26/05/2022 10:10 GMT+7

Kiến nghị bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc khi chủ đầu tư không bàn giao nhà theo đúng tiến độ

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị bổ sung thêm quy định về thực hiện bảo hiểm bắt buộc về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Kiến nghị bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc khi chủ đầu tư không bàn giao nhà theo đúng tiến độ - Ảnh 1.

Khách hàng tìm hiểu thông tin tại một dự án chung cư ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xem xét gia hạn nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, và đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định về thực hiện bảo hiểm bắt buộc về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng, khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Theo HoREA, việc gia hạn nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới sau dịch COVID-19 và các thách thức kinh tế toàn cầu, nhất là dấu hiệu gia tăng nợ xấu tại một số tổ chức tín dụng.

Đồng thời, HoREA kiến nghị cần "luật hóa" quy định cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi "có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nghị quyết 42 để áp dụng chung cho tất cả các trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất.

Từ đó đảm bảo tính công bằng và coi chuyển nhượng dự án là hoạt động bình thường theo nhu cầu của doanh nghiệp và nộp thuế chuyển nhượng dự án cho Nhà nước".

Nói về kiến nghị bổ sung quy định bảo hiểm bắt buộc khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ, HoREA cho rằng khách hàng thường là bên yếu thế.

Tuy nhiên, Luật kinh doanh bất động sản hiện chỉ quy định một biện pháp bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng. Biện pháp này đúng nhưng chưa đủ để bảo vệ khách hàng trước các rủi ro.

Việc bổ sung quy định nói trên sẽ bảo vệ tốt hơn cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai. Mặt khác, chủ đầu tư có thể lựa chọn thực hiện bảo lãnh ngân hàng hoặc thực hiện bảo hiểm bắt buộc để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng.

Cụ thể, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 điều 9 dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)" theo hướng: "Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng hoặc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai trong trường hợp chủ đầu tư không được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng".

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 56 Luật kinh doanh bất động sản 2014: "Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng, hoặc thực hiện bảo hiểm bắt buộc khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng".

Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điều 292 Bộ luật dân sự 2015: "Bảo hiểm rủi ro cũng là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ" để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Trước đó, ngày 24-5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã báo cáo tổng kết nghị quyết số 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết số 42.

Tính đến 31-12-2021, toàn hệ thống đã xử lý được 380.200 tỉ đồng nợ xấu, bằng 47,9% số nợ xấu theo nghị quyết số 42 tại thời điểm 15-8-2017. Trong số này có 148.000 tỉ đồng do khách hàng tự trả nợ (chiếm 38,93%), cao hơn so với mức 22,8% trung bình năm từ 2012-2017.

Đồng thời kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và VAMC đạt 77.200 tỉ đồng, chiếm 20,3%.

Đến hết ngày 15-8-2022, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo nghị quyết số 42 sẽ không được áp dụng, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Việc này sẽ kéo dài quá trình xử lý nợ xấu, không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết số 42 đến ngày 31-12-2023; nghiên cứu và đề xuất quy định liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo để trình Quốc hội.

Lo ngại nhiều lĩnh vực có nợ xấu cao như bất động sản, vay tiêu dùng, BOT giao thông... Lo ngại nhiều lĩnh vực có nợ xấu cao như bất động sản, vay tiêu dùng, BOT giao thông...

TTO - Đồng tình với đề nghị kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, song Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng cần đánh giá kỹ việc xử lý nợ xấu khi kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên