
Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Ngày này trong ký ức của hai vị tướng là trung tướng Nguyễn Đức Soát và thiếu tướng Phạm Sơn Dương cũng đặc biệt theo cách riêng.
Hạnh phúc của Trung tướng Nguyễn Đức Soát
Những ngày tháng 4 này, ở tuổi 79, ngồi kể lại ký ức ngày hòa bình 30-4-1975, trung tướng Anh hùng Nguyễn Đức Soát (nguyên phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nguyên tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân) vẫn nghẹn ngào, đôi lúc rơi nước mắt, những giọt nước mắt hiếm hoi của người anh hùng.
Lúc đó đại úy Nguyễn Đức Soát 29 tuổi, đang là trung đoàn phó một trung đoàn không quân. Thời gian này ông không trực tiếp tham gia chiến đấu mà cùng nhóm sáu phi công đi ôn kiến thức văn hóa và tiếng Nga trong ba tháng, từ tháng 2 đến tháng 5-1975 tại Trung đoàn Không quân 921 đóng tại sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài) chuẩn bị sang học Học viện Không quân Liên Xô theo chiến lược đào tạo nguồn nhân lực xây dựng không quân sau này.
Đó cũng là giai đoạn xảy ra những trận quyết chiến cuối cùng của quân đội ta để giành lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Tướng Soát nhớ lại hồi đó miền Bắc bắt đầu có vô tuyến truyền hình (khoảng cuối tháng 3-1975), mỗi ngày chỉ phát vào các buổi tối.
Bản tin vừa dứt, từ căn nhà cấp 4 dưới những tán cây bạch đàn ở sân bay, đại úy Nguyễn Đức Soát cùng các đồng chí của mình trong nhóm học ôn văn hóa ào ra sân, ôm theo chậu thau nhôm vừa gõ vừa reo hò khiến các phi công trẻ đều lăn ra cười.
Niềm vui hòa bình lớn quá khiến ai cũng biến thành trẻ con cả.
Cả đơn vị có một chiếc tivi đặt ở hội trường. Tối đến mọi người tập trung kín hội trường xem tin tức thời sự, đặc biệt là tin chiến trường. Những bản tin thời sự chiến trường đã được biên tập viên Cao Nham dẫn hết sức hấp dẫn.
Tuy nhiên bản tin chiến thắng đầu tiên đại úy Nguyễn Đức Soát lại được nghe từ Đài tiếng nói Việt Nam vào buổi trưa.
Đúng 11h45 trưa hôm đó, Đài tiếng nói Việt Nam tuyên bố chính thức: "Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được.
Đúng 11h30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng".

Ông Nguyễn Đức Soát thời trẻ - Ảnh: NVCC
Sáng 1-5-1975, ông nhận được điện từ Sở Chỉ huy không quân thông báo ông được mời tham gia đoàn chủ tịch dự mít tinh mừng Ngày Quốc tế lao động 1-5 và Giải phóng miền Nam tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngay tối hôm đó.
Ông nhận được yêu cầu các thành viên tham gia đoàn chủ tịch cần có mặt vào 5h chiều tại phòng khách của Nhà hát lớn.
Quân phục chỉnh tề, ông Soát lên xe về Hà Nội. Thật hạnh phúc và xúc động khi ông được chứng kiến niềm hân hoan, vui sướng của người dân thủ đô đón mừng tin miền Nam được giải phóng.
Phố xá đầy cờ, đầy hoa. Các con phố quanh Bờ Hồ (tên quen gọi khu vực hồ Hoàn Kiếm) đầy người. Già có, trẻ có. Gương mặt mọi người đều rạng rỡ. Và có cả những giọt nước mắt xen giữa những nụ cười.
Xe của ông phải đỗ từ rất xa. Ông phải khá vất vả mới lách qua biển người để vào được Nhà hát lớn Hà Nội.
Vào đến phòng tiếp khách của Nhà hát lớn, ông khá bất ngờ khi các lãnh đạo cao cấp chủ chốt nhất của Đảng và Nhà nước đều có mặt khá đông đủ: Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp...
Trong phòng khách, ông nhận ra còn có nữ anh hùng thời chống Pháp - trung úy Nguyễn Thị Chiên. Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng bước vào, hai chị em đứng dậy chào, nhìn thấy ông và bà Chiên, Thủ tướng bước lại, giang tay ôm cả hai chị em. Giọng xúc động, Thủ tướng khẽ nói: "Các cháu bộ đội giỏi lắm!".
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng bước vào, tất cả đứng dậy chào. Bác Tôn niềm nở cười bắt tay mọi người và bảo: "Các chú nhanh nhanh cho bác vào miền Nam nhé!". Ai cũng hiểu nguyện vọng của Bác Tôn sau bao năm xa Sài Gòn. Bí thư Lê Duẩn vội trả lời: "Dạ sẽ rất sớm thôi, Bác sẽ được vào Sài Gòn ngay ạ!".
Lần đầu tiên trong đời ông được gặp đông đủ các lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước, lại được nhìn ngắm gương mặt đang rạng ngời niềm vui của những con người đã mấy chục năm bằng tất cả trí tuệ và tâm huyết chèo lái con thuyền cách mạng của Việt Nam vượt qua bao ghềnh thác, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và nay đã đến đích.
Ông cũng chưa bao giờ dám hình dung giây phút mình được chứng kiến tâm trạng của những cán bộ cao nhất của đất nước thể hiện vào thời khắc lịch sử này.
Mọi người nói chuyện vui vẻ. Ông Hoàng Quốc Việt khi nói về sự phong phú trong đấu tranh cách mạng của Việt Nam còn bảo nhiều thuật ngữ ta thường sử dụng và áp dụng thường xuyên như từ "sơ tán", báo chí Pháp cũng tôn trọng và gọi là "Le sơ tán" mà không viết ra nghĩa từ đó bằng tiếng Pháp...
Sở dĩ tướng Soát nhớ đến những câu chuyện của ông Hoàng Quốc Việt bởi ông từng học lái máy bay và cùng đơn vị chiến đấu với Hạ Vĩnh Thành - con trai ông Hoàng Quốc Việt.

Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh gắn huy hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân cho ông Nguyễn Đức Soát tháng 1-1973 - Ảnh: NVCC
Khi lễ mít tinh của hơn 500 đại biểu ưu tú đại diện cho mọi tầng lớp ở thủ đô bắt đầu, sau màn chào cờ trang trọng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc lời khai mạc đầy khí thế hào hùng của cả non sông đất nước lúc bấy giờ:
"…Thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc chống Mỹ, cứu nước với đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975 sẽ đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca mãi mãi làm nức lòng mọi người yêu chuộng chính nghĩa và công lý, độc lập và tự do…".
Trên đoàn chủ tịch, ông Soát được bố trí ngồi cạnh ông Nguyễn Đức Thuận - tổng thư ký Liên đoàn Lao động Việt Nam, tác giả cuốn tự truyện Bất khuất mà thế hệ ông Soát rất say mê.
Nhìn mái tóc bạc trắng như cước rất đẹp nhưng hơi "lạ" so với tuổi của ông Thuận, ông Soát buột miệng "Tóc chú bạc trắng thế!".
Ông Thuận đã khẽ kể: "Địch bắt chú, nhằm buộc chú phải đầu hàng và khai báo, chúng đã dùng đèn công suất lớn chiếu thẳng vào người chú. Sau đêm thứ hai bị đứng đèn, tóc chú đã bạc dần rồi bạc trắng cháu ạ".
Sau này được thả tự do, ông Thuận đã tìm ra vùng giải phóng, "về với Đảng, về với dân", rồi viết Bất khuất thuật lại quãng đời tám năm trời ròng rã trong nhà tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Ông Soát còn nhớ khi Bất khuất mới phát hành, năm 1967 ông đang học bay ở Liên Xô, ở nhà gửi sang một cuốn. Tối tối học viên có một tiếng nghe đọc Bất khuất trong giờ sinh hoạt, ai cũng rất nể phục sự kiên cường và bất khuất của người cộng sản Nguyễn Đức Thuận.
Khi buổi lễ mít tinh trang trọng kết thúc, ông cùng mọi người đứng trước cửa Nhà hát lớn xem bắn pháo hoa. Đó là lần thứ hai trong đời ông được ngắm pháo hoa, đều ở Bờ Hồ. Cảm giác sung sướng, hạnh phúc dâng ngập lòng người lính trẻ.
Thế là những năm chiến tranh gian khổ đã lùi lại phía sau. Hòa bình quý giá này phải đổi bằng xương máu của bao chiến sĩ, đồng bào, của chính người thân, bạn bè ông.
Giây phút ấy, niềm hạnh phúc vô bờ không khỏi xen lẫn chút xót xa. Đó có lẽ là cảm giác chung của cả đất nước lúc bấy giờ.
Ông Soát nghĩ về người anh trai liệt sĩ của mình, về những người bạn đã hy sinh. Những giọt nước mắt đã chảy ra khi biết rằng đất nước từ đây sẽ bước sang trang sử mới. Hạnh phúc và ấm no sẽ đến với mọi nhà.

Kể chuyện sau trận đánh. Từ trái qua: các phi công trung úy Ngô Duy Thư, trung úy Nguyễn Đức Soát, trung úy Trần Việt, trung úy Nguyễn Thanh Quý
Niềm vui của Thiếu tướng Phạm Sơn Dương
Ngày 30-4-1975 với thiếu tướng Phạm Sơn Dương (người con trai duy nhất của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cũng đặc biệt theo cách khác…
Ngày đó, ông Phạm Sơn Dương đang ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), là người lính khoa học kỹ thuật thuộc Viện Kỹ thuật quân sự (nay là Viện Khoa học công nghệ quân sự, thuộc Bộ Quốc phòng).
Sinh năm 1951, 15 tuổi vào trường thiếu sinh quân, khi cả nước tổng lực cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, ông Dương cũng muốn ra chiến trường. Ông xin với đơn vị "đi B".
Nhưng là con một, muốn đi B ông phải có thư đồng ý từ gia đình. Ông xin phép về thăm ba và trình bày nguyện vọng.

Ông Phạm Sơn Dương (phải) và ba - Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Ảnh: NVCC
Hiểu lòng con khao khát hiến dâng tuổi xanh cho Tổ quốc, muốn lao vào giữa con sóng của thời đại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết thư đồng ý cho người con duy nhất của mình vào chiến trường miền Nam.
Vậy là đúng ngày 29-3-1975 giải phóng Đà Nẵng, người lính trẻ Phạm Sơn Dương cùng năm đồng đội tham gia đoàn công tác đầu tiên của Viện Kỹ thuật quân sự đi trên máy bay Yak bay vào Đà Nẵng. Đội chia thành hai nhóm đi tiếp quản hệ thống thông tin sở chỉ huy của chính quyền cũ.
Đoàn của ông gồm ba người được phân công lên núi thuộc bán đảo Sơn Trà tiếp quản hệ thống thông tin viễn thông liên kết. Tại đây có bốn nhân viên chế độ cũ tình nguyện ở lại giúp bộ đội ta khai thác làm chủ hệ thống viễn thông liên kết đưa vào phục vụ cho chỉ huy mặt trận.
Trưa 30-4-1975, ông Dương cùng đồng đội của mình nghe tin chiến thắng qua đài phát thanh. Và hầu như ngay lập tức, ông thấy những tiếng hò reo vui sướng và tiếng súng bắn chỉ thiên ăn mừng từ phía chân núi vang vọng cả đất trời.
Lúc đó súng đạn rất sẵn do người lính chế độ cũ rút chạy vứt la liệt, nên dưới núi bộ đội bắn súng đạn lửa thay pháo hoa mừng hòa bình. Trên núi, ông Dương và đồng đội cũng dùng đạn lửa bắn chào mừng thời khắc đất nước thống nhất, mừng những ngày hòa bình im tiếng súng đang đến.
Niềm vui vỡ òa trong trái tim những người lính trẻ. Tuy ở mặt trận chưa lâu nhưng ông Dương cũng đã bao phen thấy cái chết cận kề bên mình, bên đồng đội.
Ông bảo đời bộ đội chẳng tài sản gì ngoài chiếc ba lô trên vai, vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ đi chiến đấu giành hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân nên càng thấm lắm giá trị của hòa bình.
Nhất là nền hòa bình ấy phải đổi bằng một cuộc đời chiến đấu dài của thế hệ cha chú mình đến thế hệ mình tiếp bước.
Ông Dương còn nhớ không chỉ ông và đồng đội vỡ òa trong niềm vui lớn lao của đất nước 20 năm chia cắt đau thương nay đã liền một dải, những người Việt từng ở phía bên kia cũng vui mừng không kém.
Một trong những niềm vui lớn của hòa bình với ông Dương là ngày hôm sau ông cùng đồng đội được xuống núi với nhân dân, để được tận mắt chứng kiến niềm vui vỡ bờ trong từng gương mặt các mẹ, các chị, các anh em. Để được thấy "Bắc, Nam, Trung ơi tình nghĩa mặn nồng", thấy lòng dân yêu thương bộ đội.
Và không phải không có chút xót xa trong giờ phút chiến tranh vừa kết thúc. Những vết thương chiến tranh vẫn còn in hằn trên đất nước mình, đợi những "bàn tay thân ái", những tấm lòng "không biên giới" cùng "dựng mái nhà chung".

Ông Phạm Sơn Dương (phải) trong chuyến về thăm Côn Đảo (nơi cha ông từng bị bắt tù đày) sau 30-4-1975 - Ảnh: NVCC
Hôm ấy mấy nhân viên kỹ thuật của chính quyền cũ cũng "mở tiệc" ăn mừng. Trên núi chẳng có thực phẩm gì ngoài gạo, lương khô, họ bắt cóc nấu cháo, mừng nước Việt từ nay "những con đường Nam Bắc nở hoa/ bàn tay thân ái, lòng không biên giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận