16/07/2015 10:30 GMT+7

Đỗ Phi Đen Cacstrô, Huỳnh School Boy và…

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TT - Nếu người vùng cao ở miền Trung thích đặt tên con theo phim Hàn Quốc thì người miền Tây Nam bộ lại ưng đặt tên con theo kiểu Tây. Những cái tên chứa đựng ước muốn hết sức chân chất.

Ông Đỗ Văn Hảo rất tự hào và gửi gắm mọi kỳ vọng vào người con trai Đỗ Phi Đen Cacstrô Ảnh: TIẾN LONG
Ông Đỗ Văn Hảo rất tự hào và gửi gắm mọi kỳ vọng vào người con trai Đỗ Phi Đen Cacstrô - Ảnh: Tiến Long

Vì “khoái” ông Fidel

Quán hủ tiếu nhỏ ven đường của ông Đỗ Văn Hảo ở ấp Long Thạnh (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) mới 7g sáng đã tấp nập người ra vào. Mọi người í ới gọi nhau anh Hai, chú Chín, cô Tư, dì Năm... Chỉ riêng ông Hảo chủ quán lâu lâu gọi con trai: “Cát Trô đâu bưng đồ ăn cho khách đi con”. “Chú em thấy thằng nhỏ này có cái tên ngon hông?” - ông Hai Hùng quay sang hỏi chúng tôi.

Tên đầy đủ của con trai ông chủ quán hủ tiếu họ Đỗ này là Đỗ Phi Đen Cacstrô, tên của vị lãnh tụ nước Cuba. Ông Hai Hùng kể hồi ông Hảo đặt tên con, xóm làng cười té ngửa, không hiểu tên gì mà nghe kỳ quặc, khó kêu. Mọi người gọi đến líu lưỡi, chữ mất chữ được. Lâu dần nghe quen tai, lại thấy cái tên đặt theo tên lãnh tụ của Cuba cũng oách lắm chớ bộ. “Nhìn chả nông dân vậy mà đặt tên con hay dữ” - ông Hùng cười sang sảng.

Có người khen nên ông Hảo cười khoái chí. Ông mới say sưa kể chuyện ra đời cái tên. Ông Hảo từng là giáo viên cấp II, đọc sách viết về các vĩ nhân trên thế giới, ông khoái nhất lãnh tụ Cuba Fidel Castro. Ông khoái tướng mạo dũng mãnh và hành động can trường của ông Fidel Castro. Lúc đó vợ vừa sinh con đầu là con trai (ngày 1-1-1995). “Thằng này phải ngon như ông Fidel nghe mày”. Vậy là ông quyết định sẽ đặt cho con cái tên Đỗ Fidel Castro.

“Tui đặt cho hắn cái tên này chỉ mong hắn bản lĩnh, nghĩa khí như ông Castro. Lớn lên học cho giỏi mà giúp đời”. Không ngờ cái tên đó khiến cả ông lẫn thằng con gặp đủ thứ rắc rối. Cán bộ tư pháp phiên âm theo tiếng Việt, thêm chữ “c” và dấu sắc trong chữ “Castro” thành Đỗ Phi Đen Cacstrố. Thấy kỳ quá, ông Hảo đi sửa nhưng chỉ xóa được dấu sắc nên cái tên vẫn còn Đỗ Phi Đen Cacstrô. Sau đó sinh thêm con gái, ông Hảo cũng cao hứng đặt luôn cái tên Đỗ Thị Ty Sô cho “hổng giống ai”.

Trong căn nhà nhỏ, ông Hảo treo tấm ảnh Fidel Castro để nhắc nhớ con hằng ngày. Cậu thanh niên Đỗ Phi Đen Cacstrô bây giờ đã 20 tuổi. Cậu kể hồi đầu đi học cũng rất mệt với cái tên lạ này. Tìm đọc sách biết được nguồn gốc tên mình, Cacstrô mới thấy hãnh diện và rất khoái cái tên cha đặt. Nhưng cứ hễ nghe đọc cái tên Đỗ Phi Đen Cacstrô là mọi người trố mắt ngạc nhiên. Cũng vì cái tên lạ nên thầy cô nào mới đến lớp cũng gọi Cacstrô lên trả bài để xem mặt mũi ra sao. Nhờ vậy Cacstrô phải chăm lo học bài hơn.

Ông Hảo lật từng tấm giấy khen ghi tên Đỗ Phi Đen Cacstrô, Đỗ Thị Ty Sô với ánh nhìn tự hào. Ty Sô đang học cao đẳng ở Đồng Tháp. Còn Cacstrô đang học năm 1 đại học ở TP.HCM, nhưng thấy ngành học không phù hợp nên về quê ôn thi lại Đại học Luật TP.HCM. Không những không cản ngăn, ông Hảo còn một mực ủng hộ: “Cacstrô học luật giống ông Fidel Castro, tui càng khoái”.

Lúc đầu, hai cái tên Trịnh Thị Vol Ga và Trịnh Thị Lin Ca đã bị viết nhầm thành Trịnh Thị Ka và Trịnh Thị Ra   Ảnh: TIẾN LONG
Lúc đầu, hai cái tên Trịnh Thị Vol Ga và Trịnh Thị Lin Ca đã bị viết nhầm thành Trịnh Thị Ka và Trịnh Thị Ra - Ảnh: Tiến Long

>> Kỳ 1: Bỗng dưng ngàn người đổi họ

>> Kỳ 2: Đỗ mà không phải Đỗ

>> Kỳ 3: Đinh Nokia, Đinh Samsung, Đinh Motorola...

>> Kỳ 4: Một họ thành bốn mươi họ

>> Kỳ 5: Chuyện là họ Trần

Giấc mơ Schoolboy

Ông Huỳnh Trung Cang ở ấp Long Thành (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đặt tên con bằng tiếng Anh, một thứ tiếng Anh rất lạ: Huỳnh School Boy, Huỳnh Two School Boy và Huỳnh Tree School Boy.

Khác với cha của Đỗ Phi Đen Cacstrô, khi được hỏi về những tên này ông Cang tỏ ra không vui lắm. Ông tâm sự hồi nhỏ dù nhà nghèo ông vẫn được cha mẹ cho đi học. Nhưng được một thời gian, cuộc sống gia đình khó khăn, đường học của ông gãy gánh giữa chừng.

Quần quật mưu sinh rồi lớn lên lấy vợ, ông vẫn ấp ủ, cháy bỏng giấc mơ học cao thành đạt. Và ước mơ đó được ông gửi gắm vào những người con.

Ông đặt con trai là Schoolboy có nghĩa là nam sinh, còn con gái Schoolgirl là nữ sinh. Theo thứ tự sinh trước sau, ông thêm tên lót bằng chữ số đếm two (2), three (3) cho các con.

Nhưng khi làm giấy khai sinh, cán bộ tư pháp lại viết chữ Schoolboy thành School Boy khiến nó trở nên khó hiểu, không còn ý nghĩa như ông gửi gắm. Trái khoáy hơn, đến người con thứ ba đúng tên là Huỳnh Three Schoolboy, cán bộ tư pháp lại viết thành Huỳnh Tree School Boy.

Chữ three (số ba) thành tree (cây). Khi vợ ông sinh người con thứ tư, công an huyện mời ông lên có ý kiến về cách đặt tên lạ lùng. Để khỏi rắc rối, ông không đặt tên tiếng Anh nữa. Hai người con sau này ông trở lại đặt tên tiếng Việt.

Ông Cang nói ông làm nghề lái xe tải chở hàng hóa, vất vả và lam lũ. Đặt tên con với mong muốn các con sau này trở thành những nam sinh, nữ sinh ăn học đến nơi đến chốn, trở thành bác sĩ, kỹ sư.

Nhưng ước mơ đó của ông chưa được toại nguyện. Hiện giờ School Boy đầu làm cơ khí ở quê, hai School Boy sau đi làm công nhân ở Sài Gòn và Tây Ninh.

“Suy cho cùng cái tên cũng chỉ là mơ ước. Muốn nên sự nghiệp còn phải nỗ lực hết mình và trời đất phù trợ nữa. Cái tên hay cũng không thể thay đổi số phận con người ta được” - ông Cang đúc kết.

Giải thích mệt lắm

Ở xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có hai chị em sinh đôi mang cái tên gắn liền với nước Nga: Trịnh Thị Vol Ga và Trịnh Thị Lin Ca. Ông Trịnh Văn Mỉnh, cha của hai cô gái, cho biết cả hai cái tên này đều do ông ngoại đặt cho cháu.

Vol Ga là tên của dòng sông ở miền tây nước Nga và là con sông dài nhất châu Âu (sông Volga). Còn Lin Ca là tên một tác phẩm văn học của Nga mà ông ngoại say mê khi học tập ở xứ sở này.

Đưa cuốn sổ hộ khẩu nhòe màu của gia đình, ông Mỉnh kể sợ con không biết tiếng nước ngoài, ông ngoại đã viết một mảnh giấy ghi rõ tên cháu là Trịnh Thị Volga và Trịnh Thị Linca.

Chẳng hiểu sao khi làm giấy khai sinh, vợ ông đọc chệch thành ra giấy khai sinh mang hai cái tên kỳ cục Trịnh Thị Ka và Trịnh Thị Ra. Tây không ra tây, ta chẳng ra ta. Ông phải đi điều chỉnh, nhưng cán bộ vẫn ghi tách rời thành Trịnh Thị Vol Ga và Trịnh Thị Lin Ca, không như ý ông ngoại.

Cháu sinh một tháng thì ông ngoại mất. Hàng xóm đến thăm ai cũng thắc mắc về những cái tên lạ lẫm. Giải thích mãi không được, ông Mỉnh lấy tờ giấy ghi tên hai con dán lên cửa buồng để mọi người đọc cho đúng.

Cô Lin Ca cho biết đi học thấy tên lạ ai cũng hỏi vặn, phải giải thích đủ điều mọi người mới hiểu. “Lúc đó chỉ mong sao tên mình trở lại bình thường của người Việt như mọi người cho nó khỏe” - Lin Ca nói.

Đang mang thai ba tháng, khi có người hỏi có tiếp tục đặt con tên nước ngoài không, Lin Ca cười lắc đầu: “Ai cũng muốn đặt tên con cho có ý nghĩa. Nhưng đặt tên nước ngoài sẽ bị người ta hỏi hoài, giải thích mệt lắm”.

_________

Kỳ tới: Những cái tên có một không hai

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên