23/08/2024 09:54 GMT+7

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao

Từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 400 kiều bào là các doanh nhân, trí thức, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã quy tụ tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 1.

TS Hoàng Thế Bân, kiều bào Nhật Bản, giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật tại Khu công nghệ cao TP.HCM, hướng dẫn sinh viên thực hành robot tự động hóa - Ảnh: TỰ TRUNG

Sự kiện được tổ chức với phiên khai mạc, phiên diễn đàn và bốn phiên chuyên đề xuyên suốt ngày 22-8. Kiều bào đã đóng góp sôi nổi với hơn 70 tham luận, nhiều ý kiến trong các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế - thương mại - đầu tư, đại đoàn kết dân tộc, chính sách pháp luật, văn hóa, tiếng Việt...

Đưa Việt Nam vươn tầm thế giới

Dù đã có nhiều năm xa quê hương, đóng góp miệt mài cho khoa học thế giới song tất cả đều khẳng định luôn hướng về nguồn cội, hiến kế để phát triển đất nước bằng chuyên môn của mình.

GS Nghiêm Đức Long - chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Úc, giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ nước và nước thải (ĐH Công nghệ Sydney, Úc) - trăn trở về việc cần có cơ chế đặc thù để tận dụng vai trò tư vấn của các trí thức người Việt Nam đầu ngành trên thế giới với các vấn đề trong nước. Ông đề xuất thí điểm mở một trường đại học trực tuyến để đưa những bài giảng, giáo trình và hướng dẫn khoa học từ các tinh hoa trí thức Việt Nam về cho sinh viên Việt Nam.

GS Nguyễn Thị Kim Thanh - viện sĩ Viện hàn lâm châu Âu, phó trưởng khoa tại Đại học University College London (Anh) - đề xuất Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học thế giới vào năm 2026. Bà Thanh tự tin đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, cải thiện hình ảnh quốc gia, từ đó tạo ra các khoản đầu tư mới cho đất nước.

TS Lê Viết Quốc - chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) của Google - nhấn mạnh việc Việt Nam cần nhìn nhận tài sản lớn nhất của mình chính là con người. Dựa trên nền tảng này, ông cho rằng Chính phủ nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục AI, đặc biệt là ở bậc đại học; đề xuất Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về AI với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. Đồng thời Việt Nam cũng nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và AI.

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ Việt Nam với đam mê AI, ông Quốc cho biết đa phần các phần mềm, mô hình hiện nay đang là mã nguồn mở và các bạn trẻ nên đóng góp vào các chương trình mã nguồn mở này. Theo ông, đây là cách tốt nhất để học hỏi, đồng thời để biết được nghiên cứu đẳng cấp cao nhất của thế giới về AI như thế nào.

"Ngày nay các Big Tech như Google, Facebook, Microsoft, OpenAI... đang dẫn đầu trong ngành. Vì vậy trở thành thực tập sinh hoặc làm nghiên cứu ở các Big Tech này là cách tốt nhất để học các kỹ năng, làm các dự án lớn. Ngoài ra, các bạn trẻ có thể đọc các bài báo và làm các dự án, đưa lên GitHub để giới thiệu cho mọi người công việc mình đang làm", ông chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 2.

Phiên thảo luận về công nghệ cao với sự tham gia của đại diện bộ, ngành trong nước và kiều bào - Ảnh: DANH KHANG

Dù mang lại tác động rất lớn nhưng khoa học công nghệ vẫn không thể thay thế bản sắc văn hóa, thay đổi giá trị bản thân của chúng ta. Chúng ta là người Việt Nam thì dù ở đâu, sống ở đâu thì cũng vẫn là người Việt Nam. Đấy là những cái cốt lõi, giá trị của bản thân, con người.
GS Nghiêm Đức Long (chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Úc)

Đón sóng đầu tư trong ngành bán dẫn

Việt Nam được đánh giá là có nhiều lợi thế trước sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn như quyết tâm chính trị cao, môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lực lượng lao động có chất lượng, có quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, trữ lượng đất hiếm thuộc hàng nhiều nhất thế giới.

Trong phiên chuyên đề "Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam", ông Dương Minh Tiến - kiều bào Hàn Quốc, chuyên gia về đóng gói chip - cho biết theo báo cáo của Viện IDC (Mỹ), vào năm 2028 nhu cầu của thị trường ngành chip sẽ vượt quá năng lực sản xuất. Từ đó sẽ dẫn đến làn sóng đầu tư mở rộng và xây dựng nhà máy ở lĩnh vực đóng gói và kiểm thử. Do đó theo ông, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón làn sóng đầu tư này.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Tiến bày tỏ niềm tin tích cực cho tương lai ngành bán dẫn ở Việt Nam. Ông cho rằng Việt Nam nên có một quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Cũng theo ông, Việt Nam hiện nay được xem là nơi an toàn cho đầu tư, giảm thiểu các rủi ro về chiến tranh thương mại, địa chính trị...

"Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để cải cách về thể chế, hành chính, phân quyền cho cấp cơ sở để giúp thủ tục đầu tư nhanh, thông thoáng, minh bạch hơn. Các doanh nghiệp lớn sẽ có trách nhiệm với xã hội, nếu Việt Nam có ưu đãi thì họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên. Doanh nghiệp có kinh nghiệm và quy trình chuẩn, Việt Nam có nguồn lực, vì vậy cần làm sao tận dụng kinh nghiệm của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất để đôi bên cùng có lợi", ông Tiến nói.

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng bán dẫn là ngành toàn cầu nhưng lại mang tính chất địa phương cao, vì vậy các sinh viên Việt Nam cần chú trọng trau dồi ngoại ngữ để sẵn sàng cho tương lai.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Eric Nguyen - kiều bào Đức, thành viên Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Đức - nhấn mạnh cần quan tâm nghiên cứu công nghệ khai thác đất hiếm khi Việt Nam đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, chiếm tới 18% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Ông đề xuất Nhà nước và các nhà khoa học có thể ngồi lại để đưa ra đề án khai thác nguồn đất hiếm một cách hiệu quả: "Người đang làm chủ công nghệ khai thác đất hiếm là Mỹ, Canada và Trung Quốc. Việt Nam có chính sách ngoại giao tốt, chúng ta có thể tận dụng các kết nối với nước lớn, làm chủ công nghệ này".

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Trân quý mọi đóng góp của đồng bào

Đây là lần đầu tiên Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới. Sự kiện lần này được tổ chức theo chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Úc và New Zealand vào tháng 3 năm nay.

Vì lẽ đó, phát biểu kết luận và chỉ đạo sự kiện, trước hàng trăm kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động vì các chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm với quê hương của bà con ta ở nước ngoài. 

Chỉ ra thế giới đang biến động nhanh, sâu rộng, phức tạp, khó lường với những khó khăn thách thức đan xen thời cơ thuận lợi, Thủ tướng nhấn mạnh người Việt Nam càng gặp khó khăn thách thức thì lại càng đoàn kết, thống nhất để cùng vượt qua. "Đó là giá trị, là bản sắc của dân tộc Việt Nam ta. Thế giới đang thay đổi nhưng bản sắc và giá trị dân tộc, con người Việt Nam không thay đổi. Có thay đổi thì chỉ có tốt lên", ông nói.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn xem cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Thủ tướng khẳng định đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con dù bất cứ ở nước nào. "Chúng ta luôn nỗ lực để "nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết" tâm tư nguyện vọng và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", ông nhấn mạnh.

"Tôi yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu, lắng nghe, phản hồi những ý kiến đóng góp quý báu của đồng bào. Trong đó lưu ý cùng với đóng góp bằng của cải vật chất, đóng góp bằng trí tuệ, ý tưởng, sáng kiến, tri thức khoa học công nghệ của đồng bào là nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước", Thủ tướng nói.

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu trưng bày về kiều bào - Ảnh: DANH KHANG

Mong nhiều hiến kế của kiều bào về các lĩnh vực mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn bà con người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đề xuất những ý tưởng đột phá và sáng tạo, đưa ra những giải pháp cụ thể để góp phần phát triển đất nước.

"Đặc biệt, về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tôi vui mừng được biết các trí thức, chuyên gia người Việt Nam đang là nguồn nhân lực rất mạnh tại các trường, viện nghiên cứu, các tập đoàn đa quốc gia ở nhiều nước. Đề nghị các anh, các chị, các bạn hãy hiến kế, nhất là về phát triển khoa học công nghệ và các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, đồng thời đề xuất những dự án cụ thể, nhân rộng cách làm tốt, mô hình hiệu quả và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện", Thủ tướng chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp và tổ chức của kiều bào đã ký 10 biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, truyền thông…

* TS LÊ VIẾT QUỐC (nhà nghiên cứu AI tại Google):

Tận dụng năng lượng của tuổi trẻ trong cách mạng AI

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 2.

Tôi sinh ra tại Huế, miền Trung Việt Nam. Tôi rời quê hương đi du học năm 19 tuổi. Tính đến nay tôi đã sống ở nước ngoài 23 năm, nhưng trong những giấc mơ của tôi luôn có hình ảnh Việt Nam. Dù đi đến thành phố nào trên thế giới, tôi cũng phải tìm món phở để ăn. Tôi tự hào đã từng ăn phở khắp các châu lục trên thế giới, châu lục duy nhất mà tôi chưa ăn phở chính là Nam Cực.

Hành trình của tôi với AI bắt đầu từ năm 2004, đến nay đã tròn 20 năm. Niềm đam mê với khoa học đã khơi dậy trong tôi từ thời thơ ấu khi tôi nhận ra rằng AI chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng tương lai.

Khi tôi đi, nói về AI có lẽ không ai biết đó là gì. Nhưng khi trở về Việt Nam để nói chuyện với các bạn trẻ, tôi thấy được niềm đam mê của các bạn với AI và rất vui khi thấy các bạn trẻ trình bày công trình nghiên cứu về AI. Tôi nghĩ năng lượng này đôi khi còn tốt cả ở Silicon Valley. Tôi mong rằng Việt Nam có thể tận dụng năng lượng của tuổi trẻ để gia nhập nhanh hơn vào cuộc cách mạng AI.

Tuần trước tôi đã tham gia hội nghị AI tạo sinh ở TP.HCM. Chương trình cũng đã đưa được một số chuyên gia nước ngoài và kiều bào về Việt Nam phát biểu. Năm sau, một số người bạn và đồng nghiệp của tôi sẽ tổ chức một đại hội về bán dẫn, hy vọng có thể diễn ra ở Hà Nội hoặc TP.HCM. Đây là một cách để đưa những ý tưởng và năng lượng từ nước ngoài về Việt Nam.

* Ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN (kiều bào Philippines, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương):

Thời điểm tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 2.

Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam. Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập và khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.

Để có thể phát huy khả năng của các bạn, tranh thủ những công nghệ mới mà các bạn sáng tạo ra, tôi đề nghị Chính phủ nên áp dụng cơ chế sandbox, cho phép những thử nghiệm mà không đòi hỏi nhiều giấy phép.

Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong cải thiện môi trường đầu tư nhưng vẫn cần tăng cường tính minh bạch, đơn giản hóa thủ tục. Cần xem xét cơ chế một cửa dành riêng cho kiều bào - nơi có thể cung cấp thông tin, tư vấn và giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư.

* Ông NGUYỄN NGỌC MAI KHANH (kiều bào Nhật, quản lý cấp cao Marvell Việt Nam):

Mạng lưới kiều bào rất có giá trị với ngành công nghệ cao

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 2.

Tôi trở về Việt Nam cách đây năm tháng, sau 15 năm làm việc và nghiên cứu tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Tôi trở về vừa để tham gia trong ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam vừa để tham gia giảng dạy tại các trường đại học ở TP.HCM, đào tạo cho các bạn sinh viên tiếng Anh, kiến thức, chuyên môn về vi mạch gần gũi hơn với kỹ sư toàn cầu.

Mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn của Việt Nam

là rất hay nhưng cũng đầy thách thức. Tôi tin rằng mạng lưới kiều bào trong ngành vi mạch có thể mở rộng hỗ trợ, đào tạo không chỉ ở trong nước mà còn từ nước ngoài.

Theo kinh nghiệm làm việc của tôi tại Đại học Tokyo, lợi thế của kiều bào là có thể tận dụng được chính sách của nước sở tại về thiết bị, công nghệ, tài liệu. Nếu liên kết được mạng lưới lớn như vậy sẽ tận dụng được ưu đãi của nước sở tại để giúp quê nhà, đồng thời cũng tạo ra cầu nối giữa Việt Nam với các nước tiên tiến.

Kiều bào hiến kế phát triển công nghệ cao - Ảnh 9.Thủ tướng: Nỗ lực 'nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết' tâm tư, nguyện vọng kiều bào

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động vì các chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm với quê hương. Ông nhấn mạnh đất nước luôn trân quý và nỗ lực lắng nghe cho thấu, cho rõ các tâm tư, nguyện vọng của kiều bào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên