vi phạm luật lệ nhiều lần mà không sợ bị xử phạt của một số tài xế.
Dù vậy, biện pháp này ở Việt Nam khá mới mẻ và xa lạ, có thể gây bỡ ngỡ cho người dân, nảy sinh nhiều vấn đề cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị phải đảm bảo có một hệ thống dữ liệu đồng bộ, thông suốt mới có thể xử phạt và trừ điểm bằng lái tự động, không để xảy ra sai sót nào. Muốn vậy, các bộ ngành phải có sự phối hợp, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là đào đạo nguồn nhân lực để thực hiện quá trình xử phạt.
Một vấn đề mà hầu hết người dân quan tâm nữa là quá trình đưa quy định vào áp dụng thực tế phải có biện pháp giám sát, ngăn chặn các vấn đề tiêu cực xảy ra.
* TS Trần Quang Thắng (viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM):
Phải đi đôi với nâng cấp hạ tầng
Trừ điểm bằng lái là biện pháp mà nhiều nước đã làm từ lâu. Hình thức xử phạt này đem lại hiệu quả cao, tính nghiêm minh, răn đe mạnh khiến nhiều tài xế đồng tình và có ý thức chấp hành luật lệ cao hơn. Các dữ liệu vi phạm, xử lý sẽ lưu lại trên hệ thống công nghệ.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng hạ tầng giao thông, quy hoạch, phân luồng và điều tiết giao thông của họ rất bài bản, khoa học. Trong khi đó, hiện hạ tầng giao thông, quy hoạch đường sá ở Việt Nam, nhất là ở các TP lớn, chưa đảm bảo; giao thông xung đột rất nhiều sẽ dẫn đến khó kiểm soát. Thậm chí khi lực lượng chức năng triển khai dễ vấp phải sự phản đối của tài xế, người dân.
Do đó, trong quá trình triển khai biện pháp này, chúng ta cần triển khai song song với nâng cấp hạ tầng giao thông, cải tạo đường sá... cho phù hợp. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm công bố rõ các nhóm hành vi vi phạm nào thì bị trừ điểm, số điểm trừ tương ứng ra sao cho thuyết phục.
THU DUNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận