Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: T.HUỲNH
Sau 4 năm thực hiện, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đã tạo được sự tin tưởng từ thí sinh và các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Quy mô kỳ thi được mở rộng, số trường sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh cũng tăng nhanh.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, kinh nghiệm của ĐH Quốc gia TP.HCM về công tác khảo thí, đánh giá là cơ sở tốt để đóng góp cho những đổi mới, cải tiến của toàn ngành. ĐH Quốc gia TP.HCM luôn đi đầu về đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng.
"Từ năm 1999, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thành lập Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo và thực hiện đề án tuyển sinh riêng. Từ cuối năm 2012 chúng tôi đã tiến hành một loạt các nghiên cứu về đổi mới tuyển sinh. Từ năm 2016, đề án xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh ĐH tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Từ năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM bắt đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và sử dụng kết quả kỳ thi này như một trong số nhiều phương thức tuyển sinh. Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham dự, kỳ thi đánh giá năng lực được thực hiện theo định hướng: thi tập trung, bài thi trên giấy với 1 bài thi tổng hợp theo hình thức trắc nghiệm khách quan" - ông Chính chia sẻ.
TS Phan Hồng Hải - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM luôn phối hợp tốt với các đơn vị khác để tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hằng năm. Trong đó, việc phối hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức kỳ thi tại nhiều địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin: hệ thống đăng ký dự thi, hệ thống quản lý ngân hàng câu hỏi, hệ thống chấm thi, hệ thống quản lý kết quả thi...
Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi được triển khai một cách khoa học với các quy trình, quy định được ban hành chi tiết, sử dụng cơ sở vật chất và phần mềm chuyên dụng để đảm bảo sự phù hợp, độ giá trị của đề thi cũng như đảm bảo tính an toàn, bảo mật cho kỳ thi.
"Phân bố điểm của kỳ thi đánh giá năng lực qua các năm đều có dạng phân bố chuẩn và có sự tương đồng cao; kết quả thi có tính phân hóa cao, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh ĐH" - ông Hải nhận định.
Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - lại cho rằng: "Thực tế cho thấy đa số học sinh THPT ở vùng khó khăn không thể ra các thành phố lớn để thi năng lực. Điều đó rõ ràng đã ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh".
Về việc này, TS Nguyễn Quốc Chính cho hay theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực 2022 sẽ được tổ chức 2 đợt: đợt 1 vào cuối tháng 3-2022 và đợt 2 vào đầu tháng 7-2022.
"Thí sinh tham gia đăng ký dự thi sẽ thực hiện đăng ký online tại cổng thông tin đăng ký trực tuyến kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Sau khi đăng ký thành công, thí sinh tương tác với kỳ thi qua cổng thông tin này như: xem thông tin liên quan đến kỳ thi, đóng lệ phí, in giấy báo dự thi và xem kết quả thi..." - ông Chính cho biết thêm.
ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT địa phương để mở rộng phạm vi kỳ thi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh tham dự kỳ thi.
TS Nguyễn Quốc Chính
Thực hiện "nhóm tuyển sinh chung"
Về công tác xét tuyển, ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp thông tin về kết quả thi đánh giá năng lực, thực hiện xác nhận kết quả thi theo yêu cầu của các đơn vị. Hiện tại, hệ thống đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xét tuyển đang được triển khai thống nhất cho các đơn vị trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong khi đó, theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, những năm qua ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ cung cấp thông tin về kết quả thi cho các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tuy nhiên việc xét tuyển vẫn còn hạn chế do tình trạng thí sinh ảo...
Để khắc phục tình trạng này, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: "Theo yêu cầu của nhiều đơn vị ngoài hệ thống, từ năm 2022 ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ trao đổi với các trường để cùng thống nhất phối hợp thực hiện "Nhóm tuyển sinh chung", sử dụng chung tài nguyên là hệ thống đăng ký xét tuyển, lọc ảo, xét tuyển".
Cũng theo ông Chính, hệ thống quy định, quy trình, hướng dẫn tổ chức thi đánh giá năng lực hiện khá rõ ràng, thuận tiện cho việc phối hợp với nhiều đơn vị trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố. Công tác tổ chức thi kỳ thi đánh giá năng lực được thực hiện theo cơ chế hội đồng với các ban chức năng, theo đó mỗi đơn vị tổ chức thi sẽ cử đại diện tham gia hội đồng thi.
Việc tổ chức thi được triển khai theo quy trình, quy định và các văn bản thống nhất, do hội đồng thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành. Với sự phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm cao của các đơn vị trong và ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, công tác tổ chức thi đánh giá năng lực được triển khai tốt, đảm bảo an toàn, đúng quy chế.
Năm 2023 sẽ có trung tâm khảo thí độc lập
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, ngay từ khi xây dựng đề án kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2016, ĐH Quốc gia TP.HCM đã xác định lộ trình phát triển của trung tâm khảo thí: đầu tư có trọng điểm, xây dựng và phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ chuyên gia, các quy trình, quy định... từng bước trở thành trung tâm khảo thí độc lập và chuyên nghiệp. "Đến năm 2023 trung tâm sẽ trở thành đơn vị độc lập, tự chủ toàn phần" - ông Chính nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận