14/09/2014 09:45 GMT+7

Kiểm tra thông tin phạm nhân ở tù như ở resort

TTXVN - V.V.THÀNH
TTXVN - V.V.THÀNH

TT - Ngày 13-9 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đã tiến hành phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương.

*Thời điểm thuận lợi để thể chế hóa cải cách tư pháp

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe và cho ý kiến về báo cáo của tổ nghiên cứu liên ngành về kết quả nghiên cứu, đề xuất nội dung dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp; các báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về một số nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật dân sự năm 2005.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao báo cáo của tổ nghiên cứu liên ngành về dự thảo nội dung xây dựng văn kiện Đại hội XII của Đảng đã có những nhận xét, đánh giá sát thực với tình hình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian qua, nêu được những quan điểm, định hướng lớn về công tác tư pháp và cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Chủ tịch nước nhấn mạnh việc thể chế hóa các chủ trương cải cách tư pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự là nhu cầu rất cấp thiết hiện nay.

Đây là thời điểm, là cơ hội rất thuận lợi cho việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp.

Các cơ quan tư pháp trung ương, các bộ ngành liên quan cần nắm bắt cơ hội này, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật đã được phân công theo đúng tiến độ, bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, bảo đảm các chủ trương của Đảng về công tác tư pháp và cải cách tư pháp được xác định trong nghị quyết số 49-NQ/TW phải được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời.

* Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào ngày 13-9, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị kiểm tra thông tin phạm nhân ở tù mà như ở resort.

Theo bà Khánh, trong khi có những trại giam quá tải khiến cả phạm nhân và giám thị đều vất vả thì nhiều cử tri lại phản ảnh một bộ phận phạm nhân được đối xử rất tốt, ở rất sướng như là ở resort.

“Đề nghị kiểm tra có đúng hay không? Ví dụ như tội phạm tham nhũng mà ở sướng như vậy thì phải cho kiểm tra, làm rõ có sự phân biệt hay không” - bà Khánh nói.

Trung tướng Tạ Xuân Bình, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, cho biết trong khi đấu tranh quyết liệt để ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ tinh vi không đúng quy định, các trại giam đã và đang gặp khó khăn do số lượng phạm nhân hằng ngày đi ra ngoài trại để lao động rất nhiều. Có những trại lên đến hàng nghìn người ra vào mỗi ngày nên rất khó kiểm soát, “ở các nước thường không có việc ra khỏi trại giam để lao động như ở ta”.

Về đề nghị của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, trung tướng Bình nói sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu có ưu ái không đúng quy định thì chấn chỉnh ngay.

* Tại phiên họp, nhiều đại biểu đề cập vấn đề thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho biết ở Thái Bình trước đây thi hành án tử hình chỉ hết 20-30 triệu đồng, sau khi có quy định mới là tử hình bằng tiêm thuốc độc thì phải đưa phạm nhân vào Nghệ An để thi hành án và chi phí cho mỗi lần như vậy bao gồm cả vận chuyển và tiêm thuốc là trên 200 triệu đồng.

Cũng theo ông Thường, chi phí để đưa phạm nhân từ các tỉnh khác đến Sơn La thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc đều tương tự như vậy, thậm chí đưa từ Lào Cai sang Sơn La thì chi phí khoảng 400 triệu đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ việc thi hành án tử hình vừa qua, từ đó đề xuất có tiếp tục bằng tiêm thuốc hay không, nếu tiếp tục thì phương án cụ thể như thế nào?

TTXVN - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên