28/01/2019 09:53 GMT+7

Kiều bào các nước chộn rộn đón tết

HÀ MY - HỒNG VÂN
HÀ MY - HỒNG VÂN

TTO - Không có kỳ nghỉ dài, vẫn phải đi làm, tết của người Việt xa xứ chỉ là bữa cơm trong gia đình ấm cúng, cúng ông bà nhưng vẫn đậm nét tết Việt.

Kiều bào các nước chộn rộn đón tết - Ảnh 1.

Chị Hương Xuân (thứ hai từ phải sang, đang làm việc ở thủ đô Kathmandu, Nepal) bên mâm cỗ mừng Tết Kỷ Hợi với cộng đồng người Việt gồm ba gia đình - Ảnh: HIỆP TRẦN

Tuổi Trẻ ghi nhận về không khí tết và nỗi niềm của những người Việt xa quê những ngày giáp tết.

Tôi muốn con tôi dù ở nước ngoài nhưng vẫn giữ được gốc Việt qua ẩm thực và tiếng nói, chữ viết. Tôi chú trọng cho con chơi với người Việt và thường đưa các bé về Việt Nam. Do nhiều món Việt bên này không được ngon nên tôi và các mẹ người Việt phải tập nấu để con mình yêu thích đồ ăn Việt.

Chị Lê Thị Hồng Thúy

Gìn giữ bản sắc tết

Đã sống ở Mỹ được 10 năm, việc ăn tết xa nhà không còn là điều xa lạ với gia đình chị Đặng Phi Nhật Hảo. Chị Hảo (36 tuổi) chia sẻ cộng đồng người Việt ở California đông đảo nên không khí tết rộn ràng hơn các tiểu bang khác. 

Chị Hảo muốn con mình được biết đến cái tết truyền thống của người Việt nên năm nào chị cũng chuẩn bị các món truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, mứt, hạt dưa, mâm ngũ quả.

Có năm chị Hảo tự tay làm dưa kiệu, có năm nhờ người thân từ Việt Nam mang sang. Những món khác như bánh chưng, giò chả chị đều có thể dễ dàng mua tại chợ Việt.

Kiều bào các nước chộn rộn đón tết - Ảnh 3.

Trẻ em Việt Nam chơi đùa với lân trong dịp Tết Mậu Tuất ở thành phố Costa Mesa, quận Cam (Hoa Kỳ) - Ảnh: ocregister

Gia đình chị làm mâm cơm cúng, trang trí nhà cửa, mua hoa mai, hoa đào để thêm sắc tết. Chị còn cẩn thận đặt mua áo dài xuân cho hai cô con gái 7 tuổi và 5 tuổi từ Việt Nam vì các bé "thích mặc đồ đẹp" vào dịp tết.

Chị Hảo tâm sự: "Năm nào tôi cũng đưa các con đi chơi ở thương xá Phước Lộc Thọ và chụp ảnh gia đình với không khí tết ở đây. Do bên đây không cấm đốt pháo nên tết tôi mua đồ chơi, pháo chuột cho các bé. Mấy món đồ nho nhỏ này làm tôi nhớ da diết những cái tết của mình khi còn nhỏ ở Việt Nam".

Đi thăm họ hàng là không thể thiếu trong những ngày xuân. Theo truyền thống, mùng 1 hằng năm gia đình chị Hảo đi thăm ông bà để chúc tết và nhận lì xì.

Chị chia sẻ không riêng gia đình chị, phần lớn các gia đình Việt ở California chỉ tổ chức tết trong nội bộ gia đình vì ngày tết vẫn là ngày làm việc bình thường ở Mỹ.

Tại thành phố Kiev (Ukraine), chị Lê Thị Hồng Thúy (46 tuổi) đã hơn 10 năm gói bánh chưng xa nhà để giữ không khí tết Việt. Cách nhà chị 20km có một khu chợ có sạp bán thức ăn của người Việt rất đầy đủ từ nước mắm đến nguyên liệu gói bánh chưng. 

Năm nay chị Thúy cùng một số bạn bè trong số 1.000 gia đình người Việt sinh sống rải rác ở Ukraine đã đặt trước 1kg lá dong, 6kg gạo nếp và 1kg đậu xanh để cùng nhau gói bánh chưng. Họ cùng nhau gói và mỗi nhà được 3-4 cái bánh tự mang về luộc.

"Gói bánh chưng ở nước ngoài quý nhất là lá dong. Chúng tôi đã phải nghĩ ra khuôn làm bánh chưng "thông minh" để tiết kiệm lá, thay vì dùng 4 lá một cái bánh, chúng tôi chỉ cần 2 lá lớn hoặc 3 lá nhỏ" - chị chia sẻ về những buổi tụ tập hàng xóm người Việt gói bánh chưng mỗi năm.

Gia đình chị cũng đến nhà bạn bè chúc tết vào những ngày đầu của năm mới. Trẻ em Việt Nam ở đây cũng được mừng tuổi nhưng thay cho những bao đỏ, bao vàng lấp lánh thì tiền mừng tuổi được đựng trong bao thư trắng.

Chia sẻ văn hóa tết

Cũng như mọi năm, 30 tết năm nay chị Thúy dự định cùng chồng xin về sớm để chuẩn bị cho buổi tiệc tất niên và mời thêm một số bạn bè Tây thân thiết đến nhà ăn cỗ và giới thiệu với họ văn hóa Việt Nam. Do 19h tại Ukraine cũng là 12h đêm ở Việt Nam nên chị luôn cố gắng khai tiệc vào lúc 19h (giờ Ukraine).

"Bạn bè nước ngoài sẽ mang bánh ngọt đến cho mình. Đa số họ rất thích các món chả giò rán, tôm bọc bột, món xào món nộm" - chị Thúy nhận xét.

Riêng gia đình anh chị Thái Hiệp (34 tuổi) - Hương Xuân (30 tuổi) hiện đang làm việc ở thủ đô Kathmandu, Nepal đã xin nghỉ phép 3 ngày để đón tết.

Kiều bào các nước chộn rộn đón tết - Ảnh 4.

Không có hoa đào, chị Hương Xuân (bìa phải, đang làm việc ở thủ đô Kathmandu, Nepal) phải dùng hoa Mộc Lan (Mộc Liên) thay cho hoa đào đón tết - Ảnh: HIỆP TRẦN

Về các món ăn tết, đôi vợ chồng trẻ mua gạo nếp và đậu xanh để nấu xôi. Mâm cơm sẽ có đồ ăn Việt Nam với gà luộc, dưa muối, thịt heo kho trứng cút và các món khác. Tuần sau họ sẽ đi chợ mua trái cây xếp mâm ngũ quả. Đào thì sẽ xin của hàng xóm. Do hoa mai không có ở Nepal, họ thay bằng một loại hoa màu vàng tương đối giống mai.

Anh chị Hiệp - Xuân đã mời các đồng nghiệp người Nepal đến chơi nhà và rất háo hức giới thiệu văn hóa Việt Nam cho họ.

"Ở văn phòng, các bạn đồng nghiệp hay giới thiệu về văn hóa Nepal cho chúng tôi và họ rất tò mò muốn biết người Việt Nam ăn tết thế nào" - chị Xuân chia sẻ.

Hướng về quê nhà

Năm nay, chị Quyên Võ (36 tuổi), Việt kiều Đức hiện sinh sống tại thành phố Oberlungwitz, chuẩn bị đón tết xa xứ thứ hai. 

Chị tâm sự: "Chồng tôi đi công tác xa đúng vào dịp tết cổ truyền nên tôi không ăn tết lớn. Tôi háo hức nhất là họp mặt với các anh chị em người Việt ở Đức. Đây là tết đầu tiên ở Oberlungwitz nên tôi cũng chưa biết nó diễn ra như thế nào".

Đối với chị Quyên, chị rất nhớ bố mẹ và người thân ở Việt Nam nên từ trước tết đã mua bánh kẹo ngon để gửi về và cùng tiền mừng tuổi bố mẹ. Sắm sửa cho riêng mình, chị đến siêu thị châu Á. Dù có nhiều thực phẩm châu Á, chị cho biết ở đây không có bánh chưng, bánh tét. Do vậy chị phải đặt mua của một người Việt.

Cùng quan điểm với chị Quyên, chị K. - du học sinh Việt ở thành phố Melbourne, Úc - chia sẻ nỗi nhớ gia đình và quê hương vào dịp tết.

"Nhờ sống xa nhà mà tôi nhận ra tết quan trọng nhất là gia đình. Dù truyền thống và các nét văn hóa đều quan trọng nhưng tôi nghĩ cần phải duy trì thói quen thăm họ hàng, gia đình và bạn bè vào thời gian này" - chị K. khẳng định.

Rộn ràng khi thấy bánh chưng

bc

Bánh chưng gia đình chị Lê Thị Hồng Thúy gói chuẩn bị cho tết những năm trước - Ảnh: NVCC

Từ bé, bánh chưng với tôi đã có nghĩa là một năm mới, một khởi đầu mới nên không thể không cảm thấy rộn ràng trong lòng mỗi khi thấy mẹ lại mang về một cặp bánh chưng.

Trong một thời gian dài tôi không thật sự biết thế nào là tết Việt Nam cho đến mấy năm gần đây, khi được về và trải nghiệm tết Việt Nam. Tôi nhận ra tết Việt thật quen thuộc với mình. Điều tôi thích nhất chắc chắn là các món ăn truyền thống, tôi thích thói quen đi chùa vào đêm giao thừa của nhiều người Việt.

Chị Chu Chen Kuang (sinh sống ở Đài Bắc) - Hà My ghi

Tết xa xứ ở Hàn Quốc Tết xa xứ ở Hàn Quốc

TT - Những ngày cận tết chúng tôi tìm về cảng Busan, Hàn Quốc, nơi có hàng ngàn lao động VN đang sinh sống và làm việc.

HÀ MY - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên