20/04/2018 10:44 GMT+7

Mỹ - Nhật chia rẽ về kinh tế

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói những gì ông cần nói, về thương mại và vấn đề Triều Tiên, trong chuyến thăm Mỹ hai ngày. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa thực sự như ông mong đợi.

Mỹ - Nhật chia rẽ về kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo chung ngày 18-4 - Ảnh: REUTERS

Trong cuộc họp báo ngày 18-4 (giờ Mỹ), hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã thống nhất khởi động vòng đối thoại mới về thương mại và đầu tư. 

"Mỹ cam kết đối với thương mại tự do, công bằng và có qua có lại, và chúng tôi cam kết theo đuổi quan hệ thương mại tự do song phương có lợi cho cả hai quốc gia" - Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tại cuộc họp báo.

Chưa chắc

Dù vậy, ông Trump cho biết ông quan tâm đến thỏa thuận thương mại song phương với Tokyo hơn là quay trở lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho rằng nó tốt hơn cho Mỹ, dù vẫn để ngỏ khả năng "nếu họ đưa ra một đề nghị mà tôi không thể từ chối, tôi sẽ làm vậy". 

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn khẳng định TPP "là tốt nhất cho cả hai quốc gia" và tỏ ra ngần ngừ với thỏa thuận thương mại song phương. Khi được hỏi về tuyên bố của ông Trump, ông Abe không khẳng định tiến trình này sẽ dẫn tới một thỏa thuận song phương.

Tổng thống Mỹ không ngại cho biết ông muốn Tokyo nhượng bộ, bằng việc giảm các rào cản đối với hàng hóa Mỹ, để giảm thâm hụt thương mại của Washington với Tokyo lên đến 70 tỉ USD trong năm ngoái, lớn thứ ba trong số các đối tác Mỹ bị thâm hụt. 

Ngoài ra, điều gây thất vọng là ông Trump cũng không loại Nhật Bản khỏi danh sách trừng phạt thuế và nhôm như đã làm với các đồng minh khác, nhấn mạnh rằng chỉ cân nhắc điều này khi giải quyết được vấn đề thâm hụt.

Thời gian qua, các chính sách thương mại gây tranh cãi của ông Trump cũng như việc đẩy Tokyo ra bên lề tiến trình đối thoại với Triều Tiên đã góp phần khiến Nhật Bản quay sang Trung Quốc thời gian gần đây. 

Trong chuyến thăm hiếm hoi đến Nhật hồi giữa tháng 4-2018 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hai nước đã thống nhất nhiều vấn đề từ nguyên tắc tự do thương mại và toàn cầu hóa, hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến Một vành đai một con đường của Bắc Kinh, thúc đẩy dự án Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - một đối trọng của TPP.

Tuy nhiên giới phân tích không mấy tin tưởng vào mối lương duyên này khi hai nước vẫn còn nhiều mâu thuẫn, nhất là tranh chấp lãnh thổ, chưa kể Washington sẽ không ngồi yên để Tokyo thân thiết hơn với Bắc Kinh. 

"Nhật Bản quay sang Trung Quốc để giải quyết các vấn đề kinh tế. Về phần mình, Trung Quốc muốn kết thân với Nhật Bản để cùng nhau chống lại cuộc chiến thương mại của ông Trump" - nhà phân tích Valery Kistanov thuộc Viện Viễn Đông của Nga nhận định trên trang Sputnik của Nga.

Mỹ - Nhật chia rẽ về kinh tế - Ảnh 2.

Thủ tướng Shinzo Abe trò chuyện cùng tổng thống Donald Trump tại tiệc tối của chủ nhà ở khu resor Mar-a-Lago TP Palm Beach, bang Florida, tối 18-4 - Ảnh: REUTERS

Bên lề Triều Tiên

Trong vấn đề Triều Tiên, ông Abe đã đạt cam kết của tổng thống Mỹ về "mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách lâu dài và có thể kiểm chứng" và thống nhất rằng Bình Nhưỡng phải "từ bỏ toàn bộ vũ khí hủy diệt hàng loạt và các chương trình tên lửa đạn đạo".

Thủ tướng Nhật Bản cũng thống nhất với ông Trump việc tiếp tục duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng cho đến khi đạt được các bước tiến chắc chắn. Ông cho biết đã thảo luận với nhà lãnh đạo Mỹ nhiều kịch bản và điều phối chính sách về vấn đề Triều Tiên trong hai ngày qua. 

Tổng thống Mỹ cũng đồng ý một yêu cầu quan trọng của Tokyo là nêu vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc ở Triều Tiên trong cuộc gặp với Bình Nhưỡng.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe đang ở thăm Mỹ, Tổng thống Trump cam kết ông sẽ làm mọi việc có thể để cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có được kết quả thành công. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo ông sẽ hủy bỏ cuộc gặp nếu nhận thấy cuộc gặp không đem lại kết quả.

Trong cuộc họp báo, ông Abe khẳng định Nhật Bản ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên nhưng Tokyo thời gian qua đã lo sốt vó khi gần như đứng bên lề các cuộc gặp giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ. 

Thông tin giám đốc CIA Mike Pompeo bí mật đến Triều Tiên hồi đầu tháng này, trước khi ông chuyển qua vị trí Ngoại trưởng, cho thấy Washington vẫn đang hành động độc lập với đồng minh thân cận nhất tại châu Á.

Chuyến thăm Mỹ là một thách thức lớn với ông Abe trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ tại quê nhà sụt giảm nghiêm trọng buộc ông phải đem về thắng lợi trong vấn đề Triều Tiên và tránh nhượng bộ thương mại. 

"Trong cuộc gặp này, tôi nghĩ tổng thống Mỹ đạt được nhiều hơn là thủ tướng Nhật" - chuyên gia Glen Fukushima nhận định trên Bloomberg.

Mỹ, Nhật, Hàn muốn giải trừ hạt nhân trước năm 2020

Hãng tin Kyodo dẫn các nguồn ngoại giao cho hay liên minh Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vào giữa năm 2020 hoặc sớm hơn. Kế hoạch được cho là nhằm tránh để Bình Nhưỡng câu giờ như những lần trước trong khi giúp ông Trump "ghi bàn" trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Tuy nhiên các nước cũng sẽ chuẩn bị sẵn các nhượng bộ để thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên