Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế ước đạt mốc 124.127 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6%; GRDP bình quân đầu người đạt 77,5 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.675 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2023.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 25.000 tỉ đồng, tăng 9,6% so với năm 2023. Vốn đầu tư phát triển khu vực ngoài nhà nước và FDI đạt hơn 18.600 tỉ đồng, tăng 2,26% so với năm 2023.
Giá trị các ngành hàng chủ lực tăng
Các ngành hàng lúa gạo, xoài, sen, cá tra có mức tăng trưởng cao. Trong đó ngành hàng xoài ước đạt 2.600 tỉ đồng, tăng trưởng 12%; ngành hàng lúa gạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, sản lượng duy trì 3,3 triệu tấn, lúa chất lượng cao chiếm 80%; giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo ước đạt 17.600 tỉ đồng, tăng trưởng 9,5%.
Ngành hàng sen duy trì gắn kết với công nghiệp chế biến, giá trị sản xuất đạt 39 tỉ đồng, hiện có 120 sản phẩm và 57 giống sen, có 56 sản phẩm sen đạt OCOP từ 3 sao trở lên (hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao).
Ngành hàng cá tra ước đạt 8.800 tỉ đồng, toàn tỉnh có 375 cơ sở nuôi cá tra được cấp mã số nhận diện với diện tích 1.626ha mặt nước. Trong đó, có 83 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với diện tích 648ha; 38 cơ sở áp dụng và được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP với diện tích 242ha.
Hệ thống nền tảng nông nghiệp số triển khai 95 hệ thống, trạm giám sát thông minh và 100 điểm đo nhiệt độ, độ ẩm tự động; đưa vào vận hành Hệ thống nền tảng nông nghiệp.
Toàn tỉnh có 22 hội quán, 54 hợp tác xã ứng dụng công nghệ vào quy trình truy xuất nguồn gốc, tham gia sàn thương mại điện tử. Có 621 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, tăng 168 sản phẩm so với năm 2023, có 379 sản phẩm OCOP được kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Cải thiện môi trường thu hút đầu tư
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, từ cấp tỉnh đến cơ sở thực hiện nhất quán chủ trương "đồng hành cùng doanh nghiệp". Chỉ số PCI 16 năm liền xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước.
Dự kiến đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 650 doanh nghiệp thành lập mới, đã phê duyệt 9 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 5.450 tỉ đồng. Có 160 doanh nghiệp tái hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động khoảng 5.400 doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông tiếp tục được hoàn thiện với 16/23 công trình giao thông trọng điểm đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang triển khai thi công 6/23 dự án, đề xuất dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền. Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1, dự án thành phần 1 phấn đấu hoàn thành phần cầu trong năm 2024.
Đang triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều; triển khai dự án hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp giai đoạn 3, cụm công nghiệp Quảng Khánh giai đoạn 1 và giai đoạn 2; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cửa khẩu quốc tế Thường Phước và cửa khẩu Mộc Rá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp.
Tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh dự kiến đến cuối năm 2024 ước đạt 39,6%.
Mục tiêu nông - lâm - thủy sản tăng trưởng 3,5%
Năm 2025, Đồng Tháp tiếp tục tập trung chuyển đổi số ngành nông nghiệp, tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, xoài, sen, cá tra, hoa kiểng) và các ngành hàng tiềm năng. Đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông nghiệp phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tập trung hai đề án quan trọng của trung ương: "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"; đề án "Xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh đến năm 2030".
Mục tiêu, sản lượng lúa duy trì 3,32 triệu tấn, tập trung phát triển và giữ vững vị thế của ngành hàng thủy sản, gia tăng về quy mô, chất lượng và tính đa dạng. Phấn đấu giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 22.700 tỉ đồng, tăng trưởng 3,5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận