15/03/2021 07:28 GMT+7

Kịch bản nào cho khủng hoảng Myanmar?

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Đã hơn một tháng kể từ khi lực lượng quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, bài toán Myanmar cho đến nay vẫn chưa có lời giải.

Kịch bản nào cho khủng hoảng Myanmar? - Ảnh 1.

Gia đình khóc thương cho Aung Than (41 tuổi) ở Thaketa, Yangon hôm 13-3. Aung Than chết trong cuộc trấn áp của lực lượng an ninh - Ảnh: Reuters

Cho dù các nước bên ngoài và các tổ chức quốc tế như Mỹ, Trung, ASEAN cho đến Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang tìm kiếm những giải pháp khác nhau cho vấn đề Myanmar, nhưng nếu nhìn lại lịch sử Myanmar, chính các nhân tố nội bộ mới là chìa khóa cho những vấn đề của đất nước này.

3 kịch bản

Kịch bản thứ nhất là lực lượng quân đội sẽ ổn định được tình hình và quay trở lại cầm quyền, tương tự như những gì đã diễn ra tại nước láng giềng Thái Lan. Lực lượng quân đội Myanmar, cũng như Thái Lan, vốn có truyền thống lên nắm quyền sau các cuộc đảo chính trong lịch sử đương đại của cả hai nước.

Kịch bản này khó thành hiện thực, do lực lượng quân đội Myanmar không có sự hậu thuẫn của một bộ phận công chúng lớn như những gì diễn ra ở Thái Lan. Thậm chí, nếu có những sự ủng hộ nhất định đối với việc quân đội quay trở lại nắm quyền nhưng trong tương quan so sánh với phong trào phản đối trên quy mô lớn như hiện nay, nền tảng ủng hộ đối với quân đội Myanmar không có nhiều.

Ngoài ra, 10 năm cải cách, mở cửa dù chưa hoàn toàn nhưng cũng đã mang lại sự phát triển nhất định cho Myanmar mà đại bộ phận người dân Myanmar sẽ không dễ dàng buông bỏ. Các biện pháp trấn áp của quân đội có thể mang lại những kết quả ban đầu nhưng khó có thể đảm bảo một sự ổn định lâu dài.

Kịch bản thứ hai là phong trào phản đối sẽ tiếp tục lan rộng và dẫn đến việc chính quyền quân sự phải nhượng bộ - hoặc trao trả lại chính quyền cho Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi hoặc một chính quyền dân sự mà những người biểu tình chấp nhận như đã từng diễn ra tại Ai Cập, Sudan và một số quốc gia khác.

Khả năng này sẽ chỉ diễn ra nếu phong trào phản đối leo thang và nổ ra các cuộc đụng độ lớn giữa những người biểu tình và lực lượng quân đội. Với làn sóng phản đối trong nước tăng lên, cùng với đó là sức ép cũng gia tăng từ bên ngoài, có thể sẽ làm thay đổi tính toán của những lãnh đạo quân đội, nhất là giữa các tướng lĩnh vốn ủng hộ việc cải cách, mở cửa trước đây và những người chủ trương đưa quân đội trở lại nắm quyền hiện nay. Nhưng lãnh đạo quân đội thực hiện cuộc chính biến khó sẵn sàng chấp nhận điều này, nếu không có sự đảm bảo về an toàn cũng như những lợi ích vốn có từ phía chính quyền mới.

Kịch bản thứ ba là sự bất ổn sẽ tiếp diễn mà không bên nào giành thắng lợi rõ rệt, tương tự như những gì đã diễn ra tại Venezuela. Cho đến nay, lực lượng quân đội dường như chưa cho thấy sự sẵn sàng nhượng bộ khi vẫn tiếp tục có các biện pháp cứng rắn, thậm chí trấn áp đẫm máu người biểu tình. Làn sóng phản đối cũng không có dấu hiệu giảm sút với các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở các thành phố lớn cùng với phong trào bất tuân dân sự trên cả nước.

Giải pháp thỏa hiệp

Cho đến nay, rất khó có thể dự đoán tình hình Myanmar sẽ rẽ theo hướng nào và các chỉ dấu dường như cho thấy mọi khả năng đều có thể xảy ra.

Nhưng với việc lực lượng quân đội bị bất ngờ trước quy mô của các cuộc biểu tình phản đối cũng như thế yếu của Đảng NLD trong tương quan so sánh sức mạnh với quân đội, không bên nào có thể dễ dàng thay đổi cục diện hiện nay. Có lẽ một lúc nào đó lực lượng quân đội và Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi sẽ phải kiếm một giải pháp thỏa hiệp.

Việc Ủy ban bầu cử do quân đội chỉ định đã gặp gỡ các đảng phái chính trị để trao đổi về việc thay đổi hệ thống bầu cử, cũng như những tiếp xúc của đại diện lực lượng quân đội với bộ trưởng ngoại giao Indonesia và Thái Lan ở Bangkok dường như cho thấy quân đội cũng muốn tìm kiếm một giải pháp có thể chấp nhận được.

Nhưng có lẽ ít nhất từ nay cho đến khi quân đội và Đảng NLD có thể ngồi lại với nhau và thậm chí sau đó, bất ổn nhiều khả năng sẽ trở thành "bình thường mới" của Myanmar.

Và như vậy, cho dù kịch bản nào có xảy ra, điều chắc chắn nhất là cuộc khủng hoảng này sẽ kéo lùi đất nước Myanmar, vốn đã là một trong những nước nghèo nhất ở Đông Nam Á, lại nhiều năm, thậm chí hàng thập niên.

Đồng thời, vấn đề Myanmar sẽ là bài thuốc thử cho ASEAN - vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả trong khối cũng như bên ngoài. Có lẽ cuộc khủng hoảng Myanmar sẽ chưa thể sớm kết thúc.

Thêm 18 người biểu tình chết

Lực lượng an ninh Myanmar hôm qua 14-3 đã nổ súng vào những người biểu tình chống đảo chính khiến ít nhất 18 người thiệt mạng - AFP dẫn lời các nhân chứng và truyền thông trong nước cho biết. Trung Quốc đã kêu gọi Myanmar ngừng bạo lực và bảo vệ các công ty và công dân nước này sau khi nhiều nhà máy Trung Quốc bị tấn công.

Trong một video được quay sẵn phát trên Facebook hôm 13-3 từ một nơi ẩn náu bí mật, ông Mahn Win Khaing Than - chủ tịch Thượng viện kiêm chủ tịch Quốc hội Myanmar trước đảo chính 1-2 - kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình và có quyền tự vệ trước quân đội.

Theo số liệu tổng hợp, tính đến 13-3, hơn 2.100 người bị bắt và hơn 80 người chết do biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar kể từ ngày 1-2. (H.VÂN)

Ít nhất 14 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, Trung Quốc kêu gọi ngừng bạo lực Ít nhất 14 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, Trung Quốc kêu gọi ngừng bạo lực

TTO - Truyền thông Myanmar đưa tin ít nhất 14 người biểu tình thiệt mạng tại thành phố Yangon ngày 14-3. Tình hình bạo lực tại một số nhà máy khiến Trung Quốc phải lên tiếng kêu gọi chấm dứt.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Myanmar