31/01/2019 16:14 GMT+7

“Kích” sức mua đến tận giờ chót

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

Tuần cao điểm cuối cùng trước khi “giờ vàng” bán hàng kết thúc (trước 12h ngày 30 Tết), cuộc đua cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng giữa kênh bán lẻ hiện đại với kênh truyền thống diễn ra vô cùng sống động trong dịp Tết năm nay.

Với sự thay đổi ngoạn mục về phương thức mua sắm theo hướng "tiện đâu sắm đó", thị trường những ngày cận Tết càng sôi động khi nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại, chợ truyền thống đều đồng loạt mở cửa "hết ga" giờ giấc hòng hướng tới một mục tiêu duy nhất: bán được nhiều hàng hóa trong những ngày "năm hết, tết đến" cận kề.

“Kích” sức mua đến tận giờ chót - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM sáng 30-01 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người mua và bán đều "linh hoạt" giờ giấc

Vừa tầm 7h30 thì con đường chuyên bán quần áo, giày dép đông đúc Huỳnh Văn Bánh, Trần Huy Liệu, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng 8, Hai Bà Trưng… gần như đã mở cửa đón khách. Hai tuần nay, hầu hết những con đường "chuyên trị" hàng thời trang đã thay đổi nhịp sinh hoạt khi những ngày sát Tết cận kề.

Mở cửa từ 6h sáng, đóng cửa lúc 12h khuya

Hệ thống bán lẻ Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile tại TP.HCM tăng thời gian mở cửa phục vụ Tết, cụ thể:

 Từ ngày 20 - 26 âm lịch: mở cửa từ 7h-23h

 Từ ngày 27 - 29 âm lịch: mở cửa từ 6h-24h

 Ngày 30 Tết: mở cửa từ 6h đến 12h

"Ai cũng tranh thủ để đi mua sắm vì tình trạng kẹt xe đang ở mức cao điểm nếu chỉ đợi giờ tan tầm mới đi. Cửa hàng trưởng yêu cầu phải mở cửa sớm hơn một tiếng rưỡi so với trước kia để bất kỳ ai muốn tạt vào mua lúc nào cũng được, nên nhân viên tụi em cũng phải tăng ca buổi sáng từ hai tuần nay rồi", một nhân viên bán hàng thương hiệu thời trang G. (đường Hai Bà Trưng, Q.3) chia sẻ.

Còn tại khu vực chuyên bán nội thất, đồ gỗ mỹ nghệ đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Ngô Gia Tự, hoặc chuyên doanh đồ thờ cúng quanh trục đường Nguyễn Chí Thanh (Q.10), mức độ nhộn nhịp ngày thường dường như tăng lên gấp nhiều lần khi nhu cầu mua sắm, làm mới vật dụng trong nhà ngày giáp Tết càng tăng cao.

"Nếu mua đồ nhỏ gọn thì gia chủ tự vận chuyển, còn nếu muốn cửa hàng giao thì phải sau 21h, chứ tầm trưa thì cũng kẹt tới chiều, mà hẹn chiều thì không thể vận chuyển được do kẹt xe đang diễn ra khắp nơi", ông Đỗ Bá, người nhận chở hàng thuê khu vực đồ gỗ Ngô Gia Tự, phân trần.

Trong khi đó tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), mới hơn 6h mà bãi giữ xe lẫn chợ đã nhộn nhịp người mua kẻ bán. Chị Nguyễn Ngọc Phượng, tiểu thương kinh doanh sạp đồ khô, cho biết một tuần trở lại đây, hầu hết tiểu thương trong chợ đều đã hoàn tất việc dọn hàng đón khách từ tờ mờ sớm "vì ai cũng tranh thủ đi sắm sang dần cho Tết. Mấy món đồ được mua nhiều nhất ở chợ thời gian này là đồ khô các loại, nhang đèn, gia vị, hoặc đặc sản riêng của từng sạp được dặn trước, chờ ngày đến lấy sau", chị Ngọc Phượng thông tin.

Cũng theo chị Phượng, không đơn thuần bởi là ngày Tết mà việc dọn hàng ra sớm và đóng sạp về muộn theo nếp xưa, "mà vì cũng muốn cạnh tranh với mấy cái siêu thị ngày "mọc" ra càng nhiều. Mình có ráng lắm cũng tầm 19h30h là hết mức, chứ siêu thị họ sáng đèn tới đêm vui nhộn nhìn cũng…sốt ruột lắm" chị Phượng thừa nhận.

Muôn kiểu khuyến mãi, so kè mức giá

Xu hướng mua sắm thay đổi, phân khúc khách hàng ngày càng đa dạng kèm theo sự "kèn cựa" về chính sách giá bán khiến cuộc chiến giữ chân người tiêu dùng giữa các mô hình kinh doanh: truyền thống, hiện đại hay bán hàng trực tuyến ngày càng khốc liệt.

“Kích” sức mua đến tận giờ chót - Ảnh 3.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart Lý Thường Kiệt, Q.10, TP.HCM sáng 30-01 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Mình bán ở chợ mối nào "ruột" lắm cũng chỉ giảm tối đa 10.000 đồng/món là hết mức. Nhưng ở siêu thị nghe đâu có chính sách giá gì mà hễ mua cùng một món đồ, đến cái thứ ba thì giá gần như cho không, thì sao mình bán được như người ta. Người đi chợ vẫn còn, nhưng ít đi nhiều lắm rồi, nên cũng khó nghĩ lắm", chị Ngọc Phượng tình thật phân trần.

Theo ông Đỗ Quốc Huy, giám đốc marketing Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), nếu nhìn dưới góc độ kinh doanh, mô hình kinh doanh cho dù có quy mô lớn hay nhỏ, cũng đều "đau đầu" trước thách thức làm sao làm hài lòng được người tiêu dùng ở chính sách giá bán hợp lý và hấp dẫn nhất.

Đơn cử như với chính sách giá được Saigon Co.op "thiết kế" đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán năm nay là "Mua nhiều ưu đãi lớn" đến tận trưa 30 Tết (tức ngày 4-2 tới), ngay cả khi tính toán mặt hàng nào cần được "đẩy" giá nhiều nhất hòng kích sức mua người tiêu dùng cho sản phẩm phù hợp nhất trong khoảng thời gian đặc biệt này, ông Huy cho hay bộ phận marketing phải tính toán, lựa chọn rất kỹ mặt hàng để phù hợp với nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

 Mở cửa từ mùng 2 Tết, mùng 6 Tết hoạt động bình thường

 Từ ngày 6 đến ngày 9-2-2019 (mùng 2 - mùng 5 Tết): mở cửa từ 8h-12h trưa

 Ngày 10/2/2019 (mùng 6 Tết): mở cửa hoạt động bình thường

Riêng chuỗi cửa hàng tiện lợi Cheers hoạt động xuyên suốt 24/7. Các siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, trung tâm thương mại Sense City tại các tỉnhh, thành phố khác tùy theo điều kiện của địa phương, tòa nhà sẽ cân đối giờ mở và đóng cửa cho phù hợp để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất.

"Chẳng hạn với mặt hàng thức uống hay được mua nhiều trong dịp Tết là bia, chúng tôi quyết định giảm giá 25.000 đồng/thùng đối với Budweiser, thậm chí giảm đến 39.000 đồng/thùng nếu chọn Sapporo. Còn nếu cần mua sắm mới, một loạt mặt hàng gia dụng được áp dụng mức giá giảm từ 30-50% đang chờ khách hàng lựa chọn cho cơ hội không thể tốt hơn này", ông Huy thông tin.


QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên