10/10/2019 15:03 GMT+7

Kiểm tra đột xuất ô nhiễm nhưng quận lại hỏi sao không có kế hoạch?

LÊ PHAN - THẢO LÊ
LÊ PHAN - THẢO LÊ

TTO - Sự việc được trung tá Đoàn Phước Nguyên, Phòng Cảnh sát môi trường (PC05, Công an TP.HCM) báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội TP trong buổi giám sát thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường sáng 10-10.

Kiểm tra đột xuất ô nhiễm nhưng quận lại hỏi sao không có kế hoạch? - Ảnh 1.

Toàn cảnh khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bất cập trong phối hợp

Ông Nguyên cho biết, có trường hợp cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất việc xả thải của các cơ sở ô nhiễm tại quận 9 thì quận này cho biết không có kế hoạch trước đó, nên không phối hợp.

"Nếu có kế hoạch trước, sẽ mất đi tính bất ngờ, thông tin về buổi kiểm tra có thể bị rò rỉ, các đơn vị vi phạm sẽ có cách đối phó. Đây là bất cập rất lớn trong việc phối hợp làm việc", ông Nguyên nói.

Một yếu tố nữa khiến việc kiểm tra xử phạt ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp trở nên khó khăn là do sự quản lý còn chưa chặt chẽ của đơn vị quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Ông Nguyên ví dụ, rất nhiều lần kiểm tra việc vi phạm, kết quả sơ bộ cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm mà các cơ sở công nghiệp thải ra đều vượt ngưỡng, nhưng kết quả quan trắc được báo cáo sau đó lại đạt tiêu chuẩn.

Kiểm tra đột xuất ô nhiễm nhưng quận lại hỏi sao không có kế hoạch? - Ảnh 2.

Trung tá Đoàn Phước Nguyên, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ

Ở góc độ quản lý, ông Phạm Thanh Trực - phó ban quản lý khu chế xuất, công nghiệp (Hepza) -cho biết việc xử lý vi phạm về môi trường phải có sự phối hợp giữa các sở ngành do quy định pháp luật hiện nay còn nhiều kẽ hở.

"Hiện nay 100% nhà máy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Chỉ có vấn đề phát sinh khí thải từ các lò hơi, lò nhiệt các nhà máy dệt, nhuộm đang khá nan giải.

Chúng tôi đã phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ nghiên cứu các dự án xử lý khí thải, nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn", ông Trực nói

Ông Trực đề xuất với đoàn đại biểu Quốc hội phân cấp xử lý môi trường cho Hepza vì từ lâu Hepza đã không được ủy quyền việc này. Điều đó, dẫn tới nhiều trường hợp nhiều doanh nghiệp khi kiểm tra bị phạt và yêu cầu phải ngưng hoạt động dẫn tới thiệt hại về kinh tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp xả thải vi phạm, nhưng lại… yêu cầu cả khu công nghiệp, chế xuất ngưng hoạt động.

Một vấn đề khác mà các quận huyện yêu cầu cần phải thay đổi là việc cấp phép kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp. Đại diện quận Bình Tân cho biết khi cơ quan chức năng cấp phép phải có phối hợp với địa phương vì nhiều cơ sở lúc di dời, xử phạt rất cù nhây.

Xóa bớt các khu, cụm công nghiệp không hoạt động

Lắng nghe ý kiến của các sở ngành và địa phương, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho biết sẽ tiếp nhận ý kiến của các đơn vị để có đề xuất lên lãnh đạo thành phố.

Ông Nghĩa cũng nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay rất được người dân và lãnh đạo thành phố quan tâm.

Kiểm tra đột xuất ô nhiễm nhưng quận lại hỏi sao không có kế hoạch? - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Phó đoàn luật sư TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Sự phát triển quá nhiều của các nhà máy đã làm không khí, môi trường thành phố bị ô nhiễm đáng kể. Theo quy hoạch, thành phố sẽ có 23 khu công nghiệp, khu chế xuất và 6 cụm công nghiệp. Trong số đó, nhiều nơi chưa có doanh nghiệp hoạt động. Ông Nghĩa đề xuất nên xóa bớt các vị trí này để dùng đất vào việc khác.

Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cho biết đoàn giám sát sẽ kiến nghị UBND TP.HCM và các cơ quan tăng cường nguồn nhân lực công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, bố trí thêm kinh phí, đầu tư các máy móc thiết bị mới phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm.

Kiểm tra đột xuất ô nhiễm nhưng quận lại hỏi sao không có kế hoạch? - Ảnh 4.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Cần ban hành các văn bản phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành để việc kiểm tra, xử lý diễn ra nhanh chóng, có hiệu quả.

"Thành phố cần xem xét hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung liên quan đến môi trường, để các cơ quan có liên quan xử lý các số liệu, dữ liệu kịp thời, không để bị thụ động như hiện nay.

Đặc biệt, Quốc hội cần rà soát lại để đảm bảo tính tương thích giữa các bộ luật, tránh các kẽ hở gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm", bà Tuyết nhận định.

Xử phạt gần 4 tỉ đồng

Ông Trần Nguyên Hiền, chi Cục bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và môi trường TP.HCM) cho biết trong năm 2018 đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chình với 23 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường và xử phạt với số tiền hơn 3,8 tỉ đồng.

Nuôi vịt xả thải ra kênh: bò hết nước uống, cá tôm không còn Nuôi vịt xả thải ra kênh: bò hết nước uống, cá tôm không còn

TTO - Một chuồng chăn nuôi vịt quy mô lớn với hàng chục ngàn con nằm giữa đồng đã xả thải ra kênh nội đồng gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của hàng chục hộ dân gần đó phải gánh chịu.

LÊ PHAN - THẢO LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên