23/02/2022 23:03 GMT+7

Kinh nghiệm giữ người của IKEA, H&M trong và sau đại dịch

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Lãnh đạo hai công ty Thụy Điển IKEA - chuyên về đồ nội thất, và H&M - công ty bán lẻ thời trang, cho biết họ đã áp dụng đối thoại tại nơi làm việc để xây dựng các mối quan hệ bền chặt giữa công ty và nhân viên.

Kinh nghiệm giữ người của IKEA, H&M trong và sau đại dịch - Ảnh 1.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, phát biểu tại hội thảo "Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch" - Ảnh: ĐSQ Thụy ĐIển

Ngày 23-2, hai công ty Thụy Điển đã chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo "Đối thoại tại nơi làm việc đóng góp như thế nào tới kinh doanh bền vững trong và sau đại dịch" do Đại sứ quán Thụy Điển, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) phối hợp tổ chức.

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, bà Ann Måwe, nói: "Đối thoại tại nơi làm việc là yếu tố then chốt cho một nền kinh tế thị trường vận hành tốt, thúc đẩy một xã hội gắn kết hơn, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và kinh doanh bền vững. Người lao động có thêm ảnh hưởng và đạt được điều kiện làm việc tốt hơn; các công ty hưởng lợi nhờ việc tăng năng suất; và cả xã hội hưởng lợi từ sự ổn định chung xã hội".

Tại hội thảo, ông Christer Horn af Åminne - giám đốc chi nhánh văn phòng H&M Campuchia & Việt Nam - chia sẻ năm 2021, dù là năm bị ảnh hưởng nặng do COVID-19, công ty có sự tăng trưởng tuyệt vời nhờ có lịch sử lâu dài trong việc xem mối quan hệ lao động là nền tảng tự nhiên của việc tạo ra tương tác và tác động tích cực cho người lao động.

Kinh nghiệm giữ người của IKEA, H&M trong và sau đại dịch - Ảnh 2.

Ông Christer Horn af Åminne, giám đốc chi nhánh văn phòng H&M Campuchia & Việt Nam - Ảnh: ĐSQ Thụy ĐIển

Ông cho biết H&M tại Việt Nam đã sử dụng nhiều hình thức để tăng cường đối thoại tại nơi làm việc, từ họp định kỳ vào ngày 25 hằng tháng, đường dây nóng, công đoàn hoạt động hiệu quả, thực chất… đến sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, các nhóm thảo luận với hàng ngàn thành viên trên mạng xã hội, công cụ chat.

Mọi kết quả trao đổi, các câu hỏi và trả lời đều được đăng trong bản tin nội bộ gửi đến tất cả mọi người. Công ty có các buổi tập huấn cho cấp quản lý cũng như tất cả người lao động về quyền của mình và đảm bảo tinh thần nơi làm việc là nơi mọi người thoải mái và cảm thấy an toàn khi trao đổi với nhau.

Ông Giafar Safaverdi - giám đốc điều hành Công ty dịch vụ IKEA Việt Nam - đồng tình rằng đối thoại tại nơi làm việc có rất nhiều lợi ích, giảm rủi ro tranh chấp lao động, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và có vai trò quan trọng trong việc cải thiện điều kiện lao động và kinh doanh.

Kinh nghiệm của Thụy Điển cho thấy việc áp dụng mô hình đối thoại tại nơi làm việc và cải thiện điều kiện làm việc sẽ giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng lao động vì giúp xây dựng các mối quan hệ bền chặt giữa doanh nghiệp và người lao động. Từ đó, người lao động gắn bó và làm việc hiệu quả hơn và việc kinh doanh của công ty cũng bền vững hơn...

Chương trình Thụy Điển tại nơi làm việc (SWP) đã được triển khai tại Việt Nam trong năm 2020 dưới sự hợp tác giữa Hội đồng Công nghiệp Thụy Điển (NIR) và Công đoàn Kim khí Thụy Điển (IF Metall) do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ.

Nhiếp ảnh gia Thụy Điển kể chuyện chụp ảnh hổ hoang dã Nhiếp ảnh gia Thụy Điển kể chuyện chụp ảnh hổ hoang dã

TTO - Là nhiếp ảnh gia nổi tiếng chuyên chụp ảnh và làm phim tài liệu về động vật hoang dã, anh Bjorn Persson thừa nhận có sự "thiên vị" đặc biệt với "chúa sơn lâm" - loài vật anh cho là đẹp nhất, uy nghi và dũng mãnh nhất của rừng xanh.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên