26/09/2010 03:12 GMT+7

Kỳ tích đê sông Hồng - Kỳ 1: Dời đô và đắp đê

THU HÀ - ĐỨC BÌNH
THU HÀ - ĐỨC BÌNH

TT - Ngay từ thời vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, nhà Lý (và cả các triều đại sau này) đều cho ban hành nhiều sắc lệnh, chủ trương trị thủy sông Hồng, thôi thúc việc đắp đê bảo vệ nội thành Hà Nội.

Công trình kỳ vĩ nhất, tồn tại lâu bền nhất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội chính là hệ thống đê viền quanh sông Cái - dòng sông đã kiến tạo nên nền văn minh lúa nước rực rỡ của người Việt cổ. Những bí ẩn nào liên quan đến đê sông Hồng chưa được kể ra?

o4BYL5jx.jpgPhóng to
Đê Yên Phụ những năm 1971 - Ảnh: TTXVN

Đắp đê trị thủy

Lịch sử hình thành đê bao quanh Hà Nội và cả hệ thống đê điều đồng bằng Bắc bộ chỉ bắt đầu khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Nhà Lý coi trọng nông nghiệp, nên ngay sau khi đóng đô đã ban hành nhiều sắc lệnh khuyến nông, cấm giết trâu bò, trị tội trộm trâu bò rất nặng, giữ lệ cày ruộng tịch điền có từ thời vua Lê Đại Hành... Vì vậy, việc trị thủy sông Hồng và các hệ thống sông nhánh được coi là căn cốt để duy trì nền kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Gia Quang, nguyên phó cục trưởng Cục Đê điều, cho biết khởi thủy đê chỉ là những dải đất do phù sa lắng đọng và tôn cao sau các trận lụt được nối lại với nhau để ngăn nước lũ. Ban đầu chỉ là những dải đê quai không liền mạch, mang tính làng xã, địa phương. Nhưng với sự phát triển của một nhà nước phong kiến tập quyền trung ương mạnh, bắt đầu từ nhà Lý đắp đê phòng lụt đã vươn ra ngoài khuôn khổ nhằm bảo vệ quyền lợi cục bộ cho làng xã họ hàng. Dù dời đô về Thăng Long từ năm 1010, do còn bận bịu với quá nhiều công việc về ổn định chính trị và quốc phòng nên mãi đến năm 1077, triều đình mới đứng ra chủ trương đắp những con đê quy mô to lớn.

Theo Việt sử lược: năm 1077, nhà Lý cho đắp đê sông Như Nguyệt - sông Cầu dài 67.380 bộ (khoảng 30km). Năm Quý Mùi (1103), triều Lý Nhân Tông năm thứ 32, mùa xuân tháng giêng, vua xuống chiếu cho trong và ngoài kinh thành đều phải đắp đê ngăn nước lụt.

Tháng 3 năm Mậu Tý (1108), con đê đầu tiên của sông Hồng được đắp ở phường Cơ Xá có nhiệm vụ bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Dưới đời nhà Trần, những con đê được đắp chỉ cốt giữ nước không tràn vào đồng ruộng để kịp làm vụ chiêm. Dưới triều Lê sơ, những con đê lớn hơn được đắp mới và tôn tạo trên hai bờ sông Nhị Hà được xem là sự can thiệp vào tự nhiên quá giới hạn cho phép, kết quả là sông Hồng trở nên hung dữ, đã bùng vỡ và gây ngập lụt triền miên.

Yên dân để giữ nước

Các chuyên gia thủy lợi, đê điều giải thích đê có từ thời vua Hùng, xuất hiện ở Phong Châu (Phú Thọ). Khi đó lũ lên ngập đồng ruộng thì người dân đã đổ đất, tôn ruộng lên cao, cứ mỗi năm tôn thêm một chút. Đó gọi là “thổ nhô”. Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh cũng từ đó mà ra.

Nhà Nguyễn hiểu rằng muốn tranh thủ lòng dân không có gì khác hơn là tạo an cư lạc nghiệp. Năm Quý Hợi (1803) vừa mới lên ngôi vua Gia Long đã hỏi han về lụt lội. Sau khi nghe quan lại Bắc thành tâu: “Thế nước sông Nhị Hà lên tất mạnh. Đê tả hữu thuộc Tây Sơn, Kinh Bắc, Sơn Nam thượng, hạ nhiều chỗ vỡ lở. Xin cho dân đắp ngay để chống lụt mùa thu. Thủy đạo các trấn nhiều nơi úng tắc, xin hạ lệnh cho trấn thần (quan các trấn) tùy thế khơi vét”, nhà vua đã cho xây đắp bảy đoạn đê mới ở Bắc bộ, chi tiêu hết 80.400 quan tiền.

Năm ấy nhà vua còn hạ lệnh cho quan lại sĩ thứ Bắc thành điều trần lợi hại: “Làm lợi, bỏ hại là việc trước tiên của chính trị. Những huyện ở ven sông trong địa phương các người từ trước đã đắp đê phòng lụt. Song nhân tuần đã lâu, hễ đến mùa lụt thì đê vỡ lở, lúa ruộng bị ngập, người và vật đều bị hại. Bọn người, kẻ thì sinh ở đó, người thì làm ăn ở đó. Thế đất tình người đã từng am thuộc. Vậy đắp đê hay bỏ đê, cách nào hại, cho được bày tỏ. Lời bàn mà có thể thực hành sẽ được nêu thưởng”.

Suốt thời gian trị vì, vua Gia Long vẫn kiên trì cho đắp đê. Năm Giáp Tý (1804), vua sai quan lại Bắc thành lấy dân đi sửa - đắp đê, sau lại sai quan trong triều là Võ Trinh đi trông coi. Vua dụ rằng: “Việc phòng luật rất quan hệ, lợi hại đến đời sống của dân, trẫm rất chú ý, người (tức Võ Trinh) phải cẩn thận”.

Năm Bính Dần (1806), nhà nước bỏ ra 95.200 quan tiền để đắp 12 đoạn đê mới ở Bắc bộ. Năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long cho đắp thêm 10 đoạn đê mới tại các nơi như Sơn Nam thượng tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang, tổng cộng 1.500 trượng (1 trượng bằng 0,4m dài).

Năm 1809, theo lời tấu của đô chính Bắc thành, vua cho đắp thêm hai đoạn đê mới và tôn cao hai đoạn đê cũ, chi phí hết 87.000 quan tiền.

Cũng năm này nhà vua đặt chức quan đê chính Bắc thành (coi về đê điều Bắc bộ), cử binh bộ thượng thư Đặng Trần Thường làm tổng lý và quan tham chính bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu làm tham lý và dụ rằng: “Sông có đê, đời sống của dân quan hệ ở đó. Bọn người đi phải nên kính cẩn”.

Bắt đầu từ năm 1809, triều Nguyễn quy định cứ tháng 10 âm lịch hằng năm các quan phủ, huyện, trấn phải lần lượt đến khám, quan đê chính khám lại. Đê nào nên sửa đắp thì xét định công trình lớn hay nhỏ. Nếu là công trình lớn thì sai người hợp cùng trấn (thuở ấy toàn Bắc bộ gọi là Bắc thành gồm có bốn thị trấn là tỉnh) thuê dân làm. Đều khởi công vào tháng giêng hoặc tháng 2, đến tháng 4 phải xong. Tháng 9 cùng năm ban hành điều lệ về đê điều ở Bắc bộ, trong đó quy định chi tiết về quy mô, nguồn nhân lực từng loại đê và chi tiết đến cả giá thành từng trượng, thước đất đắp đê.

Vua Minh Mạng cực kỳ nghiêm khắc, chẳng những duy trì luật lệ thưởng phạt về đê điều từ triều Gia Long để lại mà còn bổ sung chặt chẽ và thực hiện gắt gao hơn. Năm 1827, vua cách chức hiệp trấn Sơn Nam của Ngô Huy Viện. Nguyên trước đó trấn thủ cũ là Lê Công Lý và tham hiệp trấn Vũ Tiến Huân thuê dân đắp đê ở huyện Duy Tiên đã dời đống nọ, đổi đoạn kia không đúng thức. Ngô Huy Viện bị cách chức, Vũ Tiến Huân bị đánh 100 trượng và phát đi làm lính cơ. Lê Công Lý tuy đã chết vẫn bị thu lại bằng sắc.

Vua cho rằng: “Việc đê quan hệ tới việc làm ruộng không nhỏ. Công việc sửa đắp, triều đình vốn không tiếc phí, làm không đúng cách thức là lỗi Hữu Ty”. Vua Minh Mạng còn dụ thêm rằng: “Đắp đê là chống nước lụt cho dân yên ở, quan hệ lợi hại không nhỏ”.

Dưới triều Minh Mạng từ năm 1820-1840, hầu như năm nào cũng có các công cuộc trị thủy ở Bắc kỳ. Có những công trình đại quy mô huy động đến hàng vạn người, cả dân phu và binh lính.

30 năm đầu triều Nguyễn đã đắp 580km đê mới.

__________

Có những năm “thủy tặc” thắng Sơn Tinh gây nên những trận lũ lụt, vỡ đê được sử sách ghi lại đến nay vẫn làm bàng hoàng bao người...

Kỳ tới: Những trận vỡ đê lịch sử

THU HÀ - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên