03/04/2022 09:11 GMT+7

Kịp nhớ những niềm đau hậu chiến

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Dữ liệu ngồn ngộn từ các đồng đội đa dạng cảnh đời và trùng trùng những tình huống độc đáo tưởng như có thể trải ra trên rất nhiều trang bản thảo, mà Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt là một chia sẻ kịp thời với bạn đọc hôm nay.

Kịp nhớ những niềm đau hậu chiến - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Từ những dữ liệu người thật việc thật bước ra từ chiến trường K, tác giả Đoàn Tuấn đã dụng công "văn chương hóa" để dựng thành mạch truyện. 

Đoàn Tuấn có một đồng đội đặc biệt - cựu binh tên Ánh. Chính nhân vật này đủ hình thành một tuyến truyện chiếm phân nửa dung lượng cuốn sách. Ánh bước ra từ cuộc chiến với đúng nghĩa sống sót. Ánh bị một trận phục kích do người lính quân đội bạn đã phản bội ngay khi đang cùng hành quân đi sau lưng anh, tất cả bị động, trung đội hy sinh 8 người. 

Điều này ám ảnh Ánh. Cộng với tâm hồn hướng thiện và những suy tư về đạo Phật từ khi còn ở quê, suốt nhiều năm sau chiến tranh, Ánh nung nấu một việc: trở lại đất Campuchia để cầu siêu cho những đồng đội đã chết trận. 

Quyết tâm nung nấu trong nhiều năm, tham khảo ý kiến từ nhiều phía, đến khi quay lại Campuchia, hôm trước hôm sau Ánh đã xuống tóc xuất gia trở thành một nhà sư thực thụ với pháp danh Phteah Saniphap. 

Từ đó bắt đầu chuỗi ngày ông đi lại những điểm chiến trường xưa thực hiện ước nguyện cầu siêu, đối thoại, khuyên giải cho những linh hồn người lính đã bỏ mình trong chiến trận.

Với thủ pháp viết xen kẽ giữa các chương, Đoàn Tuấn dành phân nửa tác phẩm cho một tuyến truyện khác: Cùng lúc với hành trình tìm kiếm vong hồn người chết của nhà sư Phteah Saniphap trên đất Campuchia, những cựu binh đồng đội tại Việt Nam cũng dấn bước tìm lại những đồng đội còn sống.

Tìm, mới biết được hành trình trở về quê hương của những người lính sau khi rời khỏi chiến trận hoàn toàn không đơn giản. Có người bị cắt 2 chân liên tiếp 7 lần vẫn chưa về tới quê nhà và liên tục trải nghiệm hội chứng "tay chân ma" rùng rợn. 

Lại có những ẩn khuất khốc liệt: Lính tình nguyện Việt Nam từng có người bị sang chấn tâm lý đến mức xả súng bắn chết nhiều người trong cùng đại đội. Tin ấy bay về đủ làm chấn động cả quê hương và hạ gục cha mẹ già đang ngày đêm ngóng tin con. 

Và bà mẹ của người lính kia đi tìm người gọi hồn. Rồi linh hồn người lính xả súng ấy đã về đối thoại với mẹ một đoạn dài, kể hết lý do và khóc, bà thu vào băng cassette. Tác giả Đoàn Tuấn được nghe đoạn băng này, ông chép lại vào sách.

Nhưng ám ảnh hơn cả là câu chuyện về một tiểu đoàn trưởng Việt Nam bị lính Polpot chặt đầu. Cùng lúc ấy ở quê nhà Hải Dương, người vợ của anh bỗng mắc chứng bệnh đau đầu. Đau hoài không dứt, chữa chạy không được. 

Hôm những đồng đội đến thăm, hai mẹ con người lính can trường ngồi nghe chuyện. Đến khi đồng đội ra về, người vợ mới đi cạnh và hỏi riêng tác giả: "Chú có biết cái đầu chồng tôi bọn địch mang đi đâu không?". "Tôi không thể trả lời một câu hỏi làm tan nát trái tim như vậy", Đoàn Tuấn thú thật.

Và sau khi gấp sách lại, hẳn nhiều người sẽ còn nhớ những đoạn văn tế như thơ, gợi lên không khí hòa hợp hòa giải của tâm linh hướng thiện, mở ra một không gian sống tích cực: "Hòa bình đã về trên khắp quê hương/ Trên ngôi đền thiêng, trên 547/ Thù hận tan rồi/ Các linh hồn có thấy/ Lính hai bên đã chụp ảnh chung/ Và hôm nay Phật pháp về cùng/ Cầu cho linh hồn siêu thoát/ Nam mô A Di Đà Phật".

Khi đang chiến tranh, ít ai kịp hình dung các hệ lụy về hậu chiến. Và ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa, như cuộc chiến tranh ở chiến trường K cách nay trên dưới 40 năm, nhưng những vấn đề hậu chiến của nó dường như ít được nhìn thấu đáo. Thật may, nhà văn áo lính Đoàn Tuấn đã kịp bắt tay vào các trang viết cho đề tài này.

Chất văn chương vắt qua thời hậu chiến Chất văn chương vắt qua thời hậu chiến

TTO - Nhà văn, dịch giả Hoài Vũ vừa ra mắt hai tập sách dày dặn vừa đúng dịp mừng tuổi 85 của mình: Hoa trong tuyết và Gái thời chiến.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên