01/10/2021 11:45 GMT+7

Kishida Fumio - người giữ sự ổn định

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Việc ông Kishida Fumio đắc cử chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cho thấy các đảng viên và nghị sĩ của đảng cầm quyền mong muốn sự ổn định. Các chính sách hiện có sẽ được tiếp tục ít nhất trong ngắn hạn.

Kishida Fumio - người giữ sự ổn định - Ảnh 1.

Tân chủ tịch LDP Kishida Fumio có kế hoạch mở rộng tầng lớp trung lưu Nhật Bản để tạo động lực phát triển quốc gia - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters bình luận việc ông Kishida trở thành tân chủ tịch LDP và sắp tới là thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản là một chiến thắng cho cựu thủ tướng Abe Shinzo cùng nhóm bảo thủ do ông dẫn đầu. 

Những chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong quốc phòng và tìm kiếm đối thoại trong kinh tế, vốn có từ thời ông Abe, sẽ là nền tảng trong các chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật dưới thời ông Kishida.

Ba quyết tâm của Nhật

Tối 29-9, trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị chủ tịch LDP, ông Kishida nói về "ba quyết tâm" của mình trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở. Đây là chiến lược có từ thời ông Abe và được thúc đẩy mạnh mẽ khi tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền.

Ba quyết tâm của ông Kishida gồm: (1) bảo vệ các giá trị cơ bản như dân chủ, tự do, pháp quyền; (2) duy trì hòa bình và ổn định ở Nhật Bản cũng như xung quanh Nhật Bản; và (3) đưa Nhật Bản trở thành một bên quan trọng bằng cách đóng góp tích cực vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu. Ông Kishida cam kết tiếp tục hợp tác với các nước thuộc Bộ tứ (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) cùng các đối tác tại khu vực và châu Âu.

Trao đổi với Reuters, ông Watanabe Tsuneo - thành viên cấp cao của Quỹ hòa bình Sasakawa (Nhật Bản) - nhận định "ưu tiên của chính quyền Kishida vẫn sẽ là tăng cường quan hệ với Mỹ và củng cố khả năng quốc phòng của Nhật. Nhưng trong quá trình đó, họ muốn hạn chế thiệt hại kinh tế càng nhiều càng tốt". Đây là một điểm đáng chú ý của ông Kishida, người cho rằng cần suy nghĩ về an ninh quốc gia từ nhiều khía cạnh khác nhau chứ không chỉ sức mạnh quân sự.

"Tôi sẽ bảo vệ các lợi ích địa chính trị của chúng ta với trọng tâm là kinh tế" - ông Kishida trả lời phỏng vấn báo Nikkei Asia trước khi ra tranh cử. An ninh kinh tế được tân chủ tịch LDP Kishida đề cao. Chẳng hạn, khi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh về công nghệ, Nhật Bản nhìn thấy cơ hội ở việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Một vấn đề quốc tế khác mà Nhật sẽ không thay đổi là cam kết chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Suga Yoshihide đã hứa sẽ đưa mức phát thải gây hiệu ứng nhà kính về 0 vào năm 2050. Ông Kishida cam kết theo đuổi mục tiêu này, song cho rằng để làm được, cần phải có điện hạt nhân - vốn là vấn đề gây tranh cãi sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Xây dựng năng lực tấn công

Một trong những quan điểm gây chú ý của ông Kishida là chủ trương xây dựng năng lực tấn công cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. "Ngay cả khi các hệ thống phòng thủ tên lửa chặn được đợt tấn công đầu tiên, việc có khả năng tấn công các căn cứ đối phương sẽ giúp bảo vệ tính mạng của người dân nếu kẻ thù quyết định triển khai thêm một đợt tấn công nữa" - ông Kishida lập luận.

Theo tân chủ tịch LDP, công nghệ tên lửa đang phát triển nhanh chóng - ám chỉ chương trình tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc đang đặt lãnh thổ Nhật Bản trong tầm bắn. "Tôi muốn tổ chức một cuộc thảo luận kỹ lưỡng dựa trên thực tế đó nhằm bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân" - ông nói.

Cựu thủ tướng Abe từng có kế hoạch thảo luận và gút lại việc có nên xây dựng năng lực tấn công cho lực lượng phòng vệ không, nhưng việc đó đã tạm dừng khi chính quyền thay đổi cuối năm 2020.

Chính phủ do LDP dẫn dắt đã luôn tin rằng Hiến pháp Hòa bình của Nhật cho phép các cuộc tấn công như vậy nếu không còn lựa chọn nào khác. Do đó, nếu chốt được việc phát triển tên lửa tấn công, việc LDP diễn giải sao cho phù hợp với hiến pháp chỉ còn là chuyện câu chữ. Với một chính trị gia xem trọng sự đồng thuận như ông Kishida, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản được cho là sẽ có diện mạo mới trong tương lai gần.

Kishidanomics và chu kỳ tăng trưởng - phân phối của cải

Quan điểm về kinh tế và chính sách đối nội của ông Kishida gói gọn trong 4 chữ: "phân phối của cải". "Tôi muốn xây dựng một hình thức chủ nghĩa tư bản mới" - ông Kishida nói trong cuộc họp báo ngày 29-9. "Không có tăng trưởng kinh tế thì không thể có phân phối lại của cải. Nhưng không có phân phối lại, chúng ta không thể kích thích tiêu dùng và nhu cầu mới" - ông lập luận.

Tờ Nikkei Asia đã dùng chữ Kishidanomics để nói về tầm nhìn trên của ông Kishida, tin rằng đây sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự kinh tế của ông.

Những nét chính của Kishidanomics

* "Chu kỳ tăng trưởng đạo đức với sự phân phối lại của cải xã hội".

* Cam kết gói cứu trợ đại dịch COVID-19, ưu tiên gia đình có trẻ em và công nhân bán thời gian.

* Ủng hộ mô hình hiện đại của "Kế hoạch nhân đôi thu nhập" ra đời năm 1960 đã đưa Nhật thành cường quốc kinh tế.

* Tiếp nối "3 mũi tên" của Abenomics gồm chính sách tiền tệ táo bạo, chính sách tài khóa linh hoạt và chiến lược tăng trưởng.

* Giữ lạm phát ổn định 2%, giá điện trong tầm kiểm soát.

Nguồn: Nikkei Asia

Thủ tướng Nhật tương lai có tình cảm với Việt Nam Thủ tướng Nhật tương lai có tình cảm với Việt Nam

TTO - Chuyến thăm chính thức Việt Nam gần nhất của ông Kishida diễn ra vào năm 2016, trên cương vị ngoại trưởng Nhật Bản. Ông luôn bày tỏ thiện chí mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên