21/05/2022 08:24 GMT+7

Kỷ nguyên thanh toán không tiền mặt

A.HỒNG - N.BÌNH - Đ.THIỆN
A.HỒNG - N.BÌNH - Đ.THIỆN

TTO - Cứ 100 người trưởng thành có đến 66 người có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Việc số hóa dịch vụ và tác động của dịch COVID-19 đã giúp thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu và ưu tiên hàng đầu của người dùng.

Kỷ nguyên thanh toán không tiền mặt - Ảnh 1.

Ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc triển khai thẻ tín dụng nội địa giữa Napas - Sacombank - NextPay - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - đã khẳng định như vậy tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2022 do Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức ngày 20-5.

Đặc biệt, đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).

Nhiều lựa chọn cho người dùng

Ông Nguyễn Minh Tâm, phó tổng giám đốc Sacombank, cho hay sau dịch COVID-19, hoạt động thanh toán không tiền mặt vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của người dùng, diễn ra trên mọi phương diện và có tốc độ tăng đều khắp mọi nơi chứ không riêng ở khu vực đô thị. Như với Sacombank, các giao dịch thanh toán không tiền mặt ở vùng sâu xa phía Bắc tăng tới 98%.

"Trước đây, nhiều người còn ngại ngùng với thanh toán không tiền mặt, chủ yếu theo phương thức COD (nhận hàng - trả tiền) nhưng theo thống kê sau dịch, không chỉ với Sacombank mà trên thị trường thanh toán không tiền mặt đều tăng rất nhanh. Có thể xem đây là thời cơ, kỷ nguyên của thanh toán không tiền mặt", ông Tâm nói.

Bên cạnh các phương thức thanh toán không tiền mặt truyền thống, các ngân hàng, công ty thanh toán cũng đẩy mạnh triển khai các phương thức mới để tiếp cận người dùng.

Ông Nguyễn Đăng Hùng, phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết vào tháng 6-2021, thời điểm dịch COVID đang hoành hành, NAPAS đã phối hợp với nhóm ngân hàng đầu tiên triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh 247 qua mã VietQR. Đến nay kết quả đạt được khá ấn tượng với 56.000 tỉ đồng được thực hiện qua dịch vụ chuyển tiền VietQR.

Tốc độ tăng trưởng đến 45-50% mỗi tháng, trở thành dịch vụ tăng trưởng lớn nhất, gấp 7 lần các dịch vụ khác mà NAPAS đang xử lý.

Cũng theo ông Hùng, NAPAS đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các ngân hàng trong việc tham gia dịch vụ chuyển tiền qua mã QR. Đã có 36 ngân hàng có thể đọc được các mã QR của nhau, người dùng các ngân hàng này có thể thanh toán, chuyển khoản với nhau qua mã VietQR dễ dàng.

"Không chỉ các ngân hàng, chúng tôi cũng đang làm việc với các nhà mạng viễn thông, các trung gian thanh toán và ví điện tử triển khai thanh toán qua mã QR. Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng dịch vụ không chỉ chuyển tiền mà còn thanh toán qua mã QR.

NAPAS cũng đang phối hợp với tổ chức chuyển mạch Thái Lan để thực hiện việc thanh toán xuyên biên giới qua mã QR, trước khi mở rộng thêm nhiều quốc gia khác", ông Hùng nói.

Kỷ nguyên thanh toán không tiền mặt - Ảnh 2.

Người dùng được bảo vệ

Sau 4 tháng triển khai Mobile money, theo ông Lê Anh Dũng, đến nay đã có 1,1 triệu tài khoản Mobile money được mở mới. Trong thời gian qua không xảy ra rủi ro gì đáng tiếc và Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng hành cùng Bộ TT&TT, Bộ Công an để thúc đẩy phát triển hơn nữa Mobile money, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.

"Theo thống kê, đã có hơn 60% người dùng Mobile money ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo", ông Dũng nói và cho biết một trong những điều kiện để phát triển Mobile money là tạo điều kiện cho nhà mạng tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển tập khách hàng.

Đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị so với cuối năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021...

Để đạt được những con số ấn tượng như trên, ông Dũng cho biết ngành ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai các công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm.

Trả lời câu hỏi về việc một bộ phận người dân còn tâm lý e ngại với phương thức thanh toán không tiền mặt, bà Hoàng Thanh Nhàn, vụ phó Vụ Truyền thông NHNN, cho rằng chủ yếu là người có tuổi hoặc ở vùng sâu vùng xa. Cũng có thể lo lắng về cơ sở pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng hoặc chưa có cơ hội để trải nghiệm dịch vụ.

"Các ngân hàng luôn đổi mới, nâng cấp sản phẩm, dịch vụ để mang những giá trị tiện ích và luôn có cơ chế để bảo vệ cho người tiêu dùng.

Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp tổ chức các chương trình truyền hình hoặc các báo, trong đó có báo Tuổi Trẻ với chương trình Ngày không tiền mặt để có thể có những hướng dẫn sao cho đơn giản, dễ sử dụng để ngay cả người dân ở vùng sâu vùng xa cũng có thể áp dụng và có thể thực hành được", bà Nhàn khẳng định.

Phiên chợ đặc biệt dành cho công nhân

NP_khongtienmat_3b 2(Read-Only)

Khách hàng thanh toán bằng ví điện tử tại một cửa hàng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Xuân Toàn, ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết một trong những hoạt động nổi bật của chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm nay là Phiên chợ không tiền mặt, được phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tổ chức cùng sự đồng hành của các nhà cung ứng, các ngân hàng...

Phiên chợ dự kiến diễn ra tại Khu công nghệ cao TP.HCM và Khu chế xuất Tân Thuận lần lượt trong ngày 4 và 12-6, từ 9h sáng đến 20h.

Công nhân ở đây sẽ được trải nghiệm những phương thức thanh toán không tiền mặt, mua sắm các mặt hàng thiết yếu như mắm, muối, cá, thịt tươi sống... bằng hình thức thanh toán không tiền mặt.

Với mỗi hóa đơn thanh toán không tiền mặt, người mua hàng sẽ được ưu đãi, giảm giá trực tiếp đến 30-40%.

Theo ông Toàn, phiên chợ không tiền mặt đến với công nhân xuất phát từ hình ảnh cứ đến cuối tháng, các cây ATM trong khu công nghiệp thường chứng kiến cảnh công nhân xếp hàng dài chờ đợi rút tiền để mua sắm, tiêu dùng.

"Ban tổ chức sẽ bố trí quầy tư vấn, giúp công nhân, những người có tài khoản ngân hàng nhưng chưa từng làm quen với hình thức mua hàng, trải nghiệm thanh toán không tiền mặt", ông Trần Xuân Toàn thông tin.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết cá nhân rất thích thú những nền tảng, ứng dụng thanh toán, mua sắm trực tuyến.

"Để phòng chống dịch, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp không tiếp xúc trong khi mua sắm hàng hóa vẫn diễn ra. Điều này cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng chuyển đổi nhưng các đơn vị cũng phải cung cấp được những dịch vụ tốt nhất, tiện lợi", ông Vũ nói.

Bắt tay hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Cũng tại họp báo, Napas, Sacombank và NextPay đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ tài chính cho các chủ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ thông qua thẻ tín dụng nội địa. Theo đó, các chủ DN sử dụng dịch vụ của NextPay có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng từ Sacombank thông qua việc phát hành thẻ tín dụng nội địa NAPAS.

Đây là sản phẩm được thiết kế dành riêng cho các chủ DN, với đầy đủ các tính năng của thẻ tín dụng nội địa từ rút tiền mặt, thanh toán tại POS, thanh toán trả góp với lãi suất thấp, đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phục vụ các hoạt động kinh doanh.

Chủ thẻ cũng được hưởng các ưu đãi trong hệ sinh thái các đơn vị thuộc liên minh chuyển đổi số của NextTech và những ưu đãi dành riêng từ Sacombank và NAPAS.

Chia sẻ về việc hợp tác này, ông Nguyễn Đăng Hùng - phó tổng giám đốc NAPAS - cho biết thẻ tín dụng nội địa là giải pháp tài chính giúp DN bổ sung nguồn vốn và là phương tiện thanh toán giúp quản lý chi tiêu ngân sách của DN được hiệu quả hơn.

Đến nay, NAPAS đã hoàn thành triển khai thẻ tín dụng nội địa với 10 tổ chức thành viên gồm: Agribank, VietinBank, ACB, Bảo Việt Bank, HDBank, Sacombank...

"Với những giải pháp cụ thể cùng những cam kết chung giữa NAPAS, Sacombank và NextPay, chúng tôi tin tưởng thẻ tín dụng nội địa sẽ tiếp tục phát triển và đem lại nhiều lợi ích cho các chủ DN vừa và nhỏ, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và đẩy lùi tín dụng đen...", ông Hùng khẳng định.

Khuyến mãi 100%!

Chuỗi hoạt động Ngày không tiền mặt 2022 còn được cộng hưởng bởi chương trình Khuyến mãi tập trung - Mùa mua sắm "Shopping Season" vừa được UBND TP.HCM ban hành kế hoạch triển khai, sẽ diễn ra từ ngày 15-6 đến 15-7.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, đây là hoạt động được TP.HCM xác định để kích cầu tiêu dùng, vực dậy kinh tế TP sau mùa dịch. DN tham gia chương trình có thể tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi với hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi lên tới 100% thay vì chỉ mức 70% theo quy định.

"Không chỉ DN được khuyến mãi hết khung 100% mà nếu người tiêu dùng thanh toán KTM khi mua hàng còn được chiết khấu, tặng quà, ưu đãi nhiều hơn. Sự cộng hưởng này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng tăng cường mua sắm, nhưng vẫn tiết kiệm được chi tiêu và mua sắm những hàng hóa chất lượng cao", ông Vũ khẳng định.

Cũng trong chương trình, 4 chuyến xe KTM xuất phát từ Hà Nội vào ngày 19-6 sẽ ghé đến nhiều địa phương như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và về TP.HCM vào ngày 3-7. Tại các điểm dừng, người dân có thể tìm hiểu rõ hơn về thanh toán không tiền mặt, vừa có thể tham gia các hoạt động trải nghiệm để nhận các phần quà từ các nhà tài trợ.

Ba điểm dừng là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM sẽ có thêm nhiều hoạt động sân khấu, tọa đàm, kết hợp với các chương trình trải nghiệm dành cho người quan tâm, khảo sát ý kiến...

Nhiều chương trình ưu đãi "khủng"

QD_Xang_ATM_1 2(Read-Only)

Khách hàng đã có thể thanh toán không tiền mặt tại cửa hàng xăng dầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập ví điện tử MoMo, cho biết sẽ triển khai khá nhiều hoạt động đồng hành và tuyên truyền cho sự kiện. Chẳng hạn, MoMo phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi với chủ đề tài chính.

Giải thưởng sẽ là các phần quà giá trị như: sổ tiết kiệm online, bao lì xì, voucher giảm giá cho các dịch vụ tài chính trên MoMo. Ví điện tử này cũng sẽ mang đến các chương trình khuyến mãi tại phiên chợ không tiền mặt của báo Tuổi Trẻ như vòng quay hoàn tiền giúp người tham gia sự kiện đổi các hóa đơn mua sắm thành lượt quay để trúng các thẻ quà từ MoMo...

Theo bà Nguyễn Phương Huyền - phó giám đốc khối cá nhân kiêm giám đốc khách hàng cá nhân Sacombank, ngân hàng này sẽ đồng hành với 3 hoạt động chính gồm: chương trình ưu đãi dành cho người tiêu dùng, nghiên cứu các triển khai mới của Sacombank về các sản phẩm, công nghệ mới; các hoạt động lan tỏa cho Ngày không tiền mặt 2022.

Hưởng ứng sự kiện Ngày không tiền mặt năm nay, Sacombank dành ngân sách đến 20 tỉ đồng ưu đãi các nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng trong tất cả các lĩnh vực mua sắm, ẩm thực, du lịch...

"Để chuẩn bị cho ngày không tiền mặt, chúng tôi đã đẩy nhanh tiến độ hợp tác với rất nhiều hệ sinh thái để áp dụng các chính sách ưu đãi dành cho người tiêu dùng với mức từ 30-50%, đặc biệt là cho hoạt động du lịch bởi chúng tôi đánh giá lĩnh vực này sẽ khởi sắc sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Và đây là thời điểm chúng ta có thể áp dụng các công nghệ mới, mở rộng hệ sinh thái để cung ứng các nhu cầu thiết yếu nhất của người tiêu dùng", bà Huyền nói.

HDBank cũng triển khai các ưu đãi trên ứng dụng di động như: hoàn 50% giá trị giao dịch cho 500 khách hàng đầu tiên giao dịch trong khung giờ vàng; tặng 300.000 đồng cho 20 khách hàng có số lượng giao dịch nhiều nhất; giảm 50% đặt vé máy bay và đặt hoa; tích lũy đổi điểm nhận quà.

Đối với thẻ tín dụng, ngân hàng này ưu đãi giảm giá lên đến 50% cho khách hàng khi mua vé máy bay, bất động sản, ăn uống... Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.opsmile (thuộc Saigon Co.op) sẽ tổ chức giảm giá từ 15-50% cho hơn 10.000 sản phẩm, ưu tiên cho khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng, chuyển khoản, ví điện tử...

Ví điện tử ShopeePay tặng gói ưu đãi trị giá lên đến 300.000 đồng cho người dùng lần đầu thanh toán bằng ví ShopeePay trên ứng dụng Shopee. Cũng trong dịp này, Shopee triển khai chương trình "Gì cũng rẻ, Mua là freeship" ưu đãi miễn phí vận chuyển, hàng ngàn sản phẩm có mức giảm đến 50% cùng bộ sưu tập sản phẩm đồng giá 1.000 đồng, 9.000 đồng và 99.000 đồng...

Thanh toán không tiền mặt phát huy mạnh hơn sau dịch COVID-19 Thanh toán không tiền mặt phát huy mạnh hơn sau dịch COVID-19

TTO - Sở Công thương TP.HCM cho biết mua sắm trực tuyến cùng các phương thức thanh toán không tiền mặt xuất hiện kịp thời đã giải quyết các bài toán tiêu dùng trong dịch COVID-19. Và đến nay đã đi vào cuộc sống thường nhật.

A.HỒNG - N.BÌNH - Đ.THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên