11/07/2022 14:53 GMT+7

Kon Tum cần 880 tỉ để di dời hơn 2.500 hộ dân ảnh hưởng bởi thiên tai

TRẦN HƯỚNG
TRẦN HƯỚNG

TTO - UBND tỉnh Kon Tum cho biết tỉnh đã có văn bản báo cáo và đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, với kinh phí 880 tỉ đồng để di dời, bố trí ổn định cuộc sống cho khoảng 2.571 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu.

Kon Tum cần 880 tỉ để di dời hơn 2.500 hộ dân ảnh hưởng bởi thiên tai - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

Theo đó, sáng 11-7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về tình hình triển khai các quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

Trong báo cáo buổi làm việc, UBND tỉnh thông tin đã có văn bản báo cáo và đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, với kinh phí 880 tỉ đồng. Trong đó nguồn vốn trung ương khoảng 857 tỉ đồng, vốn địa phương và nguồn khác là hơn 22 tỉ đồng để di dời, bố trí ổn định cuộc sống cho khoảng 2.571 hộ dân với khoảng 10.000 nhân khẩu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, trong năm 2021, thời tiết nắng nóng gây hạn hán cục bộ tại một số khu vực với tổng diện tích khoảng 93ha; mưa lũ làm 3 người chết, 136 nhà ở bị ảnh hưởng, khoảng 728ha nông nghiệp thiệt hại… Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 120 tỉ đồng.

Còn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn, lũ, gió lốc, dông sét làm 3 người chết; 8 nhà ở bị tốc mái, 4 trường học bị ảnh hưởng, diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 9,5ha… Tổng thiệt hại khoảng 972 triệu đồng.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục là do ảnh hưởng của thiên tai, hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, kè chống sạt lở, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường học... bị hư hỏng nặng chưa được khắc phục do kinh phí lớn.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ Richter xảy ra tại huyện Kon Plông. Đặc biệt, trận động đất mạnh nhất vào lúc 12h54 ngày 18-4-2022, có độ lớn 4,5 độ Richter. Đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về người, công trình cơ sở hạ tầng nhưng người dân rất hoang mang, lo lắng.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Lê Công Thành đề nghị tỉnh xem xét sử dụng điện thoại vệ tinh để nắm bắt thông tin, ứng phó hiệu quả ở khu vực bị chia cắt. Tiếp tục nắm thông tin, đánh dấu thêm khu vực xung yếu là các công trình xây dựng…

"Chúng ta nắm những thông tin các khu vực xung yếu, có những vùng xung yếu mà chúng ta hay quên, đó là những công trình. Rào Trăng là một bài học. Những công trình hiện nay trước mỗi mùa bão lũ đề nghị chúng ta phải tiếp tục xác định thêm. Không để tình hình mỗi khi mưa lũ xảy ra thì anh em công nhân không biết đêm nay có mưa to. Mà khi nó xảy ra rồi thì không có cách nào để liên hệ vào bên trong khu vực này. Và từ câu chuyện thiếu thông tin này có thể xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Đề nghị ban chỉ huy chỉ đạo các địa phương nắm được các công trình xây dựng" - thứ trưởng dẫn chứng.

Kon Tum cần 880 tỉ để di dời hơn 2.500 hộ dân ảnh hưởng bởi thiên tai - Ảnh 2.

Đường Trường Sơn Đông bị sạt lở năm 2021 - Ảnh: TRẦN HƯỚNG

TRẦN HƯỚNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên