Thành viên tổ bầu cử xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đạp xe chở thùng phiếu đến từng nhà cử tri đang cách ly tại nhà để bỏ phiếu - Ảnh: HỮU TRÌNH
Anh Hưng là cư dân khu chung cư 12T3, đường Bùi Dương Lịch (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - nơi đang bị cách ly tại chỗ vì có ca mắc COVID-19 liên quan.
Lần bỏ phiếu nhớ đời
Nửa tháng trước, toàn bộ 500 người dân ở khu chung cư này đã "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vì lệnh phong tỏa.
Sáng 23-5, sau một lượt nhân viên y tế đi kiểm tra sức khỏe của cư dân như thường ngày, ban bầu cử cũng thực hiện việc phát phiếu bầu cho từng hộ dân để thực hiện quyền công dân của mình.
"Vì bị cách ly nên tôi có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các ứng viên. Ở nhà mình đọc báo và nghe các buổi tiếp xúc cử tri trực tuyến nên nắm được các chương trình hành động của từng ứng viên. Sau khi bầu, mình cũng sẽ giám sát lời hứa của họ" - anh Hưng nói.
Gần 500 nhân khẩu với hơn 200 cử tri, đây là một trong những điểm bầu cử dành cho người đang bị cách ly đông nhất tại quận Sơn Trà. Mặc dù vậy, chưa tới trưa cùng ngày, việc đi từng cửa, gõ từng phòng để công dân thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình cũng đã hoàn thành.
Theo anh Hưng, vì điều kiện chung cư khá đông đúc nên việc tổ bầu cử đến từng nhà sẽ giảm thiểu được nhiều nguy cơ.
Tương tự điểm bầu cử chung cư 12T3, tại điểm cách ly các trường hợp ở khu nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có 134 cử tri thuộc trường hợp F1 đang được cách ly và nhân viên phục vụ bên trong khu cách ly.
Sáng sớm 23-5, 4 thành viên trong tổ bầu cử số 3 phường Hòa Thọ Tây được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế vào khu cách ly để tổ chức bầu cử. Trong đó, một người phát phiếu bầu cử, một người đóng dấu thẻ cử tri, một người mang thùng phiếu và một người mang bình xịt khuẩn.
Ông Võ Linh Thể, trưởng Phòng kinh tế UBND quận Cẩm Lệ (phụ trách điểm cách ly), cho biết cử tri thuộc trường hợp F1 không ra khỏi phòng, đảm bảo tuyệt đối trước các nguy cơ. Cuối ngày, tổ bầu cử sẽ mở niêm phong thùng phiếu và xử lý sát khuẩn bằng máy khử khuẩn tia cực tím rồi kiểm phiếu ngay tại đây.
Thành viên tổ bầu cử xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đạp xe chở thùng phiếu mang đến tận nhà để dân bầu cử - Ảnh: HỮU TRÌNH
Số lượng F0, F1 lớn vẫn bầu cử êm đẹp
Từ 6h sáng 23-5, hơn 1,3 triệu cử tri tỉnh Bắc Giang đã tham gia bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh, toàn tỉnh có 1.339.467 cử tri. Trong đó, số lượng cử tri thuộc diện F0 là 862, có 11.453 cử tri thuộc diện F1 được cách ly y tế tập trung, cử tri F2 hiện đang cách ly tại hộ gia đình là 51.845 người.
Hình ảnh đặc biệt đã được lan truyền từ "tâm dịch" huyện Việt Yên - nơi đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng: các tổ bầu cử các thôn, tổ dân phố đều mang thùng phiếu đến từng gia đình để cử tri bỏ phiếu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND huyện, cho biết huyện đã in hơn 55.000 bản tóm tắt lý lịch trích ngang của các ứng cử viên phát đến từng hộ dân, nhóm nhà trọ để cử tri có thời gian nghiên cứu trước khi bỏ phiếu; phát đến từng hộ gia đình các vật dụng như bút, thước để thuận lợi cho công tác bầu cử.
Tại tổ bầu cử số 5 ở thôn Chùa, xã Tăng Tiến, sau lễ khai mạc nhanh gọn lúc 6h sáng, 3 thùng phiếu phụ cùng 3 tổ thành viên tổ bầu cử bắt đầu đưa các thùng phiếu lên xe đạp để đến từng nhà cử tri và khu cách ly.
Sau khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình tại tổ bầu cử số 5 ở thôn Chùa, xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên), anh Nguyễn Văn Hậu (26 tuổi, ở thôn Chùa) cùng các thành viên trong tổ bầu cử vội vàng mặc quần áo bảo hộ, buộc thùng phiếu lên chiếc xe đạp đến từng nhà dân để cử tri bỏ phiếu.
"Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên bản thân tôi cũng có lo lắng, nhưng rất vinh dự khi được tín nhiệm làm thành viên tổ bầu cử số 5 mang thùng phiếu đến từng nhà cử tri để lấy phiếu bầu cử" - anh Hậu chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Khi đến cổng từng nhà cử tri, anh Hậu dùng loa phát thanh mời cử tri ra cổng hoặc trước cửa nhà rồi yêu cầu họ đứng cách 2 mét. Lúc này, thành viên tổ bầu cử sẽ tuyên truyền, hướng dẫn, sát khuẩn, phát thẻ cử tri, phát một danh sách ứng viên để họ nghiên cứu, lựa chọn các ứng viên trước khi bỏ phiếu.
Theo anh Hậu, thời tiết oi nóng cùng với việc phải mặc bộ đồ bảo hộ khiến các thành viên trong đoàn khá vất vả trong quá trình đi lấy phiếu. Bù lại, người dân rất hồ hởi, phấn khởi, hăng hái tham gia bỏ phiếu nên mọi việc cũng hoàn thành lúc 15h cùng ngày.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Bắc Giang, đến 17h chiều 23-5 đã có hơn 1,2 triệu/1,3 triệu cử tri đi bỏ phiếu (đạt 92%), trong đó có 477 tổ bầu cử có 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Công dân thực hiện quyền bầu cử bên trong khu cách ly chung cư 12T3, đường Bùi Dương Lịch (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) - Ảnh: K.HƯNG
"Lần bầu cử đặc biệt nhất với tôi"
Tại điểm cách ly của Tiểu đoàn công binh 29 (phường An Khê, quận Thanh Khê) vào chiều 23-5 có 118 cử tri đi bầu cử. Vì trước đó điểm cách ly này có khá đông các F1 cách ly, việc thực hiện kiểm tra sức khỏe và phun thuốc diệt khuẩn cũng mất nhiều thời gian nên tổ bầu cử quyết định sẽ bỏ phiếu vào buổi chiều.
Đại úy Nguyễn Văn Duy, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 204, Ban chỉ huy quân sự quận Thanh Khê, cho biết qua những đợt diễn tập tất cả mọi người đều thuần thục quy trình bầu cử và đảm bảo khoảng cách 3m khi thực hiện quyền công dân. Anh nói vừa là chỉ huy khu vực cách ly, vừa là cử tri đi bỏ phiếu bầu nên lần bầu cử này thật đặc biệt với mình.
"Đây là lần bầu cử đặc biệt nhất với tôi, dù tôi đã nhiều lần đi bầu cử trong quân ngũ. Vừa nhiều tâm huyết, vừa nhiều trách nhiệm với lá phiếu trên tay để chọn ra người xứng đáng" - đại úy Duy nói.
Trường Sa Lớn lần đầu bầu cử cùng thời điểm với cả nước
Ông Lương Xuân Giáp - chủ tịch HĐND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), đang ở đảo Trường Sa Lớn - cho biết sáng 23-5 đảo Trường Sa Lớn khai mạc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp lúc 7h.
Theo ông Giáp, đây là lần đầu tiên có một điểm tại Trường Sa bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp cùng thời điểm với cả nước.
Trước khi khai mạc bầu cử, quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn đã tổ chức lễ chào cờ trang nghiêm, duyệt đội hình và đội ngũ. Việc phòng chống dịch COVID-19 cũng được thực hiện nghiêm.
Một số ngư dân đang đánh bắt trên biển trong ngày bầu cử cũng đã ghé vào tham gia bầu cử ở Trường Sa Lớn. Ông Thiều Nhật Kiên, ngư dân tỉnh Ninh Thuận, bày tỏ: "Lần đầu tiên tôi được bầu cử trên đảo ở Trường Sa, thấy bầu cử trên đảo cũng như trên đất liền Tổ quốc, rất tự hào".
Hôm 16-5, trừ Trường Sa Lớn, tất cả các điểm đảo còn lại của huyện Trường Sa ở hai xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa đã bầu cử sớm.
DUY THANH
An Giang: "Thùng phiếu lưu động" đến biên cương
An Giang có 200 tổ, chốt phòng chống dịch COVID-19 giáp biên giới Campuchia với chiều dài gần 100km. Vì vậy, ngay từ 5h30 sáng, các đơn vị và địa phương đã phối hợp đưa thùng phiếu lưu động đến các tổ, chốt để tranh thủ cho lực lượng chống dịch COVID-19 được thực hiện quyền bầu cử mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết trong nội địa bầu cử vẫn diễn ra theo kế hoạch. Còn các lực lượng phòng chống dịch giáp biên giới sẽ kết hợp địa phương đưa thùng phiếu lưu động đến các chốt, đảm bảo biên giới luôn được túc trực và bầu cử được an toàn nhất.
B.ĐẤU
Nhiều tỉnh thành có gần 100% cử tri đi bầu
Theo chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường, tính đến 17h30 chiều 23-5, tổng hợp nhanh báo cáo của 63 tỉnh, TP cho thấy đã có gần 96% cử tri đi bầu cử.
Đáng chú ý, đến thời điểm nêu trên, 31.985 tổ bầu cử có 100% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nhiều địa phương có tỉ lệ cử tri đi bầu cử rất cao như: Hà Giang 99,92%; Hậu Giang 99,85%; Thừa Thiên Huế 99,72%...
Tính đến 19h, TP Hà Nội có 99,13% cử tri đi bầu cử. Tổng số cử tri đi bầu và tỉ lệ chắc chắn sẽ cao hơn số liệu nêu trên khi các điểm bầu cử kết thúc bỏ phiếu vào 19h tối, sau đó kiểm phiếu ngay.L.Kiên
27 vạn đại biểu dân cử phải nhớ ngày này
Ngày 23-5, sau khi phóng sự về chuyện bầu cử giữa tâm dịch Bắc Giang được đăng tải, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã nhắn cho chúng tôi biết là họ rất cảm động trước hình ảnh thành viên các tổ bầu cử mặc đồ bảo hộ cùng chiếc xe đạp chở hòm phiếu đến mỗi gia đình để giúp cử tri F2 thực hiện quyền công dân.
Bắc Giang đang là tâm dịch với hơn 10.600 cử tri thuộc diện F1 phải cách ly tập trung và hơn 47.000 cử tri thuộc diện F2 đang phải cách ly tại hộ gia đình. Với họ, đây là cuộc bầu cử đặc biệt nhất trong nhiều nhiệm kỳ trở lại đây. Và với hơn 69 triệu cử tri toàn quốc, đây là cuộc bầu cử mà mọi người không thể nhìn rõ mặt nhau khi phải thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - nơi "các chiến sĩ áo trắng" đã chiến đấu ở phòng tuyến đầu chống dịch nhiều tháng qua, trưa 23-5 đã có cuộc kết nối trực tuyến đặc biệt với Chủ tịch Quốc hội - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ. Giám đốc Phạm Ngọc Thạch cho biết tổng số cử tri trong toàn bệnh viện đi bỏ phiếu là 705 người, trong đó có 425 cán bộ, công nhân viên, còn lại là bệnh nhân.
"Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là thành trì rất quan trọng cho công tác phòng chống dịch. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đánh giá rất cao cố gắng, nỗ lực của tất cả các đồng chí" - từ bên ngoài bệnh viện, ông Huệ động viên.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đồng bào cả nước đã rất xúc động khi thấy có những bác sĩ nhiều giờ liền, nhiều ngày liền, nhiều đêm liền phải căng mình để chống dịch, không được sử dụng điều hòa và phải mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch rất nóng nực, nhiều người đã ngất xỉu trong lúc làm việc.
Ông Huệ nói với các y, bác sĩ: "Hội đồng Bầu cử quốc gia trân trọng gửi lời thăm hỏi, cảm ơn chân thành đến tất cả đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, những lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch đã vừa cầm lá phiếu trên tay để thực hiện quyền công dân, vừa là lực lượng xung kích trên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19".
Hi vọng rằng gần 27 vạn đại biểu dân cử tới đây nhớ ngày này, khoảnh khắc này: giữa đại dịch, cử tri đã cầm lá phiếu bầu chọn cho họ, để họ thay mặt cử tri quyết định những vấn đề quốc gia đại sự. Trân trọng từng lá phiếu của cử tri, sống và làm việc có trách nhiệm cao trước nhân dân, vì đất nước là cách tốt nhất để các đại biểu trả ơn trước sự tín nhiệm mà họ nhận được.
LÊ KIÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận