Lính Nga tràn vào căn cứ quân sự Ukraine ở Sevastopol Xem Nga - Mỹ đánh cờ ở Ukraine
Phóng to |
Kinh tế Ukraine ngưng trệ vì những cuộc bạo động - Ảnh: Reuters |
Hỗn loạn chính trị nổ ra ở một quốc gia có vị trí chiến lược về kinh tế, là điểm trung chuyển giữa Nga và các thị trường lớn tại châu Âu, đồng thời là một quốc gia lớn về xuất khẩu lúa mì. Dưới đây là năm lý do khiến cuộc khủng hoảng Ukraine có thể ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế ở quy mô toàn cầu.
1. Ukraine có quan hệ quan trọng với Nga và phần còn lại của châu Âu
Ukraine không còn sức mạnh kinh tế như thời Liên Xô, nhưng vẫn có vị trí địa lý quan trọng. Nga cung cấp khoảng 25% nhu cầu khí đốt cho châu Âu, và một nửa số đó được chuyển qua các đường ống chạy qua Ukraine. Matxcơva từng cắt cung cấp khí đốt năm 2009 do một tranh cãi với Kiev gây ra thiếu hụt ơ châu Âu. Nếu điều đó lặp lại, giá khí đốt cho các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ tăng.
2. Những lệnh cấm vận với Nga
Một viễn cảnh hiếm thấy sẽ là việc những nền kinh tế top 10 thế giới cấm vận lẫn nhau. Các đe dọa ngày càng lớn từ phía Mỹ và Tổng thống Barack Obama đã nói ông “xem xét tất cả các lựa chọn”. “Hiện giờ, nền kinh tế Nga phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới hơn nhiều so với 10 năm trước”, John Beyrle, cựu đại sứ Mỹ tại Matxcơva, nói với đài truyền hình Mỹ CNN. “Gần một nửa hoạt động ngoại thương của Nga hiện giờ là với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nga phụ thuộc vào một số nguồn nhập khẩu từ EU cả cho sản xuất lẫn dân sự”.
3. Thương mại châu Âu và thế giới có thể bị ảnh hưởng
Ảnh hưởng có thể lan ra bên ngoài châu Âu nếu nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine bị gián đoạn. Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu bột bắp và bột mì hàng đầu thế giới, và giá có thể đã tăng ngay cả khi chỉ xuất hiện những quan ngại vì tình hình chính trị. Hồi tháng 11, chính quyền Ukraine của tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych cũng đã ngưng các cuộc thương lượng về thương mại đưa Ukraine lại gần hơn với EU sau khi Nga đề nghị giảm giá khí đốt nếu Ukraine ký với Nga một hiệp ước hải quan.
4. Chính quyền Ukraine đang mắc nợ và cần viện trợ
Tình hình lẽ ra không quá bi đát nếu như nền kinh tế Ukraine mạnh mẽ hơn. Nước này còn thiếu nợ các khoản đã đáo hạn 13 tỉ USD trong năm nay và 16 tỉ USD sẽ đáo hạn từ giờ tới năm 2015. KHông có hỗ trợ từ bên ngoài, Kiev nhiều khả năng phải tuyên bố phá sản. “Để tránh sự sụp đổ trong những tuần tới, Ukraine cần tiền ngay bây giờ - Lubomir Mitov, kinh tế gia trưởng về các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu tại Viện tài chính quốc tế, nói – Ukraine không thể sống sót mà không tiến hành những cải cách trong vài tháng tới”.
Hiện chưa rõ ai sẽ cung cấp nguồn tiền viện trợ đó, sau khi Nga tuyên bố rút lại khoản hỗ trợ 15 tỉ USD sau cuộc chính biến. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã thế chỗ, nhưng Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde nói tổ chức này chưa chắc đáp ứng được yêu cầu 35 tỉ USD như Ukraine cần.
5. Ukraine không phải là nền kinh tế mới nổi duy nhất đang gặp khó khăn
Sự bất ổn ở Ukraine đến vào một thời điểm khó khăn cho các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới, tăng trưởng chậm chạp. Tình hình ở Ukraine có thể khiến các nhà đầu tư phải đánh giá lại rủi ro ở các thị trường mới nổi với nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp khác. Rắc rối ở Ukraine cũng sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng ở Nga, vốn là những chủ nợ lớn tại nước này. Đồng rúp Nga đã giảm giá khoảng 10% kể từ đầu năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận