Chương trình tư vấn trực tiếp “Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy các trường phía Bắc” diễn ra tối 7-1 - Ảnh chụp màn hình
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thực hiện với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup, diễn ra trên Zoom và được phát đồng thời trên Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn), kênh YouTube báo Tuổi Trẻ và fanpage Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ (https://www.facebook.com/TVTS.tuoitre).
Sức nóng của phương thức xét tuyển mới
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có nhiều đợt thi từ tháng 3 đến tháng 8-2022 nhưng ông khuyên thí sinh không nên đăng ký thi nhiều lần gần nhau.
"Nghiên cứu về đo lường của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy một học sinh dự thi nhiều lần gần nhau, kết quả không thay đổi nhiều do thiết kế bài thi đánh giá năng lực khác với bài thi kiểm tra kiến thức thông thường, không chỉ kiểm tra kiến thức thuần túy mà kiểm tra nhiều năng lực khác nhau. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng quy định nếu thí sinh đã dự thi và muốn thi lại thì phải chờ sau 28 ngày mới có thể đăng ký đợt tiếp theo" - ông Thảo nói.
PGS.TS Vũ Duy Hải - phó trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết tới thời điểm hiện tại, có khoảng 10.000 học sinh đã đăng ký tham dự thi thử bài thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của học sinh cuối cấp THPT rất lớn.
Ngày càng nhiều trường sử dụng kết quả
Giải đáp mối quan tâm của nhiều thí sinh rằng việc kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy có được sử dụng để xét tuyển vào các chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng không,
PGS.TS Chu Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên - khẳng định phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực là hướng tin cậy để trường hy vọng có thể tuyển được những sinh viên có năng lực.
Theo ông Thảo, tới thời điểm hiện tại có trên 50 cơ sở đào tạo đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Năm 2022, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 7 đợt thi với số lượng thí sinh đăng ký có thể lên tới khoảng 100.000. Ngoài ra, cơ sở này có thể sẽ phối hợp với các trường khác tổ chức thi theo hướng ĐH Quốc gia Hà Nội cung cấp phần mềm, quy trình, đề thi và giám sát.
Bài thi đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội có 150 câu hỏi, tổng thời gian làm bài 195 phút. Cấu trúc bài thi gồm ba phần. Phần một là tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi về toán học, thống kê và xử lý số liệu dưới dạng trắc nghiệm. Phần hai là tư duy định tính với 50 câu hỏi về văn học - ngôn ngữ cũng dưới dạng trắc nghiệm. Phần 3 gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội.
Trong khi đó, bài thi đánh gia tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, hiểu biết về khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật và năng lực tiếng Anh của học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận