Người biểu tình mang cờ Tây Ban Nha đòi đoàn kết thống nhất đất nước trong cuộc xuống đường ở thành phố Barcelona - thủ phủ xứ Catalonia ngày 7-10 - Ảnh: AFP
Đây được xem là cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có ở Tây Ban Nha từ những năm 1980.
Có thể nói, đa số người dân Tây Ban Nha, ngoài khu vực Catalonia, đều yêu cầu giữ thống nhất đất nước. Riêng tại vùng tự trị Catalonia cũng có những người không muốn tách khỏi Tây Ban Nha.
Vì thế trong ngày 7-10 đã nổ ra những cuộc biểu tình lớn với hai động cơ chính: hoặc yêu cầu đối thoại để giải quyết vấn đề cho êm thắm hoặc đòi giữ vững tính đoàn kết, thống nhất cho Tây Ban Nha.
Ở hai thành phố lớn là Madrid và Barcelona, các đoàn biểu tình tập trung trước tòa thị chính để biểu lộ mong muốn của mình.
Người biểu tình mang cờ Tây Ban Nha tập trung tại quảng trường trung tâm của Madrid vào ngày 7-10 - Ảnh: REUTERS
Vẫn giữ quan điểm cứng rắn, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, trong bài trả lời phỏng vấn trên nhật báo El Pais lớn nhất nước số ra ngày 8-10, vẫn cho rằng việc tự tuyên bố độc lập của ban lãnh đạo vùng Catalonia "chẳng có chút tác dụng gì".
Dự kiến trong hôm nay (8-10) tiếp tục diễn ra một cuộc biểu tình tại Barcelona "để tìm lại sự khôn ngoan". Nhà văn từng đoạt giải Nobel Mario Vargas Llosa, người có hai quốc tịch Peru và Tây Ban Nha, tuyên bố sẽ tham gia cuộc biểu tình này. Ông từng gọi ý định đòi độc lập của ban lãnh đạo Catalonia là "bệnh hoạn".
Nhóm biểu tình đòi đối thoại mặc đồ trắng và mang biển hiệu trắng với dòng chữ bằng tiếng Tây Ban Nha có nghĩa "Chúng ta nói chuyện với nhau chứ?" trong cuộc biểu tình ở thủ đô Madrid ngày 7-10 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AP, nhóm biểu tình đòi đối thoại kêu gọi ban lãnh đạo chính quyền trung ương Tây Ban Nha và của vùng Catalonia tiến hành đàm phán, tháo gỡ tình trạng bế tắc và ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng trên toàn quốc.
Các nhóm biểu tình này ở hai thành phố Madrid và Barcelona giăng biểu ngữ "Chúng ta nói chuyện với nhau chứ?".
Vừa qua, chính quyền Catalonia đã tiến hành bỏ phiếu trưng cầu về việc có tách khỏi Tây Ban Nha hay không. Kết quả có 90% số phiếu của những người đã đến được phòng phiếu ngày 1-10 đồng ý cho việc ly khai.
Dựa theo đó, thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont khẳng định sẽ tuyên bố "độc lập", bất chấp Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy gọi quyết định trên là vi hiến.
Nhóm đòi đối thoại và nhóm đòi thống nhất đấu khẩu với nhau trong cuộc xuống đường ở TP Malaga ngày 7-10 - Ảnh: REUTERS
Tình hình vài ngày nay cho thấy người Catalonia bắt đầu bất an trước viễn cảnh tách khỏi Tây Ban Nha và có thể bị cô lập kinh tế.
Hai ngân hàng lớn ở Catalonia là Caixabank và Banco Sabadell cũng như Công ty năng lượng Gas Natural tuyên bố họ đang chuyển trụ sở đi khỏi Catalonia.
Các công ty trên muốn đảm bảo việc "độc lập" của vùng này không ảnh hưởng tới lợi ích làm ăn của họ, cũng như không đẩy họ ra khỏi thị trường Liên minh châu Âu.
Biển người mang cờ Tây Ban Nha đòi giữ thống nhất đất nước chiếm khắp khu trung tâm thủ đô Madrid ngày 7-10 - Ảnh: REUTERS
Tâm lý này khiến hôm 7-10, quảng trường Sant Jaume ở Barcelona bị vây kín với các nhóm biểu tình hô to "Chúng tôi muốn đàm phán!", và "Đàm phán hay từ chức đi!".
Tại Madrid, các nhóm xuống đường kêu gọi "bớt thù hằn và hãy thấu hiểu nhau hơn", cũng như "Carles, Mariano, xem các ông có gọi điện cho nhau hay không".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận