15/07/2015 14:30 GMT+7

Lạ lùng cái chuyện họ tên - Kỳ 5: Chuyện lạ họ Trần

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Trong các chuyện lạ về họ tên ở miền Trung, có hai câu chuyện liên quan đến họ Trần: một ở Nghệ An, một tại Đà Nẵng.

Nhà thờ họ Trần Võ ở Thanh Chương, Nghệ An Ảnh: P.X.D.
Nhà thờ họ Trần Võ ở Thanh Chương, Nghệ An Ảnh: P.X.D.

>> Kỳ 1: Bỗng dưng ngàn người đổi họ

>> Kỳ 2: Đỗ mà không phải Đỗ

>> Kỳ 3: Đinh Nokia, Đinh Samsung, Đinh Motorola...

>> Kỳ 4: Một họ thành bốn mươi họ

Đến xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, tôi liền hỏi đường để tìm về họ Trần Võ. Một người đàn ông trạc chừng tuổi 50, nghe tôi tìm người họ Trần Võ để hỏi chuyện liền vui vẻ nhận lời.

Mang thêm họ vì nghĩa tình

Tiếp tôi ở nhà mình thuộc thôn 2, xã Thanh Đồng, ông thủ từ nhà thờ họ Trần Võ tên là Trần Võ Nhâm, 70 tuổi, vừa rót nước chè vừa nhìn tôi ra vẻ thăm dò người khách lạ. 

Sau khi nghe tôi giới thiệu, ông mới nói thong thả: “Anh hỏi chuyện xuất xứ họ Trần Võ phải không? Đúng ra ngày xưa họ gốc của chúng tôi là họ Vũ, từ Hải Dương vào Diễn Châu (Nghệ An), tiếp đó lại đi từ Diễn Châu (Nghệ An) vào đây. Khi vào Thanh Chương, các cụ đổi thành họ Võ, nhưng Võ hay Vũ cũng đều là một...”.

Ngừng một chút, ông kể tiếp: “Vào quê mới, được người họ Trần Tử ở địa phương tận tình giúp đỡ, từ công việc làm ăn cho đến khi tối lửa tắt đèn nên cảm kích vô cùng. Để tỏ lòng biết ơn ân nhân, người họ Võ chúng tôi bèn đổi họ thành Trần Võ.

Cũng từ đó, họ chúng tôi khi sinh con trai lấy họ Trần Võ, khi sinh con gái lấy họ Võ. Cũng bởi nguyên do như thế nên nhiều người đùa chúng tôi là người mang hai họ.

Cho đến nay, họ Trần Võ và họ Trần Tử vẫn coi nhau như anh em. Mỗi khi tổ chức lễ cúng giỗ tổ tiên, hai họ chúng tôi vẫn mời nhau, tình nghĩa keo sơn, thắm thiết”.

Đến lúc này thì người đàn ông dẫn tôi tới đây mới cất tiếng: “Tôi là Trần Võ Trường, cũng là con cháu họ Trần Võ. Năm 2012 khi bàn chuyện kỷ niệm 200 năm thành lập họ Trần Võ ở đây, cũng có ý kiến băn khoăn về việc nên quay trở về nguyên gốc họ Võ của mình để tránh mọi rối rắm về sau.

Nhưng rồi đa số đều thấy rằng để họ Trần Võ vẫn là hay nhất nên cả dòng họ nhất trí. Tôi cũng thấy như vậy là hay. Miễn sao mình vẫn nhớ gốc của mình là họ Võ và ân nghĩa với tổ tiên mình là họ Trần. Như vậy là hợp đạo lý, trọn nghĩa vẹn tình”.

“Không phải họ Võ đổi họ mà là mang thêm họ Trần. Võ là gốc gác, Trần là nghĩa tình!” - ông thủ từ Trần Võ Nhâm nói.

Khi tham quan nhà thờ họ Trần Võ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tôi được biết thêm nhiều con cháu họ này ăn nên làm ra và thành đạt. Chợt nghĩ con người ta sống có trước có sau thì hậu vận mới lâu bền.

Mộ danh tướng Trần Quang Diệu trong khuôn viên khu di tích Thoại Ngọc Hầu - Đà Nẵng Ảnh: P.X.D.
Mộ danh tướng Trần Quang Diệu trong khuôn viên khu di tích Thoại Ngọc Hầu - Đà Nẵng - Ảnh: P.X.D.

Sống là họ Nguyễn, chết hóa Trần

Vào tham quan di tích lịch sử quốc gia đền thờ Thoại Ngọc Hầu, một công thần của chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), ở đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) sẽ thấy sự lạ.

Bởi nơi đây không chỉ có vị danh thần Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) yên nghỉ mà còn có một con người khác cũng đang bầu bạn dưới suối vàng.

Xuất xứ chuyện này là do năm 2002 khi xây dựng Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), chính quyền và cháu con vị tướng họ Trần đã di dời mộ ông Trần Quang Diệu về trong khuôn viên di tích Thoại Ngọc Hầu. Mộ bia của ông ghi rõ: “Con cháu nội ngoại Trần Nguyễn đồng phụng lập”.

Đô đốc Trần Quang Diệu, một danh tướng của Tây Sơn, cánh tay đắc lực của Nguyễn Huệ, là người bạn tâm giao của Thoại Ngọc Hầu, dù khi sống hai người từng ở hai chiến tuyến đối nghịch nhau. Ông có tên thật là Trần Văn Đạt, quê làng An Hải, nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà (Đà Nẵng).

Ông Trần Văn Sửu, một người quê gốc An Hải, nhân viên khu di tích, kể rằng: “Sau khi thắng thế, vua Gia Long đã trả thù những tướng sĩ Tây Sơn, nhất là những người trụ cột. Đô đốc Trần Quang Diệu bị xử trảm, người trong gia tộc cũng bị truy sát nhằm nhổ cỏ tận gốc. Con cháu ông từ họ Trần phải đổi sang họ Nguyễn để mong thoát nạn”.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, 86 tuổi, con cháu của đô đốc Trần Quang Diệu, nhà ở cạnh ngã tư đường Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân tại quận Sơn Trà, đã xác nhận nội dung này.

Sách Nguyễn Huệ - Phú Xuân của tác giả Đỗ Bang - Hoàng Phủ Ngọc Tường (NXB Thuận Hóa - 1986) kể rằng khi giành lại quyền bính và lên ngôi, vua Gia Long muốn chiêu hàng một dũng tướng như Trần Quang Diệu.

Nhưng đô đốc Diệu đã khẳng khái trả lời: “Trung thần không thờ hai vua. Nay tôi bị bắt thì chấp nhận chết. Nếu vua mới rộng lượng tha cho như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn, thì tôi sẽ về nơi thôn dã cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đình mới thì không phải là trượng phu”.

Biết không khuất phục được ông, vua Gia Long ra lệnh xử trảm toàn gia quyến Trần Quang Diệu.

Tướng quân Trần Quang Diệu cùng vợ (đô đốc Bùi Thị Xuân) và con gái mới 15 tuổi đã bị hành quyết một cách thảm khốc, để lại nhiều câu chuyện bi tráng cho đời sau.

Theo câu chuyện của cháu con họ Trần thì sau cuộc xử trảm Trần Quang Diệu và gia quyến vào năm 1802, họ hàng của ông phải ly tán nhiều nơi để tránh bị trả thù. Họ buộc phải cải họ và từ đó mang họ Nguyễn cho đến sau này.

Có điều để nhớ về gốc tích của mình, khi sống phải mang họ Nguyễn nhưng khi chết thì trở lại họ Trần. “Sinh vi Nguyễn, tử vi Trần” là vì vậy.

Ông Nguyễn Văn Điển, một hậu duệ của danh tướng Trần Quang Diệu, cho biết có một chuyện hi hữu đã xảy ra trong cuộc “nhổ cỏ” của nhà Nguyễn. Gia quyến Trần Quang Diệu bị xử trảm nhưng vẫn còn một người trong nhà ông Trần Quang Diệu thoát chết.

Đó là người con trai tên gọi Trần Văn Long. Người con út này được ông Trần Quang Diệu gửi qua ở với người em gái ở làng Mỹ Khê (cũng thuộc Đà Nẵng) từ trước.

Khi xảy ra các vụ thảm sát, người cô ruột đã nhanh chóng đổi tên Trần Văn Long thành Nguyễn Văn Quang theo họ Nguyễn của người chồng, rồi đưa đi sống mai danh ẩn tích suốt nhiều năm trời. Đến khi có vợ, Trần Văn Long lúc này đã là Nguyễn Văn Quang mới trở về làng cũ An Hải.

Ông sống ở đây và làm lý trưởng trong 19 năm. Nhờ vậy ông mới có cơ hội lấy lại được ruộng đất cho bà con họ hàng mình làm ăn. Lúc này, nhà Nguyễn không còn ráo riết truy sát mầm mống của thái phó Trần Quang Diệu nữa.

Dù nhà Nguyễn về sau cũng không quá tàn nhẫn với con cháu tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu, và ngay cả khi triều Nguyễn đã kết thúc (kể từ khi vua Bảo Đại thoái vị tháng 8-1945) thì tục lệ “sinh Nguyễn tử Trần” vẫn được duy trì, đến nay đã hơn 200 năm.

Tôi gặng hỏi ông cụ Nguyễn Tiến Thanh: “Bây giờ bác vẫn là họ Nguyễn, khi chết mới lấy lại họ Trần?”.

Cụ trả lời quả quyết: “Đúng vậy, chỉ khi tôi đã chết, khi ấy tôi lại được mang họ Trần của tổ tiên”. Vì sao hậu duệ của tướng quân Trần Quang Diệu không lấy lại họ Trần của mình khi còn sống? Có lẽ đó là khi họ thật sự về với tổ tiên nguồn cội.

_________

Kỳ tới: Đỗ Phi Đen Cacstrô, Huỳnh School Boy và...

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên