Ảnh: scmp.com
Sau đó một ngày, tổng chưởng lý bang Mississippi tuyên bố cũng sẽ kiện Chính phủ Trung Quốc với lý do tương tự.
Trước đó, có ít nhất bảy vụ kiện tập thể của công dân Mỹ với Trung Quốc liên quan đến COVID-19. Các vụ kiện thu hút nhiều sự chú ý của công chúng, báo chí, giới chuyên môn ở Mỹ và các nước. Dù mới ở những bước đầu tiên, và theo nhận định của nhiều chuyên gia, sẽ có nhiều rào cản pháp lý, nhưng đây là những vụ kiện rất thú vị từ góc độ pháp lý, chưa hề có tiền lệ.
Ai kiện, kiện ai, đòi gì?
Trừ đơn kiện của Missouri có nguyên đơn là chính quyền bang do tổng chưởng lý đứng tên, các đơn kiện tập thể khác đều của các nhóm dân cư ở Mỹ. Chẳng hạn như hai vụ ở Florida, một do bốn người dân và trung tâm dạy bóng chày đứng đơn nhân danh bệnh nhân COVID-19, vụ kia nhân danh các nhân viên y tế Mỹ. Rồi đơn kiện tập thể ở bang Nevada của một số công ty nhân danh hơn 1 triệu doanh nghiệp nhỏ trên toàn nước Mỹ.
Các nguyên đơn này đều nhắm đến chính phủ và một số cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Chính phủ Trung Quốc.
Các đơn kiện có chung một điểm là cáo buộc bị đơn phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành động của họ liên quan đến COVID-19 được cho là đã gây ra thiệt hại về người và của cho các nguyên đơn.
Mặt khác, các đơn kiện có nội dung chi tiết khác nhau về lý do kiện và lập luận tại sao Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, căn cứ đòi bồi thường, các khoản bồi thường… Ví dụ như cáo buộc Trung Quốc cất giấu trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân, làm thiệt hại cho công chúng của bang (public nuisance).
Các nguyên đơn ở Florida yêu cầu tòa ra lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng không nêu rõ loại biện pháp nào. Còn đơn ở Nevada nói các doanh nghiệp nhỏ đã bị giảm nhiều doanh thu và lợi nhuận do COVID-19, yêu cầu bồi thường thiệt hại tính ra bằng tiền, cộng với việc trừng phạt nêu gương.
Bang Missouri thậm chí đòi áp dụng chế độ "trách nhiệm ngặt nghèo" (strict liablity) đối với những hành vi "hết sức nguy hại" của bị đơn. Số tiền đòi bồi thường của mỗi vụ kiện có thể lên đến hàng tỉ đôla.
Các nguyên đơn viện dẫn thông luật liên bang và của từng bang về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (torts law) để đòi các khoản bồi thường nói trên. Họ cũng dựa trên quy định của luật miễn trừ đối với chủ quyền nước ngoài (Foreign Sovereign Immunities Act, tức FSIA) và một số án lệ để lập luận rằng hành động của Chính phủ Trung Quốc trong đợt dịch nằm trong số ngoại lệ của FSIA, không được miễn trừ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật năm 2019 - Ảnh: AFP
Nhiệm vụ bất khả thi?
Các giáo sư và chuyên gia luật uy tín của Mỹ trong những bài viết hoặc phỏng vấn đều cho rằng các vụ kiện sẽ gặp phải trở ngại pháp lý rất lớn, thậm chí có người còn khẳng định đó là "nhiệm vụ bất khả thi". Họ đều nhắc đến quy định của FSIA về quyền miễn trừ của chính phủ nước ngoài, không bị triệu ra tòa án Mỹ và cho rằng lập luận của các nguyên đơn dựa trên ngoại lệ của quyền miễn trừ là không phù hợp.
Theo các chuyên gia luật học, những hành động không đúng mực của Chính phủ Trung Quốc như các đơn kiện cáo buộc không phải là căn cứ để tước bỏ quyền miễn trừ, vì không phải là hành vi thương mại.
Hơn nữa, những hành động đó, nếu thực sự diễn ra, là hành động của nhà nước có chủ quyền, diễn ra ở Trung Quốc, chứ không phải trên lãnh thổ Mỹ.
Nhiều giáo sư luật của Mỹ chỉ ra theo quy định FSIA về các trường hợp ngoại lệ (mà các nguyên đơn viện dẫn), hành động của bị đơn phải diễn ra tại Mỹ, ở Missouri, chứ không phải ở Vũ Hán, chẳng hạn như một doanh nghiệp do Chính phủ Trung Quốc sở hữu đổ chất thải ra sông hồ ở Mỹ.
Hơn nữa, đã có án lệ năm 2018 của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 từ chối thụ lý vụ kiện liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Theo đó, tòa không xem xét hành động của một chính phủ nước ngoài được thực hiện trên lãnh thổ nước đó. Vì vậy, khả năng cao là các tòa sơ thẩm liên bang cũng sẽ phán xử như vậy với các đơn kiện lần này.
Hơn nữa, tòa án ở các nước thông luật như Mỹ thường rất cẩn trọng trong các vụ kiện liên quan đến quyền miễn trừ dựa trên chủ quyền quốc gia. Tòa tối cao Mỹ giải thích khá rộng về quyền này. Ở đây tồn tại nguyên tắc có đi có lại, được ngầm hiểu với nhau, chúng tôi không để công dân mình kiện nhà nước khác thì nhà nước khác cũng không để công dân kiện nhà nước chúng tôi.
Khả năng rất cao là các thẩm phán sẽ không thụ lý đơn với lý do tòa không có thẩm quyền xét xử tranh chấp giữa chính quyền một bang của Mỹ với một quốc gia có chủ quyền. Hơn nữa, một giáo sư luật hiến pháp khác cho rằng một nguyên tắc quan trọng của luật hiến pháp sẽ "bắt chết" vụ kiện ngay từ khởi đầu.
Theo đó, "đối ngoại là lĩnh vực độc quyền của chính quyền liên bang, và hầu như toàn bộ quyền lực về chính sách đối ngoại thuộc về tổng thống". Áp đặt chế tài đối với Trung Quốc, nếu có, là việc của các định chế tổng thống và Quốc hội, tức một quyết định thuộc chính sách đối ngoại.
Vấn đề còn phức tạp ở chỗ bất kỳ tòa án nào thụ lý đơn kiện cũng đồng nghĩa mở ra chiếc hộp Pandora, tức "thả gà ra đuổi". Nếu bất kỳ tòa án nào ở Mỹ thụ lý hay tuyên Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hành động liên quan đến COVID-19, điều đó sẽ mở đường cho công dân các nước khác kiện Chính phủ Mỹ, ít nhất là đối với hành động chậm trễ của các bang như Missouri và chính quyền Trump khi đối phó đại dịch.
Thậm chí, giáo sư luật quốc tế Joe Trachtman nói nếu Chính phủ Trung Quốc có thể bị kiện vì lý do như vậy, không có lý do gì Chính phủ Mỹ lại không bị kiện vì những thương vong dân sự trong chiến tranh Iraq, hay tình trạng biến đổi khí hậu gây ấm lên toàn cầu vốn gây thiệt hại cho người dân nhiều nước khác sau khi chính quyền Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris.
Trung Quốc khá chắc chắn sẽ từ chối hợp tác nếu bất cứ vụ kiện nào trong số trên được thụ lý, khả năng cao là họ sẽ không công nhận tính hợp pháp của các vụ kiện tại tòa án Mỹ. Ngay cả khi được thụ lý, các vụ kiện này sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ tại tòa, ví dụ chứng cứ về nguồn gốc virus hay hành động sai trái của Chính phủ Trung Quốc...
Thẩm phán Andrew Napolitano đặt câu hỏi: "Một thẩm phán liên bang làm sao mà xác định được virus đến từ đâu, tại sao lại lây lan như vậy? Thẩm phán không thể dựa vào các bài báo, mà phải nghe chứng cứ trực tiếp tại phiên tòa. Điều đó hầu như bất khả thi vào lúc này".
Các cơ chế kiện tụng quốc tế
Theo báo cáo mới đây của Henry Jackson Society, một viện nghiên cứu ở Anh, Trung Quốc có thể phải chịu trách nhiệm về những tổn thất do những hành động của họ lúc dịch mới xảy ra. Cụ thể, việc cố ý giấu thông tin đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu chứng minh được, sẽ là vi phạm Quy chế y tế quốc tế 2005 (International Health Regulations), bộ quy chuẩn về ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh ràng buộc pháp lý mà Trung Quốc là thành viên.
Báo cáo kiến nghị các vụ kiện có thể tiến hành qua 10 kênh khác nhau, nhưng ở tầm quốc tế, như WHO, Tòa án Công lý quốc tế (International Court of Justice - ICJ), Tòa Trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration - PCA), các tòa án ở Hong Kong và ở Mỹ.
Hôm 20-4, 22 nghị sĩ Mỹ đã ký đơn yêu cầu chính quyền Trump kiện Trung Quốc ra ICJ vì những thông tin sai sự thật về tính chất của virus và quy mô của đại dịch. Trong đơn có đoạn viết: "Nếu Trung Quốc không chịu trình diện ở phiên tòa của ICJ, Hiến chương Liên Hiệp Quốc đã có hướng dẫn với các bên bị tổn thất. Các nước có thể áp dụng các điều từ 49 đến 51 để tạm ngưng thực hiện nghĩa vụ đối với Trung Quốc nhằm thúc ép Bắc Kinh chịu trách nhiệm về những thiệt hại to lớn đối với thế giới".
Bên cạnh đó, luật tập quán quốc tế về "trách nhiệm quốc tế" với những thiệt hại gây ra cho nước khác từng được áp dụng ít nhất là trong một vụ xét xử bằng trọng tài những năm 1920. Nhà máy luyện kim ở British Columbia, Canada đã xả khói độc gây thiệt hại với các khu rừng và cây lương thực ở vùng xung quanh, lan sang cả bang Washington của Mỹ.
Một cơ quan trọng tài được cả Mỹ và Canada cùng thành lập để giải quyết tranh chấp. Cuối cùng Chính phủ Canada đồng ý bồi thường. Các nhà nghiên cứu luật học so sánh vụ này với trách nhiệm của Trung Quốc trong vụ COVID-19.
Tuy nhiên, theo David Fidler - giáo sư thỉnh giảng của Trường Luật thuộc Đại học Washington tại St. Louis, cựu cố vấn pháp lý cho WHO, các nước, bao gồm Mỹ, có lẽ sẽ không kiện Trung Quốc ra các diễn đàn quốc tế. Bởi lẽ một dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, nên các nước sẽ không mạo hiểm chơi trò "ném boomerang", vì nó có thể quay lại rơi trúng đầu bất cứ ai! Tất cả các chính phủ đều có lợi ích chung trong việc không áp dụng pháp luật quốc tế một cách máy móc. Hơn nữa, chính quyền Trump vốn không ưa kênh tài phán quốc tế có tính chất bắt buộc thi hành.
Chỉ là chuyện chính trị?
Các nguyên đơn và luật sư của họ không phải không biết những rào cản pháp lý nói trên. Một số chuyên gia luật cho rằng họ không đặt mục tiêu thắng kiện ở tòa án, mà chủ yếu nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và gây áp lực lên quốc hội thông qua dự luật tạo điều kiện cho công dân Mỹ kiện chính phủ nước ngoài. Bầu cử cũng là một lý do đằng sau chuyện kiện tụng.
Lauren Gepford, quan chức cao cấp của Đảng Dân chủ, gọi vụ kiện của Missouri là "trò làm màu" của vị tổng chưởng lý bang này, năm nay đến hẹn tái cử. Giáo sư luật hiến pháp ở Đại học Chicago Tom Ginsburg cũng cho rằng các vụ kiện Trung Quốc gần đây phục vụ mục đích chính trị của phe Cộng hòa, trước cuộc bầu cử lớn vào tháng 11-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận