15/01/2019 11:36 GMT+7

Kinh tế Nhật hồi sinh nhờ phụ nữ, người già và nhập cư

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đang hồi sinh nhờ các chính sách khuyến khích phụ nữ và người già làm việc cũng như người dân Nhật phá vỡ định kiến về người nhập cư.

Kinh tế Nhật hồi sinh nhờ phụ nữ, người già và nhập cư - Ảnh 1.

Nhật khuyến khích các công ty tuyển dụng lại những người già đã về hưu - Ảnh: AFP

Bởi vì họ có kinh nghiệm nên họ biết cách tổ chức công việc, họ không bao giờ đến muộn.

Ông Ohara chia sẻ lý do tuyển dụng những nhân viên trên 60 tuổi

Việc làm đã tăng vọt tại Nhật Bản kể từ năm 2012 mặc dù dân số trong độ tuổi lao động của nước này giảm mạnh. 

Các chính sách do Thủ tướng Shinzo Abe ban hành đang định hình lại các chuẩn mực văn hóa về việc khi nào nên về hưu, liệu phụ nữ có con nên làm việc hay liệu Nhật có nên chấp nhận lao động nước ngoài hay không.

Người già vẫn hữu dụng

Theo Wall Street Journal, Chính phủ Nhật Bản từ lâu đã tìm cách kéo dài thời gian làm việc của người lao động. 

Từ năm 2004, chính quyền Tokyo đã bắt đầu tăng tuổi hưu từ 60 lên 65 và yêu cầu các công ty cũng tăng hoặc bỏ tuổi hưu hay đề xuất một hệ thống để thuê lại các công dân đã về hưu. 

Điều này giúp cho những người đàn ông trong độ tuổi 60 và 70 ở Nhật vẫn tiếp tục làm việc hiệu quả.

Người lớn tuổi, phụ nữ và lao động nước ngoài đã đóng góp phần lớn vào tăng trưởng việc làm tại Nhật. 

Tỉnh Ishikawa ở bờ tây Nhật đang tiến một bước xa hơn để thích ứng với tình hình thiếu lao động nghiêm trọng.

Năm 2017, với sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương, tỉnh Ishikawa đã phát động một chương trình đặc biệt để đưa những người nghỉ hưu quay trở lại lực lượng lao động. 

Kết quả họ thuê được khoảng 200 nhân viên lớn tuổi, gấp 7 lần chỉ tiêu ban đầu.

Nguồn cảm hứng thiết kế các chương trình trên của chính quyền tỉnh Ishikawa xuất phát từ doanh nghiệp gia đình Ohara. 

Cách đây 5 năm, ông Shigeru Ohara đã đăng tuyển dụng nhân viên nhưng không thuê được người làm việc cho công ty chuyên về các món tráng miệng của mình.

Sau đó, theo đề nghị của một người bạn, ông Ohara in tờ rơi kẹp vào báo và phát đến các chung cư gần nhà để tuyển nhân viên với một điều kiện: người xin việc phải từ 60 tuổi trở lên. 

Ông Ohara nhận được 20 đơn xin việc và thuê 9 người, gấp đôi dự định ban đầu. Hiện tại lực lượng lao động trên 60 tuổi chiếm 1/4 nhân viên của công ty ông Ohara.

Theo ông Ohara, những công nhân lớn tuổi đảm nhiệm tốt những công việc lặp đi lặp lại mà những người làm việc trẻ tuổi hơn cảm thấy nhàm chán. 

Những công nhân lớn tuổi không những có thể làm ca sớm lúc 5h mà họ còn đến sớm hơn cả giờ làm việc.

Nhiều phụ nữ làm việc hơn

Tỉnh Ishikawa cũng có những điều chỉnh cần thiết để tuyển dụng thêm phụ nữ vào lực lượng lao động. 

Quan chức tại bộ phận hỗ trợ việc làm và cuộc sống của tỉnh là Wataru Seki cho biết phụ nữ thích làm những công việc ít thời gian, tránh các khung giờ đưa rước con đi học.

Chính sách kinh tế trọng nữ giới "Womenomics" của Thủ tướng Abe cũng là một trong những nỗ lực để đưa phụ nữ quay lại với lực lượng lao động của Nhật. 

Chính sách nhắm đến việc giải quyết những vướng bận đời thường của người phụ nữ khi mở rộng việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em. 

Năm 2015 Tokyo có 38 điểm chăm sóc trẻ dành cho mỗi 100 trẻ 2 tuổi, tăng từ mức 28 điểm trong năm 2008.

Bên cạnh đó Chính phủ Nhật Bản cũng gây áp lực buộc các công ty phải giảm làm thêm giờ và bổ nhiệm phụ nữ vào ban giám đốc, tăng tiền trợ cấp nghỉ phép của các bậc phụ huynh và kéo dài thời gian nghỉ phép của các ông bố. 

Việc các ông chồng mới lên chức bố chia sẻ công việc nhà với vợ cũng góp phần quan trọng giúp phụ nữ có con quay trở lại làm việc.

Nghiên cứu của nhà kinh tế học Nobuko Nagase tại Đại học Ochanomizu nhận thấy rằng những nỗ lực này đã giúp tăng sự hiện diện của lao động nữ có con nhỏ từ 40% trong năm 2009 lên 50% trong năm 2015.

Lao động nhập cư

Nguồn lao động cuối cùng được khai thác ở Nhật là những người nước ngoài. Chính quyền ông Abe đã nới lỏng đáng kể các quy tắc việc làm tại Nhật Bản. 

Năm 2015 Nhật chấp nhận công nhân xây dựng nước ngoài để đắp vào sự thiếu hụt lao động khi tái thiết sau thảm họa động đất - sóng thần, chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo năm 2020 và các nhà quản lý trong một số khu vực đặc biệt. 

Năm 2017 Nhật tiếp tục đón nhận công nhân nước ngoài làm điều dưỡng.

Hiện nay Nhật cho phép các nghiên cứu sinh kỹ thuật người nước ngoài ở lại Nhật từ 3 đến 5 năm và phát "thẻ xanh" cho các chuyên gia tay nghề cao sau một năm tạm trú và làm việc.

Tháng trước Chính phủ Nhật Bản cũng đã cung cấp 2 loại thị thực mới với ý định thu hút thêm 340.000 lao động nước ngoài trong vòng 5 năm tới. Những sinh viên du học ở Nhật cũng được phép làm việc trong thời gian học tập.

"Ông Abe đã không phát biểu rằng chúng ta đã thay đổi chính sách nhập cư. Tất cả những điều này diễn ra âm thầm trong hậu trường" - Izumi Devalier của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch tại Tokyo nhận định. 

Nhờ sự âm thầm nỗ lực này, số lượng công nhân nước ngoài tại Nhật đã tăng gần gấp đôi trong năm 2012 để đạt đến 1,3 triệu người trong năm 2017.

69% Năm 2012, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động của Nhật là 63%, trên chuẩn trung bình 62% của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Đến năm 2017, con số này tăng vọt lên 69% so với 64% của OECD. Một phần của sự tăng vọt này là nhờ có nhiều phụ nữ nghỉ hưu quay trở lại lực lượng lao động.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên