18/10/2016 09:57 GMT+7

Kỳ cuối: Những phận người mưu sinh bên lề bàn nhậu

NGỌC HIỂN - HỮU KHOA, NGOCHIEN@TUOITRE.COM.VN
NGỌC HIỂN - HỮU KHOA, NGOCHIEN@TUOITRE.COM.VN

TTO - Những lần trò chuyện chớp nhoáng trong quán nhậu, người bán vé số tật nguyền, cô bán trứng cút lộn, anh phục vụ bàn, cụ già bán trái cây... đã dạy cho chúng tôi một bài học lớn về cách làm nghề, làm người.

*** Error ***
Bà Nhung đội mưa, nở nụ cười nhân hậu đẩy gánh hàng rong trở về nhà sau khi bỏ ra 10.000 đồng mua giúp chúng tôi một cây kẹo - Ảnh: THUẬN THẮNG

Nếu không mang trong mình phận kẻ hát rong thì chắc sẽ không bao giờ chúng tôi có thể bắt gặp được nụ cười nhân hậu của người bán vé số tật nguyền, cái xoa đầu của cô bán trứng cút lộn hay những cái vỗ vai an ủi của anh phục vụ bàn, cụ già bán trái cây giữa đêm mưa Sài Gòn...

Với họ, chúng tôi là “đồng nghiệp” lương thiện, cùng kiếm đồng tiền bát gạo, mưu sinh bên những bàn nhậu.

Những lần trò chuyện chớp nhoáng trong quán nhậu, họ đã dạy cho chúng tôi một bài học lớn về cách làm nghề, làm người, dù là cái nghề mà họ tự nhận là “hạ đẳng”...

Tấm lòng người đồng cảnh

Sài Gòn những đêm mùa mưa hiếm khi trời vắng tạnh, mưa rơi lác đác là chúng tôi lại chịu cực vác loa xuống đường. Mới hát quán đầu tiên trên đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một bà cụ khuôn mặt đôn hậu chậm rãi đến bên chúng tôi mua một vỉ kẹo.

“Bà mua mở hàng cho hai đứa, mưa thì mưa, bà chúc hai đứa mua may bán đắt nhé” - cụ nói. Tôi cúi đầu nhận tiền, bà vừa cười hiền vừa xoa đầu tôi rồi trở vào ngồi dưới mái dù bên quán nhậu.

Gần 22g, chúng tôi hát ở quán nhậu khác cũng trên đường Chu Văn An, một bà cụ mặc chiếc áo mưa lom khom bưng rổ trái cây, nem tré vào quán mời khách. Chúng tôi giật bắn mình khi nhận ra người mua kẹo “mở hàng” cho chúng tôi chính là bà cụ bán hàng rong nhăn nheo đang đứng trước mặt mình. Cụ lủi thủi đến từng bàn, chìa chiếc rổ ra mời người này đến người khác.

Bán xong, bà lại bên chúng tôi hỏi han: “Sao hai đứa không mặc áo mưa như bà, dầm mưa hoài ốm chứ không giỡn đâu”. Bà bảo mình tên Nhung, năm nay 74 tuổi và đã đi bán hàng rong được hơn một năm.

Cơn mưa đêm Sài Gòn như thêm nặng trĩu khi chúng tôi lắng nghe lời bà: “Bà già rồi, bệnh tật nhiều, chân tay cũng yếu lắm nhưng nắng mưa gì cũng phải đẩy xe đi mới có chén cơm. Thấy hai đứa cực khổ bà thương lắm, mình giúp nhau lấy hên, ra đường còn gặp nhau hoài mà, cố lên nhé”.

20g một ngày đầu tháng 10, chúng tôi say sưa hát phục vụ khách tại một quán nhậu bình dân trên đường Phạm Văn Đồng. Bên ngoài quán, có một người đàn ông tật nguyền đi trên chiếc xe lăn có đề tấm biển “vé số” đứng xem chăm chú.

Hát đến bài thứ ba, anh ta vẫn đắm đuối vừa nghe hát, vừa gật gù theo nhịp. Bất chợt, anh vẫy tay gọi tôi rồi nói lớn: “Em bán gì đó để anh mua ủng hộ. Thằng bạn em nó ca y chang ca sĩ Đan Nguyên làm anh mê quá. Anh cũng mê hát lắm đó nhưng với cặp chân thế này thì đành chịu”.

Nói rồi anh bỏ ra 10.000 đồng mua một vỉ kẹo, bằng tiền lời của năm tờ vé số. Chưa biết đêm nay người đàn ông ấy đã bán được bao nhiêu tờ vé số rồi nhưng hành động đó khiến chúng tôi muốn khóc, nhất định tặng anh kẹo không lấy tiền.

Tuy nhiên, anh khăng khăng trả tiền rồi nói: “Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, ai cũng vì miếng cơm mà ra đường kiếm sống. Quan trọng là mình cùng cảnh ngộ, đồng cảm, chia sẻ với nhau là được”. Ít phút trò chuyện trước quán nhậu, anh cho chúng tôi biết mình ở cuối một con hẻm trên đường Tam Bình (Q.Thủ Đức).

Một đêm mưa tầm tã sau đó, chúng tôi tìm về Tam Bình, tìm vào đúng con hẻm ấy để gặp anh. Anh tên là Nguyễn Văn Dũng (47 tuổi) quê ở Lâm Đồng. Anh bị khuyết tật chân, xuống Sài Gòn mưu sinh hơn chục năm nay.

Anh kể những đêm bán về khuya, các anh em phục vụ dọc các quán nhậu ở đường Phạm Văn Đồng đều để phần cơm, bánh mì, thịt thừa từ những bàn nhậu để anh đem về lót dạ. “Mấy thứ đó không đáng bao nhiêu nhưng nhiều khi cầm ổ bánh mì mà anh vừa ăn vừa nuốt nước mắt” - anh Dũng nói.

Nước mắt hàng rong

Phần lớn quán nhậu tại đường song hành xa lộ Hà Nội (Q.2) đều “cấm cửa” kẹo kéo. Chỉ một vài quán cho vào bán kẹo nhưng tuyệt đối không được bật công tắc loa hát dù là nửa câu. Nhiều lần chúng tôi thử hát mà không có nhạc nhưng chẳng vị khách nào mua kẹo.

Thấy chúng tôi cầm cả hộp kẹo rời quán, một người phụ nữ dáng vẻ gầy gò nhưng có khuôn mặt đôn hậu đến bên chúng tôi nói: “Ở đây họ không cho hát đâu hai con, trước hát được nhưng giờ cấm là vì ồn ào, khách gọi món quán không nghe được là khách la”.

Người phụ nữ đó là cô Nguyễn Thị Tuyền (49 tuổi, quê ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) vào Sài Gòn kiếm sống đã được chục năm. Đêm nào cũng thế, cô Tuyền tay nách chiếc rổ với đủ thứ hàng nào trứng cút, đậu phộng rang, cóc, xoài, ổi, nem, chả, tré... đi mời khách dọc các quán nhậu.

Vùng đất Mộ Đức vốn nổi tiếng cả nước bởi người dân xứ này vào Nam ra Bắc đều mang theo cái nghề hủ tiếu gõ. Nhưng riêng cô Tuyền lại vào Nam đi bán hàng rong. Thấy chúng tôi tò mò, cô Tuyền phân trần: “Hồi đó có người quen dắt vào, rồi người đi trước rước người đi sau, chẳng biết từ khi nào lại có một nhánh rẽ sang đi bán hàng quán nhậu mà từ bỏ hẳn nghề hủ tiếu gõ”.

Vào Sài Gòn một thời gian, chồng cô Tuyền cũng biệt xứ theo vợ nhưng lại làm nghề xe ôm. Dù sống trong này nhưng hai vợ chồng vẫn làm hai sào lúa ở quê, cứ đến mùa lại khăn gói về gieo cấy, gặt hái. Sống trong một căn nhà trọ chật chội trên đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh), cô Tuyền cho biết đó là xóm trọ đồng hương. Cả chục người thuê trọ, chủ trọ đều quê Quảng Ngãi và bán hàng rong quán nhậu.

Ban đêm bán đến tận 1g sáng, ban ngày cô Tuyền lại đi phục vụ tại một quán cơm trên đường Kỳ Đồng (Q.3). Cứ như thế chục năm nay, cuộc sống người phụ nữ này gần như không có những giấc ngủ trưa. “Cực lắm con ơi, mình ở quê thì sao cũng được nhưng đã vô Sài Gòn rồi phải vắt chân lên cổ mà chạy, gắng hết sức làm mới nuôi thân được, có mấy người phải bán đến tận 4-5g sáng đó, còn khách là còn bán” - cô Tuyền nói.

Bán buôn ngày được, ngày mất nhưng với cô Tuyền buồn nhất là khi gặp những vị khách mời nhưng không trả lời, thậm chí họ còn hất hủi cô. Có những đêm mưa cô rời khỏi những quán nhậu thưa khách mà nước mắt rưng rưng vì tủi phận.

“Mấy con cũng như cô thôi, cũng vì đồng tiền mà đến những chỗ khách họ ăn uống nhậu nhẹt để kiếm sống. Nhưng đời có nhiều người sung sướng mà sao mình lại khổ quá vậy không biết”. Nói xong cô Tuyền bật khóc, những giọt nước mắt của thân phận hàng rong làm chúng tôi đau nhói...

Đêm chạy bàn, ngày đi học

Họ không đi hát, cũng không bán buôn gì nhưng vẫn gọi chúng tôi là “đồng nghiệp”. Đó là những sinh viên chạy bàn ở các quán nhậu dọc đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa - Trường Sa, Trần Não... Có hôm khách thuê loa, chúng tôi “chôn chân” ở một quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng gần hai tiếng.

Thấy chúng tôi đứng quá lâu, một phục vụ bàn dáng vẻ thư sinh tên Hồ mang ra hai chiếc ghế rồi chạy vào pha hai ly nước mát đưa tận tay chúng tôi. Thấy chúng tôi ngần ngại, Hồ nói: “Không sao đâu, mình anh em đồng nghiệp với nhau mà, các anh cứ ngồi đó cho đỡ mỏi, cần thêm nước cứ nói em”.

Hồ quê ở Thanh Hóa, hiện là sinh viên năm 2 một trường cao đẳng tại Thủ Đức. Hồ cho biết ở nhà làm nông, tiền bạc mỗi tháng cha mẹ gửi vào không được bao nhiêu nên từ khi mới nhập học đã phải bươn chải đủ nghề. Hồ mới đến phục vụ ở quán nhậu này được vài tháng, cứ mỗi ngày làm từ 17g-0g là được trả lương “cứng” 2 triệu đồng/tháng.

Những tháng hên có khách “bo” nhiều, cả quán chia nhau, tính ra mỗi người cũng thêm khoản tiền bằng hoặc hơn tiền lương. Quán của Hồ có 10 phục vụ nhưng hết sáu người đang là sinh viên.

“Mấy con cũng như cô thôi, cũng vì đồng tiền mà đến những chỗ khách họ ăn uống nhậu nhẹt để kiếm sống. Nhưng đời có nhiều người sung sướng mà sao mình lại khổ quá vậy không biết

 

Cô Nguyễn Thị Tuyền
NGỌC HIỂN - HỮU KHOA, NGOCHIEN@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên