Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đang thi công - Ảnh TỰ TRUNG
Kết luận cho biết UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo quyết định 4480 năm 2011 là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.
Điều chỉnh dự án sai thẩm quyền
Cụ thể, dự án điều chỉnh có tổng mức đầu tư 47.325 tỉ đồng. Trong khi theo nghị quyết số 49 năm 2010 của Quốc hội, dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn 35.000 tỉ đồng là dự án quan trọng quốc gia và sẽ phải trình Quốc hội xem xét.
Còn theo Luật xây dựng năm 2003, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia là Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2017 sang năm 2019 cũng không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Bởi theo quy định, với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, theo quyết định đầu tư quy mô nhà ga Bến Thành là ga trung tâm có 2 tầng với diện tích sàn là 12.270m2. Tuy nhiên, quy mô đầu tư đã được điều chỉnh lên 4 tầng với diện tích sàn hơn 30.000m2 với chức năng ga trung tâm tích hợp trung tâm thương mại ngầm.
Đội vốn do đội giá thiết bị
Về nguồn vốn, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh không đúng khi giá trị được lập với hai loại tiền là đồng yen và VND.
Tại thời điểm lập tổng mức đầu tư vào tháng 10-2009, giá trị phê duyệt là 236,6 tỉ yen, do đó trượt giá cũng phải được tính theo tiền yen và tổng mức đầu tư điều chỉnh chỉ còn 206,126 tỉ yen, giảm 30.500 triệu yen.
Báo cáo của chủ đầu tư việc tăng tổng mức đầu tư là do tăng giá nguyên vật liệu và tăng lương tối thiểu từ năm 2006-2009 khiến tổng mức đầu tư tăng 40%; tăng khối lượng xây dựng do tăng lưu lượng hành khách khiến tổng mức đầu tư tăng lên 43%.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước còn xác định có việc đội giá một số thiết bị nhập khẩu tính toán trong dự toán so với giá dự thầu.
Đơn cử, giá các trạm điện được nhà thầu Mitsubishi, Toshiba, Hitachi chào giá lần lượt 1.230, 2.359 và 1.602 triệu yen, trong khi giá dự toán của dự án là 5.651 triệu yen, cao hơn 3,5 lần.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đoạn qua Q.9 và Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỉ đồng
Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 2.898 tỉ đồng, trong đó thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỉ đồng; nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ đồng; giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96,5 tỉ đồng; xử lý khác là 2.648 tỉ đồng...
Trong đó, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM phải xử lý theo kết quả kiểm toán 2.864 tỉ đồng và phải đàm phán, thương thảo với các nhà thầu để giảm giá hợp đồng các gói thầu CP1b, CP2... tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư...
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Ban quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận, kiến nghị nêu trên, tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về những tồn tại, sai sót và có hình thức xử lý theo đúng quy định.
Đồng thời, cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát, báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện dự án từ khi thực hiện đến nay; các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhất là các căn cứ pháp lý khi thực hiện dự án.
Đồng thời, rà soát xác định chính xác tổng mức đầu tư dự án, tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật để tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo đúng quy định.
Nhiều gói thầu chậm tiến độ
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu tiến độ ban đầu là hoàn thành dự án vào quý 1-2017, nay dự kiến kéo dài đến năm 2020 (chậm 4 năm), tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí trượt giá và yêu cầu bồi thường từ phí nhà thầu.
Cụ thể, gói thầu CP2, tổng thời gian thực hiện 47 tháng nhưng nay dự kiến đến tháng 1-2020, chậm 53 tháng. Gói thầu CP1b dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2019, nhưng đến nay mới đạt 67%.
Gói thầu CP3, theo hợp đồng đến tháng 4-2018 phải hoàn thành, tuy nhiên đến cuối tháng 9-2018 mới thực hiện được khoảng 35% khối lượng.
Việc chậm tiến độ trên đã buộc chủ đầu tư phải ký phụ lục hợp đồng tư vấn chung kéo dài thời gian thêm 7 tháng với giá trị phát sinh 112,8 tỉ đồng, tăng chi phí lãi vay dự kiến phát sinh khoảng 59 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ trách nhiệm thuộc về UBND TP.HCM, chủ đầu tư là Ban quản lý đường sắt đô thị và các bên liên quan.
Ông Hoàng Như Cương phê duyệt sai thẩm quyền
Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ sai phạm của ông Hoàng Như Cương - phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị - khi phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền.
Bởi ông Cương chỉ là cấp phó, không có thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư và quy mô dự án quan trọng của quốc gia.
Đồng thời vì dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia nên việc Sở KH-ĐT TP.HCM thẩm định dự án để phê duyệt cũng không đúng thẩm quyền. Nội dung thẩm định không đảm bảo theo quy định...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận