17/01/2013 21:15 GMT+7

Kiểm soát súng đạn Mỹ: trẻ em vào cuộc?

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Buổi công bố đề xuất kiểm soát vũ khí của Tổng thống Barack Obama đã dấy lên một cuộc tranh luận khác: trẻ em có bị bị lôi kéo vào vũ đài chính trị?

Tổng thống Mỹ công bố đề xuất kiểm soát súngNew York thông qua dự luật kiểm soát súng đạn mớiMỹ: quyết tâm kiểm soát súng đạn

v4apvkzN.jpgPhóng to
Tổng thống Barack Obama ôm một bé gái sau khi công bố các đề xuất kiểm soát súng đạn của chính phủ Mỹ - Ảnh: Reuters

Báo Washingtin Post cho biết đến dự buổi công bố của Tổng thống Obama là bốn em đã viết thư tay cho tổng thống để kiến nghị ông ban hành các biện pháp quản lý vũ khí chặt chẽ hơn sau vụ thảm sát ngày 14-12 ở trường tiểu học Sandy Hook. “Cháu rất buồn vì những bạn bè qua đời quá sớm. Cháu nghĩ mình cần phải viết thư cho ngài tổng thống để ngăn chặn tình trạng này” - bé Taejah Goode, 10 tuổi, từ bang Georgia cho biết.

Theo báo Washington Post, Tổng thống Obama cũng chia sẻ rằng ông đã treo một bức tranh do bé Grace McDonnell - một nạn nhân 7 tuổi trong vụ xả súng ở Newtown - vẽ tại phòng làm việc riêng ở Nhà Trắng. “Mỗi lần nhìn vào bức tranh, tôi không khỏi suy nghĩ về bé Grace và tương lai bị cướp đi của bé. Tôi luôn được nhắc nhở rằng “Chúng ta phải hành động ngay lúc này vì tất cả người Mỹ đang trông cậy chúng ta bảo vệ con em họ” - Washington Post dẫn lời ông Obama.

Trên thực tế, phần lớn nạn nhân trong thảm kịch kinh hoàng ở trường Sandy Hook đều là học sinh 6-7 tuổi nên không thể tránh khỏi khả năng trẻ em là đối tượng chính được đề cập tới trong các cuộc tranh luận chính trị.

Tuy nhiên, người đẩy sự việc đi quá xa, và trong chừng mực nào đó thì theo hướng tiêu cực, chính là Hiệp hội súng trường Mỹ (NRA).

Phát ngôn gây sốc

Báo Washington Post cho biết NRA cáo buộc Tổng thống Obama là “kẻ đạo đức giả” trong một đoạn video quảng bá rộng rãi. Nguyên nhân là do Tổng thống Obama ngoài mặt thì bác bỏ đề xuất của NRA về việc cử bảo vệ vũ trang đến trường học, trong khi hai con gái riêng của tổng thống luôn được đặc vụ bảo vệ 24/24.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney chỉ trích gay gắt tuyên bố của NRA là “đáng khinh và hèn nhát”. “Tất cả mọi người Mỹ đều đồng ý rằng con cái của tổng thống không nên được xem là con tốt trong các cuộc đấu đá trên chính trường”.

Các chuyên gia truyền thông nhận định cùng là sử dụng hình ảnh trẻ em vì mục đích chính trị, nhưng hiệu ứng từ hành động của Tổng thống Obama khác hẳn với cách làm của NRA.

“Tiếng nói của trẻ em luôn mang lại cảm xúc. Khi đề cập đến những trẻ em bị thảm sát tại trường học thì còn đối tượng nào thích hợp hơn nếu chúng ta muốn hỏi ý kiến” - giáo sư khoa học chính trị George Edwards (Đại học Texas A&M) nói. Trong khi phó giáo sư Brendan J.Doherty (Học viện hải quân Mỹ) thì nhận định “video của NRA rõ ràng vi phạm truyền thống lâu đời về việc tránh để những người con chưa thành niên của tổng thống dính vào các vòng xoáy chính trị”.

Nhiều Thượng nghị sĩ Dân chủ thúc giục NRA phải gỡ đoạn video ngay lập tức. Chủ tịch NRA David Keene chống chế: “Chúng tôi muốn nói chung đến con cái của tầng lớp thượng lưu chứ không chỉ là con gái của tổng thống”.

Không phải là tiền lệ

Việc các chính trị gia Mỹ tranh thủ hình ảnh trẻ em trong các chiến dịch của mình đã từng diễn ra nhiều lần. Cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush từng tổ chức lễ ký dự luật “Không trẻ em nào bị bỏ rơi” tại một trường phổ thông ở Hamilton, bang Ohio năm 2002. Hoặc Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi từng mời rất nhiều trẻ em đến trụ sở Hạ viện dự lễ tuyên thệ chủ tịch Hạ viện của bà vào năm 2007.

Tuy nhiên, sự góp mặt của bốn em nhỏ trong buổi công bố sáng nay 17-1 tại Nhà Trắng có đôi chút khác biệt, do các em chính là người đã viết thư tay cho Tổng thống Obama để bày tỏ ý kiến chính đáng của mình.

Với ý nghĩa này, phó giáo sư ngành báo chí Alan Schroeder (Đại học Northeastern) nhận định có thể phát sinh thêm một mục đích mới khi muốn sử dụng tiếng nói trẻ em. “Tổng thống trưng bày rất nhiều hình chụp với trẻ em trong những năm qua, nhưng chủ yếu chỉ mang một ý nghĩa biểu tượng chứ không có tác động về mặt chính trị. Còn sự việc lần này khác biệt ở chỗ trẻ em chính là đối tượng để phản ánh một vấn đề rộng lớn hơn. Đó cũng là một yếu tố chính trị khi các em xuất hiện trên khán đài cùng với Tổng thống”.

Tuy nhiên, giáo sư Edwards thì cho rằng việc có thêm tiếng nói của các em chưa chắc sẽ tác động lớn đến quá trình thông qua các đề xuất của Tổng thống Obama tại quốc hội. “Chính các sự kiện, các bi kịch mới làm thay đổi quan điểm con người”.

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên