23/09/2013 10:35 GMT+7

Ký ức Sóc Trăng

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ở bến sông Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) có một đài tưởng niệm hình con thuyền đang căng buồm vượt biển. Đây là nơi tàu Phú Quốc cùng 23 chiếc ghe bầu lần lượt cặp bến trong buổi tối 23-9-1945, hơn 1.800 cựu tù chính trị Côn Đảo đặt chân lên đất liền.

I4JmCfAB.jpgPhóng to
Chảo lá sen dùng để nấu ăn ở Trường Taberd Sóc Trăng trong những ngày tiếp đón tù chính trị Côn Đảo năm 1945 - Ảnh: Tự Trung

Những người dân xung quanh kể rành rọt: “Mấy ông cựu tù lên bờ, ở đây một buổi rồi đi vô Sóc Trăng bằng xe theo lộ Đại Ngãi (giờ là QL 60 - PV) hay đi ghe theo kênh Saindard. Nhiều ông không đi được, bà con phải cõng. Mọi người nghỉ ngơi, bồi dưỡng ở Trường Taberd (nay là Trường THPT ischool Sóc Trăng - PV)...”. Hỏi có ai được chứng kiến không, mọi người cười xòa: “Nghe người lớn kể lại mà...”.

Đoàn tụ

Trong hồi ký của mình, ông Trương An (An Châu) kể chi tiết: “Tối 23 tàu rồi các ghe của chúng tôi nối nhau vào Đại Ngãi. Cảm động làm sao, từ biển vào đến sông cái rồi sông con, hai bên bờ chật ních người đứng đón. Đội tự vệ người Khmer giáo mác trong tay đứng sẵn bên đường nhiệt liệt hoan hô bằng tiếng Việt. Trên các xuồng con từ bờ chèo ra, cứ hai người dân lại công kênh nhau, ghé vai vào mạn tàu đưa chúng tôi xuống và dẫn về nhà, không phân biệt quen lạ, Bắc Nam. Nhà nào cũng làm sẵn mâm cơm với tôm cá heo gà và đặc sản địa phương. Trái cây bắt đầu chín rục sau mấy ngày hái xuống chờ đón chúng tôi về... Hôm sau chúng tôi được sắp xếp tập trung về Trường Taberd, điểm tiếp đón được Xứ ủy tổ chức”.

Trường Lasan Taberd Sóc Trăng là một trường tiểu học nội trú của tổ chức Công giáo Pháp, được xây dựng từ năm 1912. Sân trường rộng rãi, cây to mát mẻ, có hai dãy nhà lầu hai tầng kiên cố, có nhà làm việc, nhà ăn, nhà bếp, khu giải trí thể thao... đầy đủ tiện nghi. Lúc này những người nước ngoài đều đã về Sài Gòn, nhà trường, tu viện đều do linh mục Việt Nam phụ trách. Tỉnh ủy đến yêu cầu mượn trường, các vị linh mục nhiệt tình ủng hộ. Nhân dân Sóc Trăng ào đến, và chỉ một ngày mọi thứ đã chuẩn bị xong.

Sinh năm 1955, mười năm sau sự kiện đón tù chính trị Côn Đảo nhưng ông Văn Ngọc Nhuần (TP Sóc Trăng) lại thuộc lòng câu chuyện mà mẹ ông đã kể không biết bao lần về ngày bà được gặp lại chồng sau năm năm bị đày khổ sai biệt xứ ngoài Côn Đảo. “Nghe tin đoàn tù Côn Đảo được đón về, đang ở ngay Sóc Trăng, má tui một mình xuống xuồng chèo đi. Từ Hòa Tú quê tui ra tới đây hơn 50km đường sông, bà chèo hết hai ngày một đêm. Tới Trường Taberd đã tối rồi, bà cầm cây đèn chai, bước thấp bước cao đi trong sân gọi tìm...”. Lúc ấy ông Văn Ngọc Chín (anh hùng LLVT, nguyên bí thư Huyện ủy Thạnh Trị, Sóc Trăng - PV), chồng bà, đang đứng ngoài hành lang lầu 2, nghe tiếng, thấy dáng vợ, ông gọi “Mẹ Bạch hả?”. Bà nghe, sụm chân xuống không bước nổi nữa...

EM9S6XXg.jpgPhóng to
Đúng 30 năm sau, hai người tù Côn Đảo trên chiếc canô Giải Phóng năm 1945 đã gặp nhau giữa Sài Gòn khi nước nhà thống nhất: Tôn Đức Thắng và Phạm Hùng - Ảnh: tư liệu

Sân trường nao nức

“Ở Trường Taberd Sóc Trăng, món ăn miền Nam lần đầu tiên tôi được ăn là món bánh hỏi thịt quay. Ngoài Bắc không có bánh hỏi, bao năm thơ bé nhà nghèo xơ xác, rồi đi làm cách mạng, nào có biết miếng thịt heo quay ra sao. Ở tù về, ấn tượng về bữa ăn ấy càng sâu đậm, sâu đậm như tấm lòng người miền Nam”, ông Nguyễn Thọ Chân nhắc ở tuổi 94. Ấn tượng ấy đã theo anh cán bộ miền Bắc suốt những năm ở lại miền Nam tham gia kháng chiến, lên Sài Gòn lãnh nhiệm vụ bí thư thành ủy, hoạt động bí mật ở nội thành trong trùng trùng hiểm nguy, giữa sự yêu thương che chở của đồng bào...

Sân Trường Taberd Sóc Trăng rộng 1,2ha, rợp bóng cây, ngày thường vốn tĩnh lặng nhưng mấy ngày ấy rợp người. Những cựu tù gầy guộc, đau yếu, người mặc bộ bà ba đen mới được bà con tặng, người vẫn còn nguyên bộ áo tù nằm ngồi đầy trong các phòng, đi lại khắp hành lang tận hưởng sự tự do và tình yêu thương của đồng bào. Trên sân, bà con nườm nượp mang đến nào gạo, mắm, heo, cá, gà vịt, rau xanh. Bếp lửa được bắc dưới bóng cây đỏ rực suốt ngày, những chảo lá sen sôi sục đủ loại món ăn. Trong phòng, các bác sĩ, y tá chăm sóc vết thương cho cựu tù, các chị nhanh tay may vá từng bộ quần áo để mọi người mau chóng bước vào cuộc sống mới. Từng vòng tròn người xôn xao đủ chuyện, từ chuyện ở “địa ngục Côn Đảo” đến chuyện cướp chính quyền hồi tháng tám, và hơn hết là bàn chuyện cuộc kháng chiến vừa mới bắt đầu. Tối tối, sân khấu được dựng lên. Các ca sĩ không chuyên của miền Tây cất câu vọng cổ ngọt lịm làm mê lòng hàng ngàn người. Những cựu tù cũng bước lên, diễn vở Chiến sĩ và Hằng Nga tự biên tự diễn trong tù, diễn tả lại cảnh “múa phượng hoàng”, cảnh “tắm chim”, nhặt thóc, sạn trong chén cơm, bị phạt ở hầm xay lúa hay trong chuồng bò... Sân trường chật ních có tiếng tấm tắc khen, tiếng chắc lưỡi, lại có tiếng khóc rấm rứt.

Ngày ấy không có máy ảnh để lưu giữ khoảnh khắc, cũng không có nhà báo nào đến tường thuật. Toàn bộ khung cảnh nhộn nhịp, ấm áp ấy đã được họa sĩ lão thành Tô Dự (Cần Thơ) tái hiện trong một bức tranh sơn dầu, hiện treo trang trọng trong khu bảo tàng ghi dấu cuộc đón rước cựu tù chính trị Côn Đảo được quy hoạch ở một góc Trường ischool Sóc Trăng. Nhắc về bức tranh này, ông rất vui: “Thường sáng tác đề tài cách mạng nên tôi có theo dõi sự kiện đặc biệt ngày 23-9-1945 này. Khi được yêu cầu vẽ tranh, tôi đã tìm gặp nhiều nhân chứng như các ông cựu tù, các bà y tá, các mẹ ngày ấy để nghe kể chuyện. Tôi lên xuống Sóc Trăng nhiều lần để ngắm khung cảnh, đứng trong sân trường và nhớ đến những câu chuyện đã được nghe, nghĩ về tấm lòng người miền Tây mà mình thấu quá rõ. Đột nhiên mọi hình ảnh cứ như hiện ra trước mắt và thế là tôi vẽ...”.

Tên của các bà, các má ngày ấy được treo trang trọng: bà Đinh Thị Dân, xơ Maria Phước phụ trách chăm sóc thuốc men, bà Trần Thị Mai phụ trách nấu nướng...

Trong bảo tàng còn treo một bức tranh nữa, cũng của họa sĩ Tô Dự. Bức tranh vẽ cảnh các chiến sĩ cách mạng vừa về từ Côn Đảo đang tập trung sinh hoạt chính trị, phân công công tác tại đình Tân An (Cần Thơ) một tuần sau ngày trở về. Sau buổi sinh hoạt này, họ chia tay mỗi người mỗi ngả.

Lên đàng

Những ngày tù ngục không mong gì hơn được về nhà, nắm tay người thân, ăn một bữa cơm gia đình, nhưng lúc này việc ấy lại đành gác lại, những người đã may mắn được gặp gia đình lại vội vã chia tay. Nam bộ kháng chiến, mái lá rặng dừa đã lại chìm trong lửa đạn. Không lựa chọn cách khác, hơn 1.800 cựu tù đều xung phong ở lại miền Nam, “cùng nhau xông pha lên đàng”. Tháng năm trải qua tù ngục càng hun đúc cho họ ý chí phải giữ lấy tự do, phải đi đầu trong cuộc chiến đấu vì độc lập nước nhà. Tháng 10-1945, Xứ ủy Nam bộ đã có những cái tên Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương; các thành ủy, tỉnh ủy có Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thọ Chân, Nguyễn Duy Trinh, Phan Trọng Tuệ... Bảo tàng Sóc Trăng còn treo tấm ảnh của ông Nguyễn Hùng Phước, cựu tù Côn Đảo đã nổ phát súng đầu tiên khi Pháp đem quân tái chiếm Sóc Trăng. Bước vào cuộc kháng chiến khốc liệt, ông được mệnh danh là “con hùm xám miền Tây”...

Trong những hồi ức, hồi ký sau này, tất cả họ đều không giấu nỗi đau như cắt ruột khi chưa kịp vui sum họp với gia đình đã phải vội chia ly. “Nhưng không thể khác được”, tất cả lại cùng một khẳng định, cùng một lựa chọn.

Họ đã ghi tên mình vào lịch sử.

___________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Từ Côn Đảo về với Nam bộ kháng chiến Kỳ 2: Ghe bầu vượt biển Kỳ 3: Côn Đảo tự do Kỳ 4: Chiếc canô của người tù 5289-20TF

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên