18/05/2020 19:19 GMT+7

Lãi suất huy động giảm mạnh, có nên mua trái phiếu?

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Sau đợt giảm lãi suất huy động ngắn hạn vào tuần trước, hôm nay, 18-5, một số ngân hàng đã giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn dài và lãi suất tiết kiệm online. Câu hỏi được đặt ra là có nên mua trái phiếu để có mức lãi cao hơn?

Lãi suất huy động giảm mạnh, có nên mua trái phiếu? - Ảnh 1.

Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ngày 18-5, Ngân hàng (NH) Bản Việt (VietCapital) vừa công bố lãi suất huy động mới. Theo đó, các kỳ hạn huy động ngắn, từ 1-5 tháng lãi suất ở mức 4,2%/năm sau đợt điều chỉnh tuần trước. Trong khi các kỳ hạn dài hơn lãi suất đã giảm thêm, ngay cả với gửi tiết kiệm online. 

Trước đây, kỳ hạn 7 tháng nếu gửi online sẽ được cộng đến 0,6%/năm so với tại quầy, lên đến 7,8%/năm. Nếu gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất lên đến 8%/năm.

Trong khi theo thông báo mới nhất, lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 7 tháng chỉ còn 7,1%/năm, giảm đến 0,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 12 còn 7,5%/năm trong khi trước đây là 8%/năm.

Có mức lãi suất huy động online kỳ hạn 7 tháng cao nhất thị trường, nhưng kể từ ngày mai (19-5), lãi suất tiết kiện online kỳ hạn 7 tháng tại NH SCB cũng giảm khá mạnh, chỉ còn 7,85%/năm trong khi trước đó lên đến 8,08%. Chỉ các kỳ hạn gửi tiết kiệm online từ 10 tháng trở lên mới được áp dụng mức lãi suất 8%/năm.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tại nhiều NH vẫn ở mức trên 7%/năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo trong bối cảnh lạm phát ở mức thấp và nhiều quốc gia giảm mạnh lãi suất để kích thích kinh tế sau dịch COVID-19, sắp tới đây lãi suất huy động tại các ngân hàng sẽ phải giảm thêm. 

Vậy người gửi tiền có nên mua trái phiếu doanh nghiệp để được hưởng lãi suất cao hơn?

Trong thông báo mới được phát đi, Bộ Tài chính dẫn thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 (bằng 98%). 

Tuy nhiên, doanh thu bất động sản chiếm 49,1% khối lượng trái phiếu phát hành với lãi suất phát hành bình quân tăng. Nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và đánh giá được các rủi ro, nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. 

"Nhà đầu tư cũng phải hết sức thận trọng với cam kết mua lại của tổ chức bảo lãnh, phân phối trái phiếu do có rủi ro là các tổ chức này có thể không thực hiện được cam kết mua lại do phải đáp ứng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính hoặc không mua lại được do có khó khăn về tài chính", Bộ Tài chính lưu ý.

Nơi này cũng khuyến cáo nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh, phân phối cung cấp đầy đủ các thông tin, cam kết của doanh nghiệp phát hành, tổ chức bảo lãnh, phân phối, tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành…

Đối với doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành khả thi, gắn với nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo khả năng trả các khoản nợ đến hạn, trong đó có trả nợ lãi, gốc trái phiếu. 

"Bộ Tài chính sẽ thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đảm bảo sự công khai, minh bạch của thị trường", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Lãi suất huy động quá cao Lãi suất huy động quá cao

TTO - Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,25%/năm, ngày 13-5, các ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn ngắn.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên