Vừa rồi, chúng tôi có dịp công tác tại một số địa phương có điều kiện khó khăn và thường xuyên nhận được những lời than phiền về khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Những người có thẩm quyền cho biết dù Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực và ưu đãi nhưng những người nghèo không có động cơ làm việc mà chỉ trông chờ vào các khoản hỗ trợ.
Điều này xảy ra là do các chính sách hiện nay đang tạo ra động cơ khuyến khích ngược. Càng nghèo, càng khó khăn thì càng được hỗ trợ nhiều, nhưng khi hết nghèo sẽ không còn được hỗ trợ nữa. Do vậy, không ai muốn ra khỏi danh sách nghèo.
Điều tương tự cũng đang xảy ra trong khu vực công. Ở những nơi thực hiện các dịch vụ hay hoạt động liên quan đến doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan hay địa chính chẳng hạn, người càng ít làm và càng gây khó khăn cho người dân hay doanh nghiệp lại càng có lợi.
Nếu việc gì đến tay các “đầy tớ của dân” cũng giải quyết nhanh chóng thì các hoạt động kinh tế sẽ hiệu quả hơn và cả xã hội sẽ khấm khá hơn. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì doanh nghiệp hay người dân đâu cần phải “biết điều” với các “đầy tớ của dân” làm gì.
Hơn thế, nếu làm việc chăm chỉ và giải quyết công việc nhanh gọn tận tình thì các công chức sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức hơn, còn đâu thời gian cho bao việc phải lo khác.
Đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhạy cảm như tài chính - ngân hàng chẳng hạn và các doanh nghiệp có quy mô lớn, nếu kinh doanh hiệu quả thì phải nộp nhiều thuế.
Ngược lại, nếu kinh doanh kém hiệu quả, đổ bể thì Nhà nước lại phải “cứu”, nhưng những người gây hậu quả nghiêm trọng lại rất ít khi bị truy cứu trách nhiệm hay bị tổn thất nhiều (trừ một số trường hợp quá rõ ràng).
Các câu chuyện nêu trên đều bắt nguồn từ việc các cơ chế chính sách hiện nay đang tạo ra động cơ khuyến khích ngược, người không có động cơ tiến thủ, người làm không hiệu quả lại được hưởng lợi lớn.
Ngược lại, những người có ý chí tiến thủ, kinh doanh hoặc làm việc hiệu quả lại bị “trừng phạt” như bị cắt các nguồn hỗ trợ, hoặc phải nộp nhiều thuế, hoặc không được doanh nghiệp hay người dân “biết điều” để họ có cuộc sống sung túc hơn.
Đây chính là một trong những trục trặc hay nút thắt thể chế lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Cạnh tranh sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Đối với việc xóa đói giảm nghèo, phần hỗ trợ nên chỉ đảm bảo cho những đối tượng cần giúp đỡ không bị đói là được. Phần còn lại sẽ dùng để tạo ra cơ chế khuyến khích theo cấp số nhân.
Ví dụ, nếu một gia đình thuộc diện hỗ trợ, có con học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học thì sẽ được hỗ trợ lần lượt là một phần, gấp đôi, gấp bốn và gấp tám lần.
Đối với những người làm trong khu vực công, cần tạo khuyến khích bằng việc đưa ra các tiêu chí cụ thể gắn với kết quả công việc để được thăng tiến và cho họ thấy rằng có người đang chạy đua vào một vị trí nào đó và người đạt kết quả tốt nhất là được cất nhắc. Thêm vào đó, áp lực luôn bị người khác giành mất vị trí cần được tạo ra.
Đối với các doanh nghiệp, cần tuân theo các kỷ luật của thị trường và những khoản ưu đãi hay hỗ trợ của Nhà nước nên dành cho những doanh nghiệp đạt kết quả tốt nhất, và những ai làm không tốt có thể mất trắng bất kỳ lúc nào.
Tóm lại, các chính sách khuyến khích ngược đang hiện diện ở rất nhiều nơi trong xã hội Việt Nam hiện nay và chúng là những cản trở rất lớn cho sự phát triển của quốc gia, nên Nhà nước cần tập trung xử lý tận gốc để tạo động cơ khuyến khích thuận chiều vì sự thịnh vượng của quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận