Tài xế xe công nghệ là đối tượng mà Công đoàn Việt Nam kiến nghị hỗ trợ - Ảnh: NAM TRẦN
Theo ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, một khảo sát do cơ quan này và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng thực hiện chỉ ra cả nước có khoảng 200.000 tài xế công nghệ gồm cả ô tô và xe máy. Gần 50% số tài xế hành nghề tại Hà Nội và TP.HCM. Phần lớn lái xe công nghệ là người ngoại tỉnh, nữ giới chiếm khoảng 5%.
Nghiên cứu sâu hơn tại một công ty cung ứng dịch vụ xe công nghệ lớn, có 2/3 tài xế đã có gia đình và 60% nuôi dưỡng từ 2 người trở lên. Dù thời gian làm việc của lái xe máy công nghệ là 9,2 giờ/ngày và 11,2 giờ/ngày với lái xe ô tô nhưng các khoản thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ... không thường xuyên và khá thấp.
Thu nhập của tài xế xe máy công nghệ là 318.000 đồng/ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng, trong khi tài xế ô tô là 564.000 đồng/ngày, khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Kết luận khảo sát cho thấy "khoảng trống chính sách" đối với đối tượng lao động là lái xe công nghệ, nhất là việc chưa được tiếp cận đầy đủ các chương trình an sinh xã hội.
Do đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc làm, điều kiện làm việc, an sinh xã hội, quản lý nhà nước về lao động tại các công ty cung cấp dịch vụ, sàn giao dịch thương mại điện tử - lái xe công nghệ như Grab, Now, Gojek, Be, Aha...
Từ đó, cơ quan chuyên môn có căn cứ trình cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội. Công đoàn Việt Nam lưu ý khi nghiên cứu hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội với nhóm lái xe công nghệ, cần quan tâm chế độ thai sản, bảo vệ sức khỏe, sức khỏe sinh sản…
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng căn cứ nhu cầu thực tiễn của lái xe công nghệ để sớm có giải pháp hỗ trợ lái xe công nghệ tiếp cận, tham gia các chương trình, dịch vụ an sinh xã hội cho người lao động, nhất là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Theo một chuyên gia pháp luật của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, căn cứ điều 2, điều 3 của Bộ luật lao động 2019, các cơ quan chuyên môn sẽ xem xét, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đối tượng tài xế công nghệ phụ thuộc tình hình thực tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận